Chấn chỉnh tình trạng trì trệ, yếu kém trong đầu tư công

Phố Hiến

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Y tế bị đánh giá là 3 Bộ có tiến độ giải ngân “chậm nhất toàn quốc”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự hạn chế năng lực trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Bộ từng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lãng phí nguồn lực đầu tư công

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí cho 3 Bộ trên là 44 nghìn tỷ đồng, trong đó, Bộ Y tế được giao 32 nghìn tỷ đồng, Bộ GD&ĐT 8 nghìn tỷ đồng, Bộ VH,TT&DL là 3,5 nghìn tỷ đồng.
Riêng năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân trên 5,2 nghìn tỷ đồng; Bộ VH,TT&DL là 337 tỷ đồng; Bộ GD&ĐT là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân của các Bộ trong năm 2018 đều rất thấp, chưa Bộ nào giải ngân được phần vốn nước ngoài.  

Dẫn ví dụ về các dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 của Bộ Y tế (tại tỉnh Hà Nam) đã dừng thi công 18 tháng nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là những điển hình của sự chậm trễ, yếu kém trong đầu tư xây dựng”. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban cán sự đảng 3 Bộ nói trên tổ chức kiểm điểm, xác định rõ các nguyên nhân, trách nhiệm khi để giao vốn và giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư công, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển y tế, giáo dục, văn hoá; đề ra giải pháp căn cơ, cụ thể, đi kèm với thanh tra, kiểm tra nội bộ, giám sát đánh giá kết quả để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong phạm vi của Bộ được giao. 

Đối với các dự án ODA của Bộ VH,TT&DL đang gặp vướng mắc về chi thường xuyên và chi đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ động xem xét, giải quyết cho Bộ theo tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này...

Những bài học nhãn tiền

Với những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, tình trạng bất cập trong việc giải ngân vốn tại Bộ VH,TT&DL hi vọng sẽ sớm được chấn chỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” tại Bộ VH,TT&DL dẫn đến hàng loạt dự án bị đình trệ, tồn đọng không phải xảy ra lần đầu tại Bộ này. 

Trong Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2015 của Bộ VH,TT&DL do KTNN chuyên ngành III thực hiện từ tháng 10/2015 đến 11/2016 cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của Bộ này trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực chi đầu tư xây dựng, Bộ chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí 42,7 tỷ đồng để thực hiện và hoàn thành dự án xây dựng cơ sở 2 Trường Đại học Văn hóa TP. HCM trong năm 2016. 

Công tác thẩm tra, phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án còn nhiều hạn chế. Đơn cử, Dự án Nhà hát Ca, Múa dân gian Việt Bắc đã được điều chỉnh tăng quy mô nhưng thiếu cơ sở tính toán dẫn tới dự toán chi phí Dự án tăng cao so với thiết kế ban đầu (từ 59,6 tỷ đồng lên 152,4 tỷ đồng). 

Tiến độ thi công của 3/5 dự án được kiểm toán vượt quy định thời gian thực hiện tối đa. Điển hình như Dự án mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng giai đoạn 1, với diện tích 35 ha đã được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, nhưng chỉ có 1/25 hạng mục được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đáng lưu ý, công tác nghiệm thu, thanh toán của hầu hết gói thầu xây lắp còn có sai sót về khối lượng, đơn giá; hồ sơ, thủ tục chưa đảm bảo theo quy định… 

Việc quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ, viện trợ của Bộ VH,TT&DL cũng có nhiều hạn chế. Năm 2015, Bộ đã tiếp nhận các dự án viện trợ với tổng kinh phí 188,5 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, các dự án đã kết thúc từ nhiều năm trước nhưng chưa làm thủ tục hoàn thiện và đóng dự án theo quy định, điều này dẫn đến tình trạng tài sản sau khi dự án đóng không rõ xử lý thế nào, dễ gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước. 

Trước những sai phạm này, KTNN đã đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời chỉ đạo đề xuất các giải pháp chấm dứt các tình trạng vi phạm nêu trên. 

Từng trực tiếp tham gia kiểm toán, theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán tại Bộ, một kiểm toán viên của KTNN chuyên ngành III cho biết, các vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Bộ VH,TT&DL xảy ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, thay vì được chấn chỉnh, nhiều vi phạm tương tự vẫn tái diễn và đã được các Đoàn kiểm toán giai đoạn sau ghi nhận.
“Điều đó cho thấy, năng lực cũng như ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý công tác này tại Bộ VH,TT&DL chưa cao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất thấp tại Bộ đã nói lên tất cả” -  Kiểm toán viên này cho biết.