Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Xuất hiện tình trạng chuyển giá hai chiều

Theo Quỳnh Ngọc/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo chuyên đề "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức sáng 10/7, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, xuất hiện tình trạng chuyển giá 2 chiều của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Do đó, các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam nên xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư nhằm kiểm soát vấn đề chuyển giá nhưng đồng thời vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có dấu hiệu chuyển giá

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tính riêng năm 2016, số thu từ các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 161.608 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.

Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số liệu phân tích báo cáo từ năm 2012 - 2016 cho thấy, số lượng doanh nghiệp có vốn FDI báo lỗ hàng năm từ  44 - 51%. Tuy nhiên, tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng.

Theo các chuyên gia, đây là những dấu hiệu về tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước để được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tế một số dự án FDI quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề, địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng kẽ hở trong chính sách ưu đãi để chuyển giá.

Hiện nay, một số quy định nhằm kiểm soát vấn đề này đã được triển khai nhưng theo các nhà đầu tư, vô hình trung các quy định lại làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết khống chế mức trần 20% cho tỷ lệ chi phí lãi vay được trừ.

Bên cạnh đó là hiện tượng áp dụng cứng nhắc, không thống nhất ở các địa phương đang làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại nên siết ưu đãi hay vẫn giữ chính sách thuế để thu hút đầu tư.

Nên xem xét lại chính sách ưu đãi đầu tư?

Theo Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) Thomas McClelland, giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu. Do đó, nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư, đồng thời sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế cũng như Chính phủ để đạt được sự chắc chắn của các khoản nợ thuế - ông Thomas McClelland gợi ý.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, với doanh nghiệp, ưu đãi thuế chỉ là một yếu tố hấp dẫn. Điều quan trọng hơn cả là chính sách rõ ràng và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả từ thu hút đầu tư, một chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế như ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế; ưu đãi đầu tư nhưng phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế… Đồng thời, cần bảo đảm đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Mặt khác, theo chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư của Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Wim Douw, Việt Nam nên xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng các chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả.

Theo đó, cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.

“Nếu Việt Nam chưa có sẵn cơ chế để đo lường tác động của các chính sách ưu đãi thì nên triển khai hệ thống giám sát đánh giá dựa trên mục tiêu chính sách được xác định rõ ràng. Hệ thống này còn theo dõi hiệu quả hoạt động của cả chi phí và lợi ích của chính sách ưu đãi được áp dụng”, ông Wim Douw khuyến nghị