Nợ thuế là một phạm trù tất yếu khách quan tồn tại cùng với sự tồn tại của thuế, khi còn thuế thì vẫn còn nợ thuế. Xét ở góc độ hành vi thì nợ thuế là hành vi của người nộp thuế chưa nộp kịp thời số tiền phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Về phía cơ quan thuế, đây là số tiền phải thu của người nộp thuế theo quy định của pháp luật được Nhà nước giao trách nhiệm thu nhưng chưa thu được.

Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hành vi chưa nộp thuế hoặc không nộp thuế của người nộp thuế: Nguyên chủ quan là do người nộp thuế có khả năng nhưng không muốn nộp thuế vì một số lý do, nhất là trong giai đoạn nguồn tiền mặt khan hiếm như năm 2011 và những tháng đầu năm 2012. Nguyên nhân khách quan là do người nộp thuế không có khả năng nộp theo đúng thời hạn quy định do chưa bán được hàng, chưa có thu nhập. Trong nhóm này đặc biệt là trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế bởi kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả, thậm chí phải phá sản.

Về phía Nhà nước, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng nợ thuế, chây ì thuế của đối tượng nộp thuế là do cơ quan thu không kiên quyết, chưa áp dụng các chế tài đủ mạnh để đối tượng nộp thuế tuân thủ. Nguyên nhân khách quan là do người nộp thuế không có khả năng nộp hoặc không muốn nộp.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế của bất cứ thời đại, quốc gia nào, nợ thuế tồn tại là điều hết sức bình thường, tuy nhiên, sẽ là không bình thường nếu như đối tượng nộp thuế cố tình tìm kẽ hở của pháp luật nhằm trì hoãn nghĩa vụ thuế. Bởi vậy, nhiệm vụ của quản lý thuế là phải phân tích nguyên nhân nợ trên tất cả các mặt có liên quan như: nợ ở sắc thuế nào, đối tượng nợ là ai, cá nhân hay tổ chức, chính sách thuế còn phù hợp thực tiễn hay không, tổ chức thực hiện chính sách thuế đó như thế nào, sự tác động của các chính sách khác đến chính sách thuế ra sao, từ đó tìm ra được giải pháp khắc phục.

Bài viết này đưa ra một số trường hợp để phân tích tác động của chính sách, tổ chức thực hiện chính sách thuế đến hành vi nợ thuế của người nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.

Tác động của lãi suất đến hành vi nợ thuế

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì khi người nộp thuế nộp chậm tiền thuế, cứ mỗi ngày nộp chậm tiền thuế, đối tượng nộp phải chịu phạt với tỉ lệ lãi suất là 0,05% trên số tiền thuế nợ. Tỷ lệ này quy ra một tháng là 1,5%, một năm là 18%.

Đây là chế tài nhằm hạn chế nợ thuế, không gây thất thu cho ngân sách khi đối tượng không tuân thủ đúng thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế. Mức phạt này thực tế những năm qua đã góp phần ngăn ngừa các trường hợp chây ì nộp thuế; định hướng hành vi của người nộp thuế.

Ví dụ: Doanh nghiệp A chậm nộp tiền thuế 30 ngày với số tiền nợ thuế là 5 tỷ đồng. Hết 30 ngày, doanh nghiệp A nộp tiền thuế và tiền phạt thì ngoài việc nộp đủ tiền thuế thiếu, còn phải nộp tiền phạt nộp chậm là: 5 tỷ đồng x 0,05% x 30 ngày = 75 triệu đồng.

Trước đây, khi kinh tế ổn định, lãi vay thương mại thấp, giá vốn ngân hàng rẻ, tỉ lệ phạt này là tương đối cao và có tính răn đe khá tích cực. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 vừa qua, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng thực tế có khi lên đến 1,95%/ tháng, thậm chí lãi suất tiền vay có giai đoạn lên đến 2,5%/tháng thì chế tài trên không còn phát huy hiệu quả. Số thuế nợ đọng trong cả nước dâng lên là điều tất yếu.

Ví dụ sau cho thấy rất rõ điều đó: Doanh nghiệp B có số thuế phải nộp ngày 20/7/2011 là 10 tỉ đồng. Cùng ngày, doanh nghiệp có nhu cầu về vốn để kinh doanh cũng với số tiền tương đương trong thời hạn 3 tháng. Thay vì chấp hành chính sách thuế là nộp đủ số tiền thuế nói trên cho Nhà nước, làm thủ tục vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp B chưa thực hiện ngay nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà tạm chiếm dụng số tiền thuế nêu trên để làm vốn kinh doanh.

Đến ngày 20/10/2011, đơn vị mới nộp thuế và nộp phạt, khi đó số tiền thuế và tiền phạt sẽ là:

Tiền thuế: 10 tỷ đồng

Tiền phạt: 10 tỷ đồng x 90 ngày x 0,05% = 450 triệu đồng.

Nếu doanh nghiệp B nộp thuế đúng hạn (20/7/2010) và vay vốn ngân hàng để kinh doanh thì sau thời hạn 3 tháng, ngoài số tiền gốc phải trả cho ngân hàng, doanh nghiệp còn phải trả tiền lãi theo cơ chế thỏa thuận căn cứ trên mặt bằng lãi suất thị trường. Giả sử lãi suất ngân hàng thời điểm đó là 2 %/tháng thì sau 3 tháng, số tiền lãi sẽ là:

Tháng thứ 1: 10 tỷ đồng x 2% = 200 triệu đồng

Tháng thứ 2: (10 tỷ đồng + 200 triệu đồng) x 2% = 204 triệu đồng

Tháng thứ 3: (10 tỷ đồng + 200 triệu đồng + 204 triệu đồng) x 2% = 208,08 triệu đồng

Tổng tiền lãi phải trả: (200 + 204 + 208,08) triệu đồng = 612,08 triệu đồng.

Là một nhà kinh doanh, sẽ không ai đi nộp thuế rồi đi vay ngân hàng trả lãi trong trường hợp này. Nếu vay ngân hàng và nộp thuế thì trong 3 tháng đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Đối với cơ quan thuế, sau 3 tháng, doanh nghiệp A nộp thuế và nộp phạt đầy đủ, cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện nghĩa vụ thuế và nếu doanh nghiệp có nhu cầu muốn nợ thuế thêm nữa thì cơ quan thuế cũng vẫn đồng tình vì nguồn thu thuế đã được tăng lên một khoản, đó là tiền phạt!

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp không phải đi vay vốn để kinh doanh mà vẫn cố tình nợ tiền thuế, chịu nộp phạt là bởi tại thời điểm lãi suất thị trường cao vượt 18%, tiền mặt khan hiếm, để tiền gửi tiền ngân hàng hoặc cho các doanh nghiệp thiếu vốn “vay nóng” vẫn có lợi lớn hơn lãi suất nộp phạt cố định 18%/năm thì người nộp thuế... việc gì phải vội! Đây chính là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách, chây ỳ nộp thuế…

Rõ ràng là ở đây có sự bất cập của chính sách thuế và chính sách lãi suất. Khi tham mưu cho Chính phủ sử dụng các công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế, các bộ, ngành cần chú ý tác động của công cụ đến các chính sách khác, nhất là chính sách thuế để phát huy hiệu quả của công cụ điều tiết.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng lãi suất để điều tiết vĩ mô nền kinh tế trong giai đoạn 2011 chưa phát huy hết hiệu quả của công cụ. Tác động xấu đến công tác quản lý thu thuế mà cụ thể là tác động đến tình hình nợ thuế khá rõ. Vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bởi vậy, các cấp quản lý cần xem xét tác động của chính sách đầy đủ và cụ thể hơn, đảm bảo huy động được các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Một vài đề xuất

Như trên đã trình bày, nợ thuế thì doanh nghiệp phải nộp phạt 0,05%/ngày. Tuy nhiên trong thực tiễn triển khai Luật Quản lý thuế, có địa phương tính phạt nộp chậm tiền thuế, có địa phương lại không tính. Bởi vậy, chính sách thuế phải được áp dụng thống nhất, đồng bộ trên phạm vi lãnh thổ, tránh tình trạng địa phương này thế này, địa phương kia thế khác, dẫn đến hiệu lực của thuế sẽ bị suy giảm.

Trong vận hành cơ chế quản lý thuế hiện nay vẫn thực hiện khẩu hiệu “Thuế và doanh nghiệp là bạn đồng hành”, trước khi tiến hành xử lý nợ thuế bằng các biện pháp mạnh hơn như đình chỉ hoá đơn, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng… cơ quan thuế lại ứng xử theo nguyên tắc trao đổi đối với “bạn bè”, “nhắc nhở”, “thoả thuận” nộp thuế, gia hạn nộp thuế, cam kết nộp thuế… Do vậy thuế càng lớn, mức độ sinh lợi của khoản tiền thuế càng cao, doanh nghiệp lại càng muốn nợ thuế. Hơn nữa, doanh nghiệp cố tình nợ thuế lâu đến mức có thể sẽ đến giai đoạn được cơ quan thuế cho khoanh nợ, xoá nợ như đã làm trước đây. Vậy tại sao phải nộp thuế mà không nợ vì DN chỉ thấy lợi khi chế tài phạt chưa đủ “nặng”?!

Đã đến lúc cần nghiên cứu cơ chế quản lý “cứng rắn” hơn để hạn chế thấp nhất nợ đọng thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách. Rất mong các nhà hoạch định chính sách quan tâm khi xây dựng chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thuế, tiết kiệm nguồn lực cho quốc gia.

Chống nợ đọng thuế cần cơ chế quản lý "cứng rắn" hơn?

Hoài Phương

TCTC Online - Thuế càng lớn, mức độ sinh lợi của khoản tiền thuế càng cao, doanh nghiệp lại càng muốn nợ thuế. Đã đến lúc cần nghiên cứu cơ chế quản lý “cứng rắn” hơn để hạn chế thấp nhất nợ đọng thuế, tăng cường nguồn thu cho ngân sách.

Xem thêm

Video nổi bật