Chuyển dịch sang năng lượng xanh: Hướng đi thông minh

Theo Quỳnh Ngọc/daibieunhandan.vn

Nếu áp dụng chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể cắt giảm khoảng 30.000MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương 25 nhà máy nhiệt điện than. Đây là nhận định được Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) đưa ra tại Hội thảo “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam” sáng 5/6, tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cắt giảm 30.000MW nhiệt điện than vào 2030

Theo Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cắt giảm khoảng 20.000MW điện than nhưng nguồn điện này vẫn chiếm 43% cơ cầu nguồn vào năm 2030.

Hiện tại, giá nhiệt điện than rẻ hơn năng lượng tái tạo vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên như môi trường, xã hội, sức khỏe… Nếu xem xét chi phí này thì ngay tại thời điểm nghiên cứu năm 2017, các công nghệ năng lượng tái tạo đều có tính cạnh tranh hơn về chi phí so với công nghệ nhiệt điện than.

Tại hội thảo, GreenID cũng công bố “Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” - đây là kết quả rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam”. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước ta. Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, xem xét chi phí ngoại biên từ tác động ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu cho thấy phương án an toàn nhất và chấp nhận được để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai, đồng thời đáp ứng mục tiêu Thỏa thuận Paris là cắt giảm 30.000MW điện than, thay vào đó áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo.

So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bản thiết kế này đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 21% lên 30%, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên 22,8% và giảm tỷ trọng nhiệt điện than 42,6% xuống còn 24,4%.

Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh cho rằng, kịch bản đưa ra sẽ giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng do giảm tỷ lệ nhập khẩu than, giảm xây dựng các nhà máy điện mới, giảm áp lực huy động khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than. Đặc biệt giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Bên cạnh đó, chuyên gia năng lượng tái tạo Rainer Brohm nhận định, năng lượng tái tạo toàn cầu đã đến lúc không còn đường lui. Năng lượng tái tạo cũng đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hóa thạch ở quy mô thương mại.

Hiện nay, phát triển điện than toàn cầu đã đạt đến ngưỡng và ngày càng có ít các dự án nhiệt điện than mới trên toàn cầu, số các nhà máy nhiệt điện than đóng cửa ngày càng tăng (chủ yếu ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD). Do vậy, xu hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới cần tập trung mạnh hơn vào năng lượng tái tạo.

Chuyển dịch sang năng lượng xanh

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Nghiêm Vũ Khải chia sẻ, chuyển dịch sang năng lượng xanh rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào như Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Phát triển năng lượng tái tạo cũng là hướng đi hợp lý để tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng có thể là giảm đi rất nhiều các yêu cầu vốn cần thiết. Điều này có lợi cho  ngành điện nói riêng cũng như toàn nền kinh tế nói chung, tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân. “Nhưng lâu nay, chúng ta thường quên mất nhân tố này mà chỉ lo cần phải có nguồn cung điện thêm, huy động vốn từ đâu để đạt được một chỉ tiêu phát triển điện nào đó”, chuyên gia này chỉ ra.

Ngoài ra, bà Lan kiến nghị cần tạo điều kiện để các tổ chức khác nhau trong xã hội, cộng đồng dân cư có thể tham gia vào phát triển năng lượng. “Tại sao không phát triển mô hình các cụm điện do những cụm dân cư cùng nhau đầu tư và quản trị đang phát triển ở nhiều nơi trên thế giới và một số vùng ở nước ta?”. Theo bà Lan, mô hình này vừa giảm gánh nặng cho nhà nước, vừa tăng trách nhiệm, khả năng đóng góp của mỗi người.

Mặt khác, GS.TS. Khoa học Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị, tăng trưởng năng lượng quốc gia cần được phân tích khách quan và đầy đủ trên cả 3 mặt: Kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt sinh kế và sức khỏe của người dân đối với từng dạng năng lượng.

Tiếp đó, theo dõi sát sao tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo. Đầu tư nghiên cứu, triển khai, thương mại cho hai hướng: Nâng cao hiệu suất chuyển đối diện năng và tích trữ điện năng được chuyển đổi. Tăng trưởng năng lượng quốc gia phải đi trước, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổng sơ đồ năng lượng quốc gia cần được đổi mới với tầm nhìn rộng, với quan điểm hệ thống và động.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ bằng khuyến khích mà cần được quy định thực hiện bắt buộc như: Sử dụng năng lượng mặt trời tại các tòa nhà, mái nhà.

Đồng thời, xem xét đến các công nghệ mới trong năng lượng tái tạo. Ngoài ra, quá trình lập Quy hoạch điện VII cần tham vấn rộng rãi với các bên liên quan, rà soát và cập nhật quy hoạch điện để bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.