Đồng tiền… tâm linh

LH

(Tài chính) Hàng năm, ở nước ta diễn ra hàng trăm lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, nhưng riêng mùa lễ hội tại các chùa chiền thì tập trung vào dịp cuối năm và đầu xuân năm mới, đương nhiên theo đó, cũng vào dịp này, hàng trăm tỷ đồng đã đổ về lễ hội.

Lễ phật là tín ngưỡng, tâm linh cần được duy trì, nhưng phải đúng đạo lễ thành kính, tôn nghiêm. Nguồn ảnh: internet
Lễ phật là tín ngưỡng, tâm linh cần được duy trì, nhưng phải đúng đạo lễ thành kính, tôn nghiêm. Nguồn ảnh: internet

Chỉ tính riêng lễ hội tại một chùa lớn ở miền bắc thôi, cũng thấy bà con chi tiền cho tín ngưỡng và cầu may lớn đến thế nào.

Tại một lễ hội tương đối lớn ở miền Bắc, chỉ riêng một xã có vài chục ngàn dân nhưng hàng ngày đã đón trung bình hơn mấy chục ngàn khách đến lễ chùa. Vé thắng cảnh, vé phà đò, vé đi cáp treo… cũng phải vài trăm ngàn đồng/người (đấy là không tính đến các khoản nếu khách không muốn phải xếp hàng mua vé lên đò, xếp hàng đi cáp treo… thì phải chi thêm để được dịch vụ nhanh chóng hơn). Còn phải thêm các chi phí tất yếu khác như mua sắm đồ lễ, xăng xe, vé gửi xe cộ, tiền ăn… có thể hình dung ra những khoản chi khổng lồ của khách hành hương trong những ngày này.

Khách thập phương đến đây công đức và đặt giọt dầu, đa phần là những đồng tiền lẻ 1.000 - 2000 đồng, không nhiều khách đặt tiền có mệnh giá lớn, vậy mà chưa hết mùa lễ hội, khoản thu của nhà chùa chuyển vào ngân hàng đã lên tới vài chục tỷ. Đấy mới chỉ là khoản thu ở một lễ hội, tại các nơi đón khách về cầu cúng lớn như Đền bà chúa Kho, Chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử, Đền Mẫu Hưng Yên, Đền Hùng… tình hình cũng tương tự, chưa kể số tiền thu được của nhà phật tại rất nhiều đình, đền, chùa, miếu… trên khắp đất nước,…. Do vậy, có thể ước tính số tiền công đức vào nhà chùa, đình, đền trên cả nước lên đến cả trăm tỷ đồng.  Một con số rất đáng phải suy ngẫm trong khi nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội còn hạn hẹp.

Trao đổi với lãnh đạo của một xã có lễ hội lớn này, ông cho biết, đường xá đi lại tốt lên rất nhiều so với trước đây cũng là nhờ có kinh phí của Thành phố Hà Nội rót về. Bà con ở đây nhờ có mùa lễ hội mà có thu nhập thêm cho cả năm (ngoài nghề làm ruộng trồng lúa, chăn nuôi, đánh cá…). Huyện và xã cũng có khoản thu bù đắp cho ngân sách địa phương.

Có thể thấy mặt tích cực của lễ hội, nhà Phật thì lập đàn, dựng lễ để cầu cho quốc thái, dân an, người dân từ khắp nơi đổ về bên đức phật, cùng sát cánh bên nhau, cùng thiền tâm, hướng thiện, cầu cho gia đình, họ tộc một năm mới bình an, may mắn, thành công… Di tích thì được tôn tạo, nâng cấp ngày càng đẹp đẽ, bộ mặt địa phương cũng ngày càng khang trang, văn minh hơn. Truyền thống ngàn đời từ cha ông được truyền tụng tới ngày nay cho con cháu và tiếp tục cho tới mai sau…

Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều nhức nhối là, các lễ hội chùa chiền giờ đây đã biến sắc rất nhiều so với trước đây. Trước đây, người dân đi lễ chùa, đền, đình,… với tấm lòng thành, chỉ có một chút gọi là giọt dầu, nén nhang để nhờ các sư ngày ngày trông coi đình, đền, chùa hương khói, tụng kinh, niệm phật cầu mong cho gia trạch bình an, mùa màng tươi tốt, gia đạo an vui… Ngày nay, nhiều khách đến chùa với mâm lễ đồ chay, đồ mặn, tiền âm, tiền dương, hương nến cao ngất, khói nhang nghi ngút, xin sớ, xin thẻ, xin quẻ, nhờ thầy khấn khứa … ầm ĩ, nhộn nhạo cả một khu tâm linh vỗn dĩ phải trầm mặc, tôn nghiêm. Người ăn theo nghi lễ này cũng nhiều chiêu trò, từ đổi tiền lẻ (1 ăn 0,6 đến 0,8) đến chèo kéo khách đi đò, ăn hàng, mua vé dịch vụ… rồi “chặt” khách qua các dịch vụ bán đồ lễ, đồ ăn, hàng hóa… khiến các lễ hội bị mất đi bản sắc văn hóa lễ nghi truyền thống của mình.

Số tiền khách thập phương công đức vào nhà chùa rất nhiều, nhưng việc chi tiêu thì không cơ quan nào có thể can thiệp, không cơ quan nào có thể thò tay vào xem xét công tác hạch toán thu chi, không cơ quan nào có thể quy định việc đóng thuế từ khoản thu này… Tóm lại,  không có bất kỳ một hình thức quản lý nào. Hỏi cán bộ xã thì được biết, hàng năm nhà chùa cũng góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa nhưng cũng chỉ đến mấy chục triệu thôi, còn số tiền tỷ kia thì chỉ có nhà chùa mới biết nó được chi tiêu như thế nào. Phần thu của chính quyền xã thì ngoài tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước, ngân sách cấp xã, huyện được giữ lại một phần để chi tiêu, nhưng số tiền này thực ra không đáng kể so với số tiền người dân công đức vào cửa phật.

Nhiều người dân đi lễ với tâm niệm càng cúng dường nhiều càng được lộc nhiều, càng kêu to càng dễ đến tai các ngài. Rồi dương sao âm vậy, các ngài nhận được càng nhiều càng hoan hỉ, càng phù hộ cho buôn may bán đắt, thậm chí giúp che mắt hải quan, kiểm soát, thuế vụ… để họ có thể ra tay buôn lậu, làm hàng dởm, lừa đảo… mà không bị sao. Rồi xin (mua) sớ cầu danh, cầu quan… nhộn nhịp, chen chúc… Có lúc, có người đã mất cả tính mạng trong lúc cầu xin công danh này. Họ không nghĩ được, nếu cửa phật các ngài dung túng cho những việc làm sai trái này thì làm gì có các vị chức sắc cao, các đại gia… thay cho việc vào cửa chùa thiền tâm thì lại vào tù bóc lịch, mà những vị này có lẽ cũng đi kêu, đi xin ở cửa chùa, cửa phật không ít.

Việc tín ngưỡng, tâm linh của mỗi người thì không ai có thể can thiệp, nhưng Nhà nước có thể quan tâm và can thiệp xã hội bằng các biện pháp hành chính như xử phạt hành vi mua bán tiền lẻ nơi cửa chùa, đền; Cấm bán thịt thú rừng và các sản vật quý hiếm trong danh sách phải bảo vệ; Phạt các hành vi gây mất mĩ quan tại các danh thắng như xả rác, ăn xin, cờ bạc, bói toán… (cả do dân địa phương cũng như khách thập phương gây ra). Đặc biệt, chính quyền trung ương và địa phương cần thực hiện các chương trình tuyên truyền mềm dẻo, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa, tâm linh đích thực, về ý thức xây dựng quê hương, đất nước để người dân hiểu rõ hơn việc làm của mình, để lễ hội thực sự lành mạnh, người tham gia tìm được sự an vui trong tâm, tìm được tình thương yêu trong cả cộng đồng.

Về phía người dân, đã đến lúc suy ngẫm lại các hành vi của mình, để đức tin, tín ngưỡng không biến thành duy tâm, mù quáng. Thiết nghĩ, nếu số tiền của người dân đóng góp sẽ được sử dụng để tôn tạo chùa chiền, tô đúc tượng phật, làm các công tác từ thiện, góp phần thực hiện các chính sách xã hội hiệu quả, xây dựng bộ mặt làng xã văn minh, nâng cao dân trí… thì sẽ không ai phải phân vân khi đóng góp công đức trong các dịp lễ hội này.