Những lợi ích kỳ vọng…

Trong bối cảnh DN Việt Nam vẫn đang bươn chải để vượt qua khó khăn cả ở trong nước lẫn thị trường nước ngoài, việc chúng ta trông đợi vào một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với mức độ tự do hóa cao và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường quan trọng cũng là điều dễ lý giải.

Theo tổng hợp ý kiến DN mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, có nhiều lợi ích mà DN Việt Nam kỳ vọng vào TPP này:

Thứ nhất, một hiệp định với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước TPP sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP.

Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, lợi thế về thuế quan là rất quan trọng với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt ở thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. Đây là một thị trường đặc biệt lớn của thế giới, nơi hàng hóa Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ nhiều nước khác trong đó có những đối tác đã được các nước này cho hưởng ưu đãi thuế quan.

Với các nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, các nước ASEAN, Chile, Peru), lợi thế này từ TPP có thể ít quan trọng hơn, do hàng hóa của chúng ta đã có thể tiếp cận thị trường các nước này với thuế quan ưu đãi theo các hiệp định đã có (ASEAN-Australia, New Zealand, AFTA…).

Thứ hai, với việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP (thông qua việc cắt giảm thuế quan và các điều kiện khác), nhiều người kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng, với công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn cho sản xuất trong nước, và cả những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN Việt Nam. Cùng với đó là kỳ vọng về những lợi ích hữu hình và vô hình từ việc mở rộng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có gia tăng sản xuất, công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế…

Tuy nhiên, cùng với các thuận lợi chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức là vấn đề đương nhiên. Mở cửa theo một FTA tham vọng như TPP, thách thức càng lớn hơn, dưới hình thức cạnh tranh giữa các DN Việt Nam vốn nhỏ bé và ít kinh nghiệm với những “người khổng lồ” đến từ các nước TPP ngay ở thị trường trong nước.

Dù vậy, chúng ta đều hiểu rằng cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong một nền kinh tế thị trường, ít nhất với tính chất là động lực, là sức ép để các DN, các ngành và cả nền kinh tế phải tự điều chỉnh, tự cải thiện, tiến tới tự hoàn thiện mình. Điều này không phải lý thuyết xa xôi mà là thực tế đã được chứng minh sau gần hai thập kỷ nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, cạnh tranh, mở cửa. Cạnh tranh từ các nền kinh tế phát triển, với các quy luật thị trường ổn định và hiện đại như các đối tác TPP càng là cơ hội học hỏi và tiến bộ tốt hơn.

Thứ ba, từ góc độ quản lý nhà nước, tiếp nối những gì mà WTO đã mang lại, TPP có thể sẽ lại là cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả cho Việt Nam. Các quy tắc pháp luật, quy trình hành chính và cả cách thức quản lý được chờ mong sẽ minh bạch hơn, công bằng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế cũng như của DN và người dân.

Tất nhiên, nếu so với những thay đổi cơ bản về thể chế và điều hành đã được chúng ta thực hiện một cách hệ thống và trên diện rộng trong giai đoạn trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những cải thiện mà TPP hứa hẹn đem lại có thể là nhỏ hơn, hẹp hơn và ở mức độ hạn chế hơn nhiều. Mặc dù vậy, những thay đổi có thể mang lại cũng sẽ không kém phần ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta cần có thêm động lực để việc cải cách đi vào chiều sâu, triệt để và thực tiễn hơn.

Những lo ngại có thực…

Bên cạnh những lợi ích mang tính lý thuyết về xuất khẩu của một hiệp định thương mại tự do, ngay từ thời điểm bắt đầu đàm phán, cũng đã có nhiều quan ngại về những nguy cơ có thực từ các cam kết TPP.

Cụ thể, đối với việc xuất khẩu hàng hóa phi nông nghiệp mà chúng ta có thế mạnh (dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, công cụ, hàng thủ công mỹ nghệ…), để được hưởng thuế 0% hoặc thuế thấp trong TPP, DN phải đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa trong Phụ lục của Hiệp định này. Như vậy, đàm phán về các quy tắc về xuất xứ trong TPP phải đạt được cam kết sao đó để phù hợp với với thực tế thu mua nguyên liệu, phương thức sản xuất của DN Việt Nam.

Trong bối cảnh phần lớn nguyên liệu sản xuất (chiếm tỷ lệ khá cao trong trị giá sản phẩm) của nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta đang được nhập từ Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc... (các nước nằm ngoài TPP), nếu kết quả đàm phán về xuất xứ trong TPP đòi hỏi trị giá nội địa hoặc nội khối TPP quá cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi thuế trong TPP khi xuất khẩu sang các nước TPP.

Từ góc độ quản lý nhà nước, tiếp nối những gì mà WTO đã mang lại, TPP có thể sẽ lại là cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả cho Việt Nam. Các quy tắc pháp luật, quy trình hành chính và cả cách thức quản lý được chờ mong sẽ minh bạch hơn, công bằng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Thêm nữa, có lẽ không có DN xuất khẩu nào không biết rằng thuế quan chỉ là một phần của câu chuyện xuất khẩu. Thuế giảm hoặc được loại bỏ hoàn toàn nhưng các quy định kỹ thuật (còn gọi là các biện pháp “TBT”) khắt khe về bao gói, nhãn mác, về mức độ/dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm, về tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam, thậm chí là không có đường vào thị trường các nước TPP. Lợi ích thuế quan trong TPP vì vậy cũng sẽ chỉ là “lợi ích trên giấy” mà thôi.

Liên quan tới xuất khẩu nông sản, là một nước nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú, hấp dẫn như Việt Nam thì câu chuyện về “quy tắc xuất xứ” nói trên không phải là vấn đề lớn.

Tuy nhiên, nông sản lại mắc ở những rào cản khác nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (thường biết tới dưới tên rào cản “SPS”). Quả thanh long không được kiểm dịch và chiếu tia theo đúng quy định, bởi đúng người được Hoa Kỳ chỉ định thì không thể xuất khẩu sang thị trường này. Con cá, con tôm vượt quá mức dư lượng kháng sinh mà nước nhập khẩu tự đặt ra sẽ có nguy cơ bị trả về… Những quy định rào cản nằm trong tay nước nhập khẩu này hoàn toàn có thể bị lạm dụng và trở thành rào cản không thể vượt qua đối với nông sản Việt Nam.

Như vậy, để những lợi ích thuế quan đối với nông sản của Việt Nam được hiện thực hóa, TPP cần có những cam kết ràng buộc và hạn chế quyền tự do, độc đoán của các nước TPP trong việc ban hành các quy định biện pháp kỹ thuật hay vệ sinh dịch tễ. Mặc dù vậy, thông tin từ đàm phán TPP cho thấy vướng mắc này của Việt Nam hầu như chưa được đả động tới. Những nội dung về TBT và SPS đang được trao đổi trên bàn đàm phán TPP có vẻ như chỉ xoay quanh vấn đề hợp tác để xử lý vướng mắc về kết quả kiểm tra SPS, một vấn đề chỉ liên quan tới rút ngắn thời gian xử lý khiếu nại, còn quyền ban hành và áp dụng các điều kiện kiểm dịch thì vẫn giữ nguyên.

Cũng liên quan tới nông sản, nhưng ở khía cạnh sản xuất, một số cam kết trong TPP ở những lĩnh vực tưởng như không liên quan nhưng nếu không được đàm phán quyết liệt cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng của hàng nông sản.

Ví dụ, theo thông tin từ một dự thảo Chương Sở hữu trí tuệ TPP bị tiết lộ, Mỹ đề xuất các điều khoản để tăng cường mức độ và thời gian bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y. Ai cũng biết bảo hộ càng cao thì giá của sản phẩm càng đắt (vì phải bao gồm trong đó cả phí bản quyền). Giá nông hóa phẩm và thuốc thú y càng đắt thì chi phí sản xuất của người nông dân càng lớn, sức cạnh tranh của nông sản vì thế sẽ càng giảm.

Hoặc cũng trong dự thảo bị tiết lộ này, Hoa Kỳ đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý (các loại tên gọi sản vật gắn với khu vực địa lý đặc trưng) như bảo hộ thương hiệu. Tức là cho phép một cá nhân được quyền đăng ký tên gọi đó cho riêng mình, và nếu đã có người đăng ký thì những người khác không được sử dụng tên gọi đó cho sản phẩm của mình nữa hoặc nếu muốn sử dụng phải trả tiền cho “chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý”. Điều này nếu xảy ra sẽ là rủi ro lớn, những tỏi Lý Sơn, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cam Vinh, hoa Đà Lạt... nếu không may bị ai đó nhanh chân đăng ký trước sẽ không còn được sử dụng các tên gọi đó nữa.

Hay như trong dự thảo Chương lao động, nếu điều khoản về việc chặn và buộc trả lại toàn bộ hàng xuất khẩu được làm từ lao động trẻ em tại biên giới không được đấu tranh loại bỏ, những làng nghề thủ công, với những sản phẩm được làm ra trong quy mô hộ gia đình, với sự tham gia của trẻ em nông thôn Việt Nam sẽ là nhóm đầu tiên phải chịu thiệt thòi.

Còn nhiều vấn đề khác nữa trong đàm phán cũng có thể ảnh hưởng tới các lợi ích suy đoán từ TPP của chúng ta. Việc đàm phán đang diễn ra nên nhiều vấn đề nổi cộm có thể đang nằm bí mật đằng sau những cánh cửa đóng kín của đàm phán TPP.

Hành động của chúng ta

Tự do hóa về nguyên tắc là có lợi cho thương mại, cho dòng đầu tư và cho tăng trưởng kinh tế. Việc Chính phủ quyết định tham gia đàm phán các hiệp định tự do thương mại như TPP cũng không nằm ngoài mục đích này. Tuy nhiên, đàm phán chính là quá trình thương lượng để đảm bảo rằng những lợi ích đó không bị quá nghiêng về bên nào, gây thiệt hại cho bên khác.

Bởi vậy, lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ một hiệp định thương mại nói chung hay TPP nói riêng phụ thuộc một phần không nhỏ vào các kết quả đàm phán, vào việc chúng ta có đảm bảo được các điều kiện để hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng hay không trong nội dung các cam kết. Phần còn lại nằm ở khả năng tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình thực thi các cam kết này.

Hiện tại TPP đang trong quá trình đàm phán cấp tập và thông tin nhiều nguồn cho biết đàm phán gay cấn, căng thẳng trong hầu hết các nhóm vấn đề bởi nước nào cũng cố gắng giành nhiều nhất phần lợi ích cho mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng tin rằng các nhà đàm phán Việt Nam đang nỗ lực tối đa để đạt được những cam kết có lợi nhất cho Việt Nam.

Các DN Việt Nam cần truyền đạt đến các nhà đàm phán đầy đủ thông tin về khả năng, nhu cầu, những tác động của TPP đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc làm này giúp các nhà đàm phán dự liệu được hết các vấn đề để có chiến lược đàm phán phù hợp.

Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, vấn đề không phải nằm trong tay đoàn đàm phán mà ở chính các DN, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, ở hàng triệu nông dân, người lao động... (xin gọi ngắn gọn là DN).

Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất khả năng của mình đến đâu, mình cần gì, mình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai và chính sách thương mại thế nào thì sẽ thúc đẩy triển vọng của DN. Nếu các nhóm này, không truyền đạt được ý kiến, nguyện vọng của mình tới các nhà đàm phán thì thật khó để nhà đàm phán biết hết mọi điều, tính toán được hết mọi vấn đề để có chiến lược đàm phán phù hợp với lợi ích thực của các nhóm trong từng vấn đề cụ thể.

Cũng không phải ai khác ngoài các DN này sẽ triển khai thực hiện/áp dụng các cam kết trong hoạt động của mình trong tương lai. Việc tham gia để có chiến lược đàm phán có lợi cho mình, để biết thông tin mà dự liệu cho sản xuất kinh doanh của mình rõ ràng là vì lợi ích trên hết và trước tiên của chính các DN, người nông dân, tổ chức cá nhân kinh doanh...

Đầu năm 2012, với Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một cơ chế tham vấn chính thức, thường xuyên đã được xác lập giữa Đoàn đàm phán của Chính phủ với cộng đồng DN (trực tiếp hoặc thông qua đầu mối là VCCI) cũng nhằm mục đích này.

Liên quan tới đàm phán TPP, cho tới nay VCCI đã thực hiện 5 khuyến nghị lớn về từng phương án đàm phán cho các Chương quan trọng trong TPP mà VCCI tiếp cận được thông tin và có thể nghiên cứu đề xuất phương án phù hợp với lợi ích của các DN. Những khuyến nghị này đã nhận được những phản hồi tích cực, góp phần quan trọng vào việc cung cấp thông tin cũng như ý kiến của cộng đồng cho Đoàn đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, những khuyến nghị này rõ ràng còn chưa đủ. Còn cần lắm những thông tin, ý kiến, trao đổi của DN, từ cộng đồng để kết quả đàm phán TPP thực sự phù hợp, để quá trình thực thi được chuẩn bị kỹ càng hơn, và để trong tổng thể TPP thực sự mang lại những lợi ích mà chúng ta kỳ vọng.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Để TPP mang lại những lợi ích kỳ vọng

TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

(Tài chính) Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Bên cạnh kỳ vọng về các lợi ích vô cùng hấp dẫn do Hiệp định mang lại là những lo ngại không kém của các bên, trong đó có Việt Nam khi tham gia “sân chơi” thương mại này. Dù vậy, cơ hội hay thách thức đều nằm ở kết quả các cam kết sẽ đàm phán trong Hiệp định và khả năng tác động vào nội dung đàm phán của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Xem thêm

Video nổi bật