Bản chất và động cơ của hoạt động chuyển giá

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hoặc các bên liên kết qua biên giới, không theo giá thị trường mà theo hướng có lợi, nhằm giúp các DN giảm thiểu nghĩa vụ thuế, tối đa hóa lợi nhuận, từ đó chuyển vốn đầu tư hoặc lợi nhuận về nước, chiếm lĩnh thị trường (đặc biệt là các công ty đa quốc gia); thanh lý các thiết bị, máy móc công nghệ kém hiện đại với giá cao…

Về sâu xa, chuyển giá là việc chia quyền đánh thuế giữa các quốc gia, theo đó, thu nhập sẽ được chuyển về quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế thấp hoặc nước xuất khẩu tư bản để tính thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, ngày nay chuyển giá không chỉ xảy ra ở các giao dịch xuyên quốc gia, mà còn diễn ra ở các giao dịch trong một nước, đặc biệt là giữa DN được hưởng ưu đãi thuế và DN không được hưởng ưu đãi thuế, giữa DN nhà nước và DN “sân sau” của DN đó, giữa các DN có quan hệ nhân thân...

Động cơ cốt lõi của hành vi chuyển giá là lợi nhuận của DN. Các bên liên kết định giá chuyển giao hàng hóa, dịch vụ và tài sản với nhau theo hướng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế phải nộp của họ, qua đó làm tăng tổng lợi ích cuối cùng. Về mặt kỹ thuật, các bên liên kết dùng các biện pháp định giá sao cho nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn.

Như vậy, các DN thực hiện thủ thuật chuyển giá khi môi trường kinh doanh có những yếu tố sau: (i) Có sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập DN giữa các quốc gia khác nhau; (ii) Có quy định nhiều mức thuế suất thuế thu nhập DN với những đối tượng khác nhau trong một quốc gia; (iii) Có các quy định về miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn.

Để làm rõ hơn việc này, chúng ra sẽ xem xét ví dụ sau đây: Tập đoàn A thuộc nước F có công ty thành viên B đầu tư vào Việt Nam, phải chịu thuế thu nhập DN với thuế suất 23% nhưng thuế thu nhập DN ở nước F là 15%. Công ty B nhập nguyên liệu của tập đoàn A để sản xuất nước giải khát C với giá cao hơn giá thị trường nên bị lỗ, vì vậy không phải nộp thuế thu nhập DN.

Ngược lại, tập đoàn A thu lãi nhiều từ việc bán nguyên liệu cho công ty B với giá cao hơn giá thị trường nên lợi nhuận trước thuế thu nhập DN của tập đoàn A tăng lên, nhưng vì thuế suất thu nhập DN ở nước F thấp nên cân đối nghĩa vụ thuế giữa hai bên phải nộp, tổng nghĩa vụ thuế của tập đoàn A thấp.

Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào chuyển giá cũng thực hiện từ nơi có thuế thu nhập DN cao sang nơi thấp, mà có khi do “màu cờ sắc áo”, do lợi ích của quốc gia của các DN hoặc do những lợi ích khác. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, mặc dù thuế DN lên đến 45% nhưng các DN của Nhật Bản vẫn tìm cách chuyển giá để đóng thuế phần nhiều cho Nhật Bản.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, số lượng các công ty đa quốc gia không ngừng gia tăng, giao dịch về thương mại giữa các công ty thành viên của các công ty đa quốc gia đã chiếm trên 60% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu. Mặt khác, các hình thức liên kết giữa các công ty, DN khác cũng ngày càng phong phú, đa dạng.

Chính vì vậy, việc kiểm soát giá chuyển nhượng giữa các thành viên của các tập đoàn đa quốc gia, giữa các DN có mối quan hệ liên kết để xác định chính xác nghĩa vụ thuế của các DN này, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia đang được chính phủ và cơ quan thuế các nước tiếp nhận đầu tư quan tâm.

Chuyển giá ở Việt Nam

Ở Việt Nam, việc xác định giá chuyển nhượng giữa các bên liên kết đã được hướng dẫn từ năm 1997 tại Thông tư số 74/1997/TT-BTC và được bổ sung hoàn thiện bằng Thông tư 66/2010/TT-BTC (năm 2010) nhưng việc kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế; cùng với những kẻ hở luật pháp cũng như những yếu tố khác thuộc về quản trị và con người nên kiểm soát chuyển giá chưa hiệu quả, hiện tượng chuyển giá diễn ra phổ biến trong khu vực DN FDI.

Một trong những cơ sở để đưa ra nghi vấn chuyển giá trong khu vực có FDI ở Việt Nam đang rất phổ biến là: (i) Số DN FDI thường xuyên báo cáo lỗ trong nhiều năm chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số DN FDI; và mặc dù lỗ thường xuyên như vậy nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. (ii) Tỷ suất lợi nhuận (đối với những DN có lãi) trên doanh thu không đáng kể. (iii) Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách quốc gia của khu vực FDI (không kể dầu thô) thấp (chỉ dao động 9-10% tổng thu ngân sách của quốc gia), trong khi tổng dự án và tổng kinh phí đầu tư khá cao (23,3% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012). Trong đó, dấu hiệu DN FDI thường xuyên báo cáo lỗ trong nhiều năm là rõ nhất.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. Tại TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số 3.500 DN FDI nhiều năm qua thường xuyên kê khai lỗ; Tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện tình trạng tương tự với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011 (Năm 2007, số DN khai báo lỗ chiếm tỷ lệ 53%, năm 2008 là 58%, năm 2009 là 55%, năm 2010 là 44% và năm 2011 là 48%).

Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra việc thu nộp ngân sách tại khu chế xuất và DN chế xuất trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện có 57% trong tổng số 399 DN chế xuất kiểm tra không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ hoặc không lãi; nhiều DN báo lỗ liên tục nhiều năm. Trong đó, qua xem xét 125 DN hạch toán lỗ trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011 thì có đến 36 DN lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới trên 2.856 tỷ đồng; 69 DN lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ 1.829 tỷ đồng, nhiều DN có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu.

Các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, các DN FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến… Đặc biệt, ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các DN FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, trước tiên, phải nói đến công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Do lỗ liên tục như vậy nên Coca-Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Điều đáng ngạc nhiên hơn là tuy lỗ lớn như vậy nhưng DN này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD).

Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (thường gọi là siêu thị Metro) cũng trong diện “nghi vấn”. Thành lập từ năm 2001, đến nay, đơn vị này đã phát triển 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng thua lỗ triền miên dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Cụ thể: năm 2007, lỗ 157 tỷ đồng/doanh thu 6.607 tỷ đồng; năm 2008: lỗ hơn 190 tỷ đồng/ doanh thu 8.175 tỷ đồng; năm 2009: lỗ 160 tỷ đồng/ doanh thu 8.728 tỷ đồng.

Ngành thuế Việt Nam trong nỗ lực chống chuyển giá đã buộc các DN giảm lỗ và truy thu thuế một khoản tiền khá lớn. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2012, khi thanh tra 312 DN kê khai lỗ liên tục, trong đó có DN trong diện nghi vấn chuyển giá đã giảm lỗ 2.688 tỷ đồng, giảm khấu trừ 27,83 tỷ đồng, truy thu 187,79 tỷ đồng, truy hoàn 2,64 tỷ đồng và phạt gần 85 tỷ đồng, số thuế truy nộp ngân sách là 275,43 tỷ đồng. Ở quy mô toàn quốc, trong năm 2011, sau khi thanh tra, kiểm tra 921 DN FDI lỗ, ngành thuế đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng.

Giải pháp tăng cường kiểm soát chuyển giá

Chống chuyển giá là bài toán khó đối với nhiều quốc gia, không riêng gì ở Việt Nam. Có thể nhận thấy khả năng kiểm soát của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trực tiếp quy định về việc chống chuyển giá có hiệu lực pháp lý và tính ổn định chưa cao. Cho đến nay, mới chỉ có Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dung làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá.

Còn lại, các văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ là Thông tư, như Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và đặc biệt là thông tư 117/2005/TT-BTC năm 2005 mà hiện nay là Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Ngoài ra, cũng chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ cho công tác chống chuyển giá.

Từ thực trạng trên, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện dần cơ sở pháp lý trong việc kiểm soát chuyển giá, bao gồm Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư… và các chế tài xử phạt.

Thứ hai, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Việt Nam đã bước qua giai đoạn thu hút FDI bằng mọi giá, do vậy nên cân nhắc, chỉ cho phép ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền và trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác.

Thứ ba, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các DN có nhiều thành viên; giao dịch liên kết có rủi ro chuyển giá cao như giao dịch của các DN thường xuyên báo lỗ, các DN báo lỗ nhưng liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh, DN có giá trị vốn âm, DN có lợi nhuận thấp bất thường so với mức chung của ngành…

Thứ tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, ngành Thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, hải quan, công an, ngân hàng... cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin để có được một hệ thống thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.

Thứ năm, ngành Thuế cần tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ...

Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Đã đến lúc Chính phủ và các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá để tránh những thua thiệt khi thu hút FDI.

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Lê Xuân Trường (2011), “Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện”, Tạp chí Tài chính, số 5/2011, Tr.18-22);

2. Hương Ly, “DN vốn đầu tư nước ngoài, lỗ giả, lãi thật”, Báo Hà Nội mới ngày 3/2/2012;

3. Ngọc Ánh, “Phát hiện nhiều vụ chuyển giá tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Bình Dương”, CAND online ngày 12/3/2013 (http://www.cand.com. vn/vi-VN/kinhte/2013/3/193886.cand);

4. Thanh tra Chính phủ (2013), "Kết luận Thanh tra về thu nộp ngân sách tại khu chế xuất và DN chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai" (Số 2053/KL-TTCP, ngày 10/9/2013);

5. Hoàng Châu, “Năm 2013: Sẽ mạnh tay chống chuyển giá”, Tinmoi. vn; http://www.tinmoi.vn/nam-2013-se-manh-tay-chong-chuyen-gia-011143620.html.


Chuyển giá trong khu vực doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

ThS. DƯƠNG VĂN AN

(Tài chính) Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này bộc lộ nhiều hạn chế như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư…

Xem thêm

Video nổi bật