Ban chỉ đạo 389 quốc gia:

Chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương

Theo Phan Thúy/bcd389.gov.vn

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế kiểm tra công tác chống buôn lậu tại địa bàn biên giới An Giang. Ảnh: TH
Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế kiểm tra công tác chống buôn lậu tại địa bàn biên giới An Giang. Ảnh: TH

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Thông báo số 344/TB-VPCP ngày 08/8/2017 của Văn phòng Chính phủ, trong đó giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chí của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để đánh giá mức độ hoàn thành công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành, địa phương.

Trên cơ sở đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dựa trên các tiêu chí như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, công tác năm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện chỉ đạo về các vụ việc bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm...

Một trong những điểm đáng chú ý của việc đánh giá này là đưa công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch công tác thường xuyên, đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm chính sách, pháp luật, quan hệ móc nối với đối tượng để che chắn, bảo kê, nhận hối lộ của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương” vào phần quy định về công tác thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, triển khai nhiệm vụ kế hoạch công tác thường xuyên, đột xuất, phát hiện và xử lý cán bộ vi phạm các quy định của nhà nước để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo chỉ đạo của cấp trên. Nếu chấp hành, thực hiện tốt sẽ được tính điểm cộng và không chấp hành, thực hiện không tốt thì tính điểm trừ.

Như vậy, với các tiêu chí này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có cơ sở để đánh giá mức độ điều hành với chức trách, nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương. Với mỗi tiêu chí đều có thang điểm chuẩn, điểm trừ. Tổng điểm chuẩn của các tiêu chí là 100. Hiện nay, việc xếp loại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo 4 mức: Loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) đạt từ 91-100 điểm; Loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ); Đạt từ 71-90 điểm; Loại C (hoàn thành nhiệm vụ) đạt từ 51-70 điểm; Loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) đạt dưới 50 điểm.