Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với cán bộ không chuyên trách tại xã, phường:
Còn nhiều trăn trở
Kể từ ngày 1/1/2016, khi Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành, cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường, xã) phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây được coi là một chính sách nhân văn đáp ứng sự mong mỏi của đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, theo thống kê vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho nhóm đối tượng này.
Phản ánh từ các địa phương cho biết, cán bộ không chuyên trách cấp xã là một bộ phận quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, góp phần có hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Quy định cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc rất phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhiều cán bộ cấp xã hoạt động không chuyên trách hiện nay, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, việc quy định chỉ được hưởng 2/5 chế độ là hưu trí và tử tuất; không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là một thiệt thòi rất lớn.
Bên cạnh đó việc quy định mức đóng BHXH hàng tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất bằng 22% mức lương cơ sở, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%; mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó, người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%. Trong khi đó, đối tượng cán bộ không chuyên trách được hưởng hệ số lương thấp, dẫn đến tình trạng nhiều người không muốn đóng.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Thực tế báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường theo quy định của Luật BHXH 2014 đã phát sinh một số vướng mắc. Điển hình như mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cũng không đồng nhất. Đơn cử, một số người được vận dụng giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở. Tuy nhiên, trong một số giao kết HĐLĐ đã ghi cố định tiền lương theo hệ số (1,50; 1,86 hoặc 2,00) nhân mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở.
Thống kê cho thấy, hiện nay còn nhiều trường hợp đã thôi việc, nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc như nêu trên, nhưng do đóng BHXH bắt buộc chưa phù hợp quy định của pháp luật nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Đáng chú ý, từ 1/1/2016 đến nay, còn nhiều địa phương chưa triển khai đóng BHXH bắt buộc cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường do cơ quan tài chính địa phương chưa cấp chuyển kinh phí (trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động) cho cấp xã.
Từ thực trạng trên, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, thì từ ngày 1/1/2016, người hoạt động không chuyên trách ở xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (dự kiến toàn quốc có hơn 200.000 người làm việc tại trên 11.000 xã; mỗi xã trung bình có từ 19 - 20 chức danh cán bộ không chuyên trách). Song, hiện việc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc đối với cán bộ không chuyên trách còn rất hạn chế, chính quyền địa phương nhiều tỉnh, thành phố chưa triển khai thực hiện.
Do vậy, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Luật BHXH 2014. Đồng thời, đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được giao kết HĐLĐ, đóng BHXH bắt buộc đến trước ngày 1/1/2016 thì đề nghị được tính thời gian để hưởng các chế độ BHXH; mức bình quân tiền lương để tính hưởng các chế độ BHXH thời gian này theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.