Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2012: Đưa và nhận hối lộ vẫn còn phổ biến

Theo Tạp chí Thuế

Ngày 14/5, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UNDP đã công bố kết quả điều tra chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Đây là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của công tác quản trị và điều hành của hệ thống nhà nước (bao gồm cả ứng dụng dịch vụ công) tại 63 tỉnh, thành phố dựa trên trải nghiệm của người dân khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan chính quyền các cấp.

 Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2012: Đưa và nhận hối lộ vẫn còn phổ biến
Báo cáo của PAPI nêu rõ việc đưa và nhận hối lộ vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguồn: Internet
55 tỉnh đã cải thiện chỉ số PAPI
 
Khảo sát của PAPI 2012 đã thu thập ý kiến của gần 14.000 lượt người, được lựa chọn ngẫu nhiên từ 800 tổ dân phố của 414 xã, phường, thị trấn thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, khảo sát theo 6 nội dung lớn, bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
 
Nếu so sánh với chỉ số PAPI năm 2011 thì chỉ số này của năm 2012 đã có những cải thiện đáng kể. Theo đó đã có 55/63 tỉnh, thành phố có cải thiện về điểm, 36 địa phương có mức cải thiện trên 5%. Ở chiều ngược lại, có 8 địa phương giảm nhưng đều ở mức 0-5%. Top 5 địa phương dẫn đầu chỉ số PAPI năm 2012 là Quảng Bình, Thái Bình, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, trong đó Quảng Bình đã giữ vị trí dẫn đầu trong 2 năm liên tục. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Khánh Hoà, Kiên Giang, Bạc Liêu, Lai Châu, Đắk Lắk. Đây cũng là các tỉnh thuộc nhóm 1/3 cuối bảng năm 2011, song Đắk Lắk có mức sụt giảm về điểm mạnh nhất. So với năm 2011, TP. Hồ Chí Minh tăng 7 điểm %, đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng PAPI, thuộc nhóm trung bình cao và Hà Nội chỉ tăng 3 điểm % đứng ở vị trí 18 của bảng xếp hạng.
 
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo PAPI 2012 là chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 2,59% so với năm 2011, riêng chỉ số thành phần quyết tâm chống tham nhũng tăng 5,72%. Tuy nhiên các chỉ số thành phần khác, như kiểm soát tham nhũng trong chính quyền và cung ứng dịch vụ công tăng không đáng kể. Một số địa phương có sự cải thiện đáng kể về điểm số này (khoảng 20%) là Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Yên, trong khi một số tỉnh lại có sự sụt giảm mạnh là Điện Biên, Khánh Hoà, Bạc Liêu giảm khoảng 15%. Có 25 tỉnh, thành phố tăng điểm hơn 5% và 13 địa phương sụt giảm hơn 5%. Top 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số kiểm soát tham nhũng là Tiền Giang, Bình Định, Long An, Đà Nẵng và Sóc Trăng. Phần lớn địa phương trong nhóm đạt điểm cao nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, tương tự kết quả của PAPI 2011. 5 địa phương đứng cuối về chỉ số kiểm soát tham những là Điện Biên, Khánh Hoà, Lai Châu, Ninh Thuận và Cao Bằng.  
 
Đưa và nhận hối lộ vẫn diễn ra khá phổ biến  
 
Mặc dù việc kiểm soát tham nhũng đã có những kết quả được ghi nhận, nhưng báo cáo của PAPI cũng nêu rõ, vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa minh bạch, việc đưa và nhận hối lộ vẫn diễn ra khá phổ biến. Với nhận định “trong khu vực nhà nước, phải hối lộ mới xin được việc”, số người được hỏi đồng tình tăng lên 50% so với năm 2011 từ mức 29% lên 44%. Số người đồng tình với việc phải hối lộ mới được chăm sóc y tế cũng tăng với tỷ lệ tương đương từ 31% lên 42%.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, có tới 32% số người được hỏi cho biết đã phải hối lộ để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi con số này của năm 2011 là 21%. Kết quả khảo sát của PAPI cũng cho thấy, cứ 10 người thì có đến 8 người không biết đến kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn đang sinh sống. Việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường xuyên gặp khó khăn và có điểm số thấp nhất trong bốn loại thủ tục hành chính được đo lường. Về quy mô chi phí không chính thức được chia theo 2 mức. Ở mức cận dưới có tới  17% số người được hỏi đã trả lời chi “lót tay” để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong lĩnh vực y tế, 10% số người được hỏi đã “hối lộ” tại bệnh viện tuyến quận, huyện với số tiền bình quân 37.000 đồng/người/lần khám chữa bệnh. Ở bậc giáo dục tiểu học công lập, mức chi không chính thức là 98.000 đồng/học sinh/học kỳ. Ở mức cận trên con số chi không chính thức tương ứng là 56,6% và 818.000 đồng/lần đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 48,4% và 146.000 đồng/người/lần khám chữa bệnh đối với y tế cấp quận huyện và 572.000 đồng/học sinh/học kỳ đối với giáo dục tiểu học công lập. 
 
Theo PAPI 2012, một số lượng lớn các vụ tham nhũng vẫn chưa được phản ánh đầy đủ, do cái giá phải trả cho việc tố giác quá lớn hoặc do người dân chưa tin tưởng vào hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng hiện hành. Điều này cho thấy trong nhiều trường hợp, người dân chấp nhận việc đưa hối lộ là cần thiết để tránh thủ tục rườm rà. Nhưng dù sao, người dân mong muốn trách nhiệm giải trình và kiểm soát chống tham nhũng trong thời gian tới cần được đẩy mạnh, đồng thời dịch vụ tài chính công cần được cải thiện hơn, báo cáo của PAPI nếu rõ