Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khó đến hồi kết, Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào?

Theo N.H/thoidai.com.vn

Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Việt Nam sẽ biến nước ta thành nước "dễ tổn thương" nhất ASEAN nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo của FT Confidential Research, bộ phận nghiên cứu của Thời báo tài chính (Financial Times), cho thấy Việt Nam, Philippines và Indonesia là những nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam có khả năng trở thành nước "dễ bị tổn thương" nhất Đông Nam Á với tỷ trọng xuất khẩu cao.

Tuy vậy, báo cáo dự đoán rằng 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam - nhìn chung sẽ ứng phó tốt hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung so với chính họ trong "bão tài chính" năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) định tăng lãi suất.

Tuy nhiên, họ lại không được chuẩn bị cho một giai đoạn mà cầu thị trường sụt giảm toàn cầu, hệ quả có thể xảy ra nếu Mỹ - Trung tiếp tục các biện pháp "ăn miếng trả miếng" như này.

Báo cáo cũng cho rằng trong mức độ hiện tại của cuộc chiến thương mại, khi Mỹ đã áp đặt thuế trực tiếp 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mỗi năm, chuẩn bị áp thuế lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa vào cuối tháng này và Bắc Kinh đáp trả tương tự, các nền kinh tế ASEAN vẫn chưa phải lo lắng.

Chính quyền Mỹ đang cân nhắc mức thuế từ 10% đến 20% cho khoảng 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc và Tổng thống Donald Trump thậm chí đã dọa sẽ áp thuế lên tất cả 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu mỗi năm từ Trung Quốc.

Các đồng minh của Mỹ, bao gồm EU, cũng không tránh khỏi các chính sách thuế của Mỹ. Không nhiều quốc gia có thể "miễn nhiễm" trước cuộc chiến này, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Nền kinh tế đang lên của Việt Nam chính là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu nhất trong 5 nền kinh tế lớn của ASEAN. Trong 12 tháng tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã xuất khẩu số hàng hóa tương đương 99,2% giá trị của cả nền kinh tế.

Hàng năm, Việt Nam xuất sang Mỹ số hàng hóa trị giá 43,5 tỷ USD và là nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất trong nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Vị thế đó khiến Việt Nam trở nên dễ tổn thương trước sự sụt giảm cầu từ người tiêu dùng Mỹ. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, EU và các thị trường phát triển khác chứ không phải Trung Quốc.

Các nền kinh tế đang lên cũng chịu sức ép từ việc đồng USD mạnh lên. Năm nền kinh tế lớn nhất ASEAN không bị tổn hại nặng nề như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Argentina. Đồng tiền yếu có thể giúp đỡ các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Trong dài hạn, họ có thể hưởng lợn nếu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển khỏi Trung Quốc do các công ty lo ngại cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, hàng rào thuế quan lên các sản phẩm sản xuất trong nước có thể thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất ra những nền kinh tế ít đắt đỏ hơn trong ASEAN.

Trong khi đó, những nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn như Philippines và Indonesia cũng đối mặt với áp lực lạm phát lớn hơn, thâm hụt tài khoản vãng lai nhanh chóng. Bởi hai nước trên đều là có đồng tiền xuống giá nhanh nhất.

Sau tất cả, các chuyên gia của Financial Times nhận định rằng khi cuộc chiến thương mại toàn diện nổ ra giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước trong nhóm nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ là đối tượng thiệt hại nặng nề.