Cho vay tiêu dùng cá nhân - bức tranh không chỉ toàn màu hồng?

TS.Nguyễn Minh Phong

Cho vay tiêu dùng cá nhân từ 10 đến 300 triệu đồng, lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, không thu phí dịch vụ, thời gian vay linh hoạt, kéo dài từ 12 - 48 tháng hoặc lâu hơn, giải ngân nhanh chóng trong 24h... là những dòng quảng cáo đang nở rộ trên các trang báo giấy và báo mạng. Một thị trường tín dụng tiềm năng đang mở ra, nhưng không phải là chỉ toàn màu hồng cho cả người vay và người cho vay...

Cho vay tiêu dùng cá nhân - bức tranh không chỉ toàn màu hồng?
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Có thể nói chưa bao giờ khách hàng vay tiêu dùng cá nhân lại được hưởng dịch vụ tín dụng thuận lợi như hiện nay. Một cá nhân đi làm đang hưởng lương; chủ doanh nghiệp có giấy phép hoặc xác nhận kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có bản sao CMND, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác là có thể tự tin bước vào ngân hàng bất kỳ để xin vay  tiêu dùng cá nhân để mua nhà, mua sắm ôtô, xe máy, hàng điện máy và hàng tiêu dùng cao cấp khác... trả góp hàng tháng. Thậm chí, nếu muốn, có thể điện thoại theo các số điện thoại nóng được mở 24/24 để chờ nhân viên tín dụng đến làm thủ tục và nhận tiền tại nhà hoặc địa chỉ mà mình yêu cầu. Số tiền được vay cao,  gấp 6 - 12 lần mức lương hàng tháng, hoặc từ 10 - 300 triệu đồìng. Lãi suất vay tính trên số dư nợ thực tế, cùng với số tiền phải trả hàng tháng không đổi (bao gồm gốc và lãi), không thu phí dịch vụ, thời gian vay linh hoạt, kéo dài từ 12 - 48 tháng hoặc lâu hơn...

Xu hướng các ngân hàng mở cửa trở lại với cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay là do nhiều ngân hàng nhận thấy cho vay đối với khách hàng cá nhân dễ hơn, mặt bằng lãi suất cao hơn và rủi ro cũng thấp hơn cho vay doanh nghiệp, giúp ngân hàng tăng dư nợ, tăng lãi và mở rộng thị trường, mà không quá phụ thuộc và căng thẳng trong đi đòi nợ các doanh nghiệp con nợ vốn đang bị giảm dần độ tín nhiệm trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn cả trong sản xuất - kinh doanh, cũng như trong thanh khoản.

Tuy nhiên, tiếp cận và chấp nhận các gói cho vay tiêu dùng này, người vay rất dễ rơi vào bẫy nợ lãi suất cao trong tương lai nếu không để ý tới các điều kiện vay nợ và thanh toán, điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ, với kỳ hạn điều chỉnh lãi suất khá ngắn cộng với biên độ cao mà các ngân hàng hay cài vào trong hợp đồng cho vay; cũng như nếu không cân nhắc kỹ các thu nhập thực tế bảo đảm thanh toán đúng hạn  của mình.

Trên thực tế, nếu để ý kỹ về điều khoản vay, khách hàng sẽ thấy lãi suất vay ưu đãi 0,68% hay 8% nêu trên chỉ được áp dụng trong vài tháng đầu tiên, còn các tháng sau đó, lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường. Mức lãi suất vay mua nhà 12% một năm được xem là hấp dẫn trên thị trường, nhưng cũng chỉ áp dụng cho 6 tháng vay đầu tiên và để giải ngân cho khách hàng khá giả mua căn hộ với giá cả triệu USD. Khi hết thời hạn hưởng ưu đãi trong thời gian đầu, sau đó, hầu hết ngưòi tiêu dùng phải chấp nhận cảnh ngân hàng tự do tăng lãi suất, hoặc có những điều khoản khó dễ mới vỡ lẽ và bức xúc. Nói cách khác, hầu hết các gói cho vay cá nhân với lãi suất ưu đãi chỉ là một cách để dụ khách vay tiền... và hệ quả không chỉ đến từ một phía.

Đối với các ngân hàng, việc cho vay tiêu dùng cá nhân quá mức có thể đem lại rủi ro gắn với sự mất khả năng thanh toán đúng hạn của người vay. Các nguồn thu nhập thực tế của ngườâi vay có thể khác xa so với các giấy tờ xác nhận có chữ ký và đóng đủ dấu đỏ hợp lệ theo yêu cầu của ngân hàng.

Bởi vậy, để hài hòa các lợi ích và mục tiêu tín dụng trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên cho vay hợp lý vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời, tăng cường thông tin nhằm tránh lạm dụng cho vay tiêu dùng cá nhân cả từ phía các ngân hàng, cũng như từ phía người vay, đặc biệt, kiểm soát các mức và thời hạn ưu đãi lãi suất cho vay, tăng hạn mức cho vay trên tài sản thế chấp; đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, phân kỳ hạn trả nợ linh hoạt, phù hợp với thu nhập đặc thù và những biện pháp quản lý chặt chẽ dòng vốn để tránh nợ xấu...