Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm tiến độ

Theo Thùy Anh/Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018

Theo kế hoạch, năm 2018, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp (DN) nhưng đến nay, mới cổ phần hóa được 19 DN, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa cổ phần hóa được DN nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
6 tháng, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng 

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo - nhận định, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đang đi vào thực chất, có chiều sâu.
Mặc dù số doanh nghiệp còn ít nhưng phần vốn nhà nước bán được nhiều và số tiền thu về gấp nhiều lần so với trước đây. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 doanh nghiệp Nhà nước (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng. 

16 doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu từ IPO của năm 2017 (bao gồm 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa từ năm 2017 và 8 doanh nghiệp được phê duyệt trong năm nay).
Trong số này, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, địa phương đã thoái vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách).

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của giai đoạn 2011-2015...

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Mặc dù ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình cổ phần hóa nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vẫn thẳng thắn nhận định: Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.
Theo kế hoạch, năm 2018, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp nhưng đến nay, mới cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp. Trong đó, TP. Hồ chí Minh phải cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, Hà Nội phải cổ phần hóa 11 doanh nghiệp nhưng 2 địa phương này vẫn chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. 

Lý giải về sự chậm trễ trên, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, việc Hà Nội không cổ phần hóa được doanh nghiệp Nhà nước nào trong nửa năm qua do từng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và do việc chuyển giao các chính sách cũng có độ trễ.
Ngoài ra, ông Toản đề nghị Nhà nước được giữ cổ phần chi phối ở một số doanh nghiệp mà địa phương này cho là “đặc thù” là vận tải và chiếu sáng... dù những doanh nghiệp này không nằm trong danh mục Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối. 

Còn ông Huỳnh Trung Lâm - Phó Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp TP. Hồ chí Minh - cho hay, Thành phố chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp Nhà nước nào là do đợi cơ quan quản lý cho ý kiến về phương án đặc thù. 

Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đề nghị, phải đưa lợi thế quyền thuê đất trả tiền hằng năm, lợi thế về thương hiệu, văn hóa khi xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn...

Bổ sung thêm một số nguyên nhân dẫn đến việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc xác định, phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn còn do số doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hóa tăng mạnh; nhiều doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn như: các Bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ hướng dẫn và thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua… 
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ và chất lượng của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. 

Để hoàn thành nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm làm cơ sở để đôn đốc, giám sát; các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về cổ phần hóa, bán vốn.
Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn. Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo các sở tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương xác định kế hoạch sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa để bảo đảm tiến độ...