Chiếm lĩnh thị trường nông thôn: Phải thay đổi quan niệm kinh doanh

Theo Hà Nội mới

Với hơn 61 triệu người, chiếm gần 70% dân số cả nước, khu vực nông thôn có số lượng khách hàng gấp 3 lần khu vực thành thị. Mặc dù tiềm năng phát triển thị trường nông thôn đã được khẳng định nhưng đến nay, thị trường này vẫn nhận được quá ít sự đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong nước.

 Chiếm lĩnh thị trường nông thôn: Phải thay đổi quan niệm kinh doanh
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, giá thành phù hợp
Đến nay, đời sống của người dân nông thôn đang ngày càng được nâng cao, nhất là ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Chiếm gần 70% dân số cả nước, khu vực nông thôn có số lượng khách hàng sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi sẵn sàng mua ti vi, 92% có thể mua bếp điện hoặc gas, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt… Các con số thống kê cũng cho thấy, hiện số người có thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng ở nông thôn ngày càng tăng, do đó nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng tăng theo. Vì vậy, các DN nên thay đổi quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền và sức mua yếu kém.

Trong khi các DN trong nước không mấy mặn mà với thị trường nông thôn, cách đây hơn chục năm, nhiều thương hiệu mạnh của nước ngoài như Unilever, Procter&Gamble, Coca Cola… đã liên kết với hệ thống bán hàng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng để bám trụ từng khu vực.

Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội; các công ty: Siêu thị Hà Nội, Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Thực phẩm Hà Nội, Trách nhiệm hữu hạn Siêu thị và dịch vụ Big C Thăng Long… tổ chức 77 chuyến bán hàng phiên chợ Việt, 358 chuyến bán hàng lưu động, 9 trung tâm bán hàng lưu động, 36 phiên chợ tết. Việc đưa hàng về nông thôn là hoạt động hữu hiệu giúp người dân được mua và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá hợp lý, đồng thời kích thích sản xuất trong nước. Nhiều chuyến đưa hàng về nông thôn cho thấy, thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa có sức tiêu thụ khá cao; sản phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm bán trong các phiên chợ rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, để trụ vững được tại thị trường nông thôn, sau mỗi phiên chợ, các DN cần duy trì, kết nối với mạng lưới phân phối địa phương thường xuyên. Bên cạnh đó, để hàng Việt được tiêu thụ mạnh tại thị trường nông thôn, DN sản xuất cần liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị phần; trở thành đối tác đầu tư chiến lược của nhau để giảm giá sản phẩm. Chẳng hạn, Công ty sản xuất Nước mắm Liên Thành, thay vì tự tiêu thụ sản phẩm như trước đây đã ủy thác cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sao Việt đảm trách khâu phân phối. Nhờ đó, Liên Thành có thể tập trung nghiên cứu, tạo sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để DN phân phối có thể tiêu thụ được một lượng lớn hàng sản xuất trong nước tại thị trường nông thôn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương về địa điểm, mặt bằng để phát triển hệ thống phân phối. Thực tế, việc phân phối hàng hóa về nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chợ, trung tâm thương mại ở nông thôn còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, bình quân 2 xã mới có một chợ. Thậm chí, có khu vực miền núi phải 5-7 xã mới có một chợ. Những hàng, quán tạp hóa ở thôn, làng là điểm phân phối chính.

Năm 2013, cuộc chiến giành thị phần nông thôn miền Bắc được các chuyên gia đánh giá, sẽ diễn ra quyết liệt khi các tập đoàn sản xuất, phân phối xuyên quốc gia tập trung phát triển mạnh cho thị trường nông thôn sau khi đã thành công ở thành thị. Lợi thế của họ là quảng cáo mạnh trên các phương tiện truyền thông, có nguồn hàng tốt, xây dựng kênh phân phối chặt chẽ, tạo sự hấp dẫn với cả người bán và người tiêu dùng. Vì vậy, để chiếm lĩnh thị trường này, DN trong nước cần đầu tư xây dựng kênh phân phối với đội ngũ nhân viên giỏi; đưa hàng đến các điểm bán lẻ ở nông thôn. Ngoài ra, cần chú trọng đến các dịch vụ gia tăng như chăm sóc khách hàng, bảo hành, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt… Những hình thức này cần được duy trì đều đặn để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, tạo đà cho hàng Việt "bám rễ", tại khu vực nông thôn.