Để viện phí không còn là gánh nặng

Theo daibieunhandan.vn

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, từ năm 2017, giá của gần 2.000 dịch vụ y tế, đối với người bệnh không có BHYT sẽ có thêm các yếu tố chi phí như giá dịch vụ áp dụng thanh toán BHYT.

Năm 2016, giá dịch vụ y tế đã 2 lần điều chỉnh đối với nhóm người có thẻ bảo hiểm y tế. Nguồn: internet
Năm 2016, giá dịch vụ y tế đã 2 lần điều chỉnh đối với nhóm người có thẻ bảo hiểm y tế. Nguồn: internet

Điều chỉnh theo lộ trình

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2016, giá dịch vụ y tế đã 2 lần điều chỉnh đối với nhóm người có thẻ BHYT.

Lần thứ nhất (từ ngày 1.3) tăng 30% khi tính thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật; lần thứ hai (từ ngày 12/8) tăng khoảng 18% khi kết cấu thêm tiền lương, nhưng chỉ thực hiện tại 16 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT trên 85%, những tỉnh còn lại sẽ điều chỉnh theo giá mới từ nay đến hết năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa tác động đến nhóm người chưa tham gia BHYT.

Theo Trưởng ban Thu - BHXH Việt Nam Nguyễn Trí Đại, do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2016 mới chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT (người không có thẻ BHYT vẫn được “ưu ái” mức viện phí thấp), nên nhiều người dân còn chần chừ chưa tham gia BHYT.

Vì vậy, nếu thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ BHYT, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến ý thức của người dân, giúp họ nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của BHYT.

Theo dự kiến, việc điều chỉnh sẽ theo 2 bước: Từ ngày 1/1/2017 sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù (tăng khoảng 30% so với hiện nay); từ ngày 1/7/2017 sẽ cộng thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế, khoảng 20%, nâng mức tăng tối đa lên khoảng 50%.

Thực tế cho thấy, việc tăng giá dịch vụ y tế cho riêng nhóm người có BHYT, từ 1/3/2016, không gây nhiều tác động, do chi phí đã được quỹ BHYT chi trả hầu hết. Nhưng với người chưa có thẻ BHYT, lần điều chỉnh giá này chắc chắn sẽ khiến họ phải chịu mức giá dịch vụ y tế cao hơn khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc tăng giá không phải là gánh nặng của người dân nếu họ tham gia BHYT, bởi lộ trình tăng giá dịch vụ y tế đã được công khai từ rất lâu  - ông Đại nói.

Bảo hiểm y tế sẽ gánh viện phí

Tại Quyết định 1167, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách liên quan đến việc phát triển đối tượng và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đặt ra không ít khó khăn cho cơ quan BHXH trong thời gian tới.

Để đạt mục tiêu này, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Trước hết, tăng cường hoạt động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia. Đồng thời, xác định vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phát triển đối tượng.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay danh mục dịch vụ y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% dịch vụ y tế hiện hành; do đó, người bệnh được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách BHYT. Với nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT, chắc chắn việc điều chỉnh viện phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ nếu đi khám chữa bệnh.

Giải pháp để tháo gỡ lo ngại này là người dân nên tham gia BHYT để nhận được những hỗ trợ trong dịch vụ khám chữa bệnh, giảm gánh nặng viện phí.