Vài nét về hoạt động chuyển giá

Xác định giá chuyển nhượng là một thuật ngữ quốc tế chung phản ánh về cách tính giá trong các giao dịch kinh tế nội bộ giữa các bên trong cùng một tập đoàn, một công ty đa quốc gia… Do tính chất là giao dịch nội bộ nên việc tính giá của bên bán và bên mua, mặc dù được phản ánh đầy đủ và rõ ràng trên chứng từ, hóa đơn, hợp đồng ký kết theo các quy định pháp luật nhưng cơ sở tính giá thường không phản ánh đúng thực tế như giao dịch giữa các bên độc lập theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Chính vì vậy, mức giá tính cho các giao dịch nội bộ thường làm sao có lợi nhất cho tập đoàn, tổng công ty, làm sao giúp giảm tối thiểu chi phí phải bỏ ra để tối đa hóa lợi nhuận, trong đó thuế là một yếu tố chi phí rất quan trọng. Do đó, các công ty thường có xu hướng dồn thu nhập về nơi có thuế thấp, chuyển chi phí về nơi có thuế cao, thông qua công cụ hữu hiệu và hợp pháp là chuyển giá.

Như vậy, chuyển giá thường gắn với các hoạt động của các công ty đa quốc gia, đó là một nhóm các công ty có cơ sở thường trú ở hai hay nhiều quốc gia hoặc là một công ty đa quốc gia có nhiều chi nhánh hoạt động ở nhiều nước khác nhau hoặc thành lập nhiều chi nhánh trong cùng một quốc gia nhưng hoạt động ở nhiều địa phương với các mức ưu đãi thuế khác nhau. Ví dụ: Một doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đầu tiên thành lập một công ty A lắp ráp đồ điện tử tại Hà Nội. Sau khoảng 05 năm, DN này đầu tư tiếp một công ty B sản xuất linh kiện điện tử tại Hải Phòng. Linh kiện của công ty B được “bán” cho công ty A để lắp ráp. Lúc này, công ty A đã hết thời kỳ được ưu đãi thuế nên phải nộp thuế theo thuế suất phổ thông, còn công ty đang B vẫn trong thời hạn được miễn giảm thuế. Để tránh thuế, công ty B đã tính giá linh kiện điện tử bán cho công ty A cao hơn giá thị trường, làm tăng chi phí đầu vào của công ty A và như vậy công ty A có thể bị lỗ, không phải nộp thuế, trong khi công ty B sẽ lãi lớn nhưng đang trong thời hạn miễn thuế và tất nhiên, công ty B cũng không phải nộp thuế. Như vậy, công ty mẹ đầu tư nước ngoài sẽ thu lợi nhuận lớn ngay tại thị trường Việt Nam.

Hoạt động chuyển giá như trên vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI).

Thực trạng chuyển giá tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2011 trong tổng số DN FDI được cấp mã số thuế thì số DN có lãi chỉ chiếm 31,7%, con số này năm 2012 dự kiến khoảng 25%. Tỷ trọng giữa DN 100% vốn nước ngoài so với DN liên doanh năm 1998 là 35%, năm 2002 là 75%, nghĩa là ta đang mất dần kiểm soát trong nội các DN FDI. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN này thực hiện hành vi chuyển giá.

Qua nghiên cứu cho thấy, các giao dịch liên kết trong các DN FDI ở Việt Nam thường được thể hiện như sau:

- Các giao dịch về vốn góp, vay nợ đều là các giao dịch liên kết mà hầu như phía Việt Nam không nắm được (coi như hoạt động của nội bộ DN);

- Các trường hợp nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện cũng là các giao dịch liên kết (do công ty mẹ hoặc các công ty chi nhánh, công ty thành viên cung cấp) không qua kiểm soát giá, cho nên thường hạch toán giá cao, thậm chí có trường hợp giá nguyên vật liệu cao hơn giá thành phẩm.

- Phần lớn các giao dịch về thành phẩm đầu ra, xuất khẩu cũng do công ty mẹ hoặc các công ty thành viên bao tiêu hoặc chỉ định người mua, vì vậy, giá bán hàng hóa cũng đã được định đoạt trước.

- Đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, các hoạt động liên kết gần như khép kín. Mỗi công ty, xí nghiệp thực hiện một khâu, một công đoạn, từ hàng hóa hữu hình cho tới hàng hóa vô hình, nguyên liệu, mẫu mã, nhãn hiệu… Như vậy, Việt Nam chẳng khác nào một công xưởng gia công hoặc chỉ là nơi cho họ thuê mặt bằng với nhân công giá rẻ.

- Quan hệ thanh toán giữa các bên phần lớn là thanh toán bù trừ hoặc qua trung gian với một bộ phận “chế biến hóa đơn” chuyên nghiệp, thực hiện theo sự điều hành của công ty mẹ.

- Một số công ty liên tục thay đổi chủ đầu tư nhưng thực chất vẫn là người trong cùng một tập đoàn. Các hoạt động đầu tư thường không mở rộng vào dự án hiện tại mà lập ra một dự án mới tương tự. Thủ thuật này nhằm hai mục tiêu: vừa không phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm (nếu có) của các chủ đầu tư trước, vừa được hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới.

Những thực tế nói trên là nguyên nhân chính dẫn đến các DN FDI ở Việt Nam bị lỗ triền miên hoặc chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong khi phần lớn các hồ sơ khai thuế này khi đem đối chiếu với kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ đều cho thấy các công ty mẹ trong khu vực đạt kết quả kinh doanh tốt, tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn các công ty con đầu tư vào Việt Nam.

Một số đề xuất chống chuyển giá

Chống chuyển giá là một trong những nội dung trọng tâm của công tác quản lý thuế hiện nay. Gian lận thuế qua các giao dịch chuyển giá nói trên chẳng những làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm mất đi một nguồn thu nhập ở trong nước, đem thu nhập của DN trong nước biếu không cho DN nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:

+ Tham khảo kinh nghiệm một số nước về phương pháp xác định giá giao dịch, chống chuyển giá và có chế tài xử lý đủ sức nặng đối với các trường hợp vi phạm. Lĩnh vực thuế quốc tế nói chung, giá chuyển nhượng nói riêng hiện đang được các nước rất quan tâm và đã có những giải pháp mà các nước khác có thể tham khảo. Đáng quan tâm là kinh nghiệm của các nước thuộc OECD. Hầu hết các nước đều thừa nhận giải pháp của OECD về xử lý giá chuyển nhượng vì nó có tính trung lập và tương đồng trong khả năng thực hiện và quản lý thuế. Australia được coi là nước dẫn đầu trong các vấn đề liên quan đến thuế quốc tế và giá chuyển nhượng và Australia đã đưa gần như toàn bộ hướng dẫn của OECD vào trong nội luật của mình. Đồng thời, Australia còn hỗ trợ cho NewZealand, Thái Lan, Malaysia trong xây dựng chính sách giá chuyển nhượng. Trung Quốc cũng được OECD trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở pháp lý về giá chuyển nhượng. Các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia cũng đã ban hành các quy định về giá chuyển nhượng theo cách làm của OECD. Việt Nam cũng nên tham khảo và tìm kiếm giải pháp theo hướng này.

+ Về phía cơ quan thuế:

(i) Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế giao dịch thỏa thuận (APA), có hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ để người nộp thuế chủ động thực hiện và tự nguyện tuân thủ về thực hiện giá chuyển nhượng, trong đó, cần phản ánh được các thông lệ quốc tế và chuẩn mực quốc tế về xác định giá giao dịch;

(ii) Xây dựng cơ sở dữ liệu về giá (ngân hàng giá) và về đối tượng nộp thuế để kịp thời đối chiếu khi cần thiết;

(iii) Ngành Thuế, ngành Hải quan cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về giá, chuyên sâu về từng lĩnh vực, kinh tế ngành, chuyên làm công tác kiểm tra giá trong các giao dịch chuyển nhượng;

(iv) Có các chương trình ứng dụng hỗ trợ về phân tích, đánh giá rủi ro trong các hồ sơ của đối tượng nộp thuế;

(v) Phát triển và đẩy mạnh quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ đối với cơ quan thuế các nước nhằm tạo sự phối hợp mật thiết, hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi chuyển giá đa quốc gia.

+ Về phía DN:

(i) Xác định rõ DN phải có trách nhiệm và nghĩa vụ lưu giữ và xuất trình với cơ quan thuế về các thông tin, tài liệu, chứng từ làm căn cứ xác định và áp dụng phương pháp xác định giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ do DN kinh doanh.

(ii) Phải có nghĩa vụ kê khai các giao dịch liên kết và xác định biện pháp tính giá theo quy định, làm căn cứ để kiểm tra việc thực hiện.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012

Chuyển giá quốc tế: Vấn đề đặt ra

ThS. Quách Đức Dũng

(Tài chính) Quá trình hoạt động của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam cho thấy, nhiều công ty đã có hành vi trốn thuế và tránh thuế thông qua hình thức chuyển giá. Vì vậy, việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp chống gian lận thuế qua chuyển giá quốc tế cần được đặc biệt lưu tâm.

Xem thêm

Video nổi bật