Giá cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại dưới góc độ pháp luật môi trường

Trần Linh Huân - Khoa Luật Thương mại (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Quản lý chất thải nguy hại là công việc khó khăn, phức tạp. Khi tham gia vào giao dịch này, chủ thể kinh doanh cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại và chủ thể nguồn chất thải nguy hại luôn quan tâm đến giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại, bởi giá dịch vụ là cơ sở để các bên tiến hành giao kết hợp đồng chuyển giao trách nhiệm quản lý chất thải. Tuy nhiên, quy định pháp luật điều chỉnh về giá cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại hiện vẫn còn tồn tại nhiều những thiếu sót, bất cập cần điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ. Với việc hình thành các khu đô thị lớn, sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng...

Tuy nhiên, cùng với đó, nỗi lo về môi trường, đặc biệt là khối lượng chất thải nguy hại trong các quá trình hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và y tế… liên tục gia tăng, tạo sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Quản lý chất thải nguy hại là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, hiện nay, tình hình thu gom, xử lý mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ lượng chất thải nguy hại phát sinh. Tính đến hết năm 2014, số lượng sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được cấp trên toàn quốc lên tới gần 15 nghìn sổ và số cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là 77 cở sở và khoảng 130 cở sở (chủ yếu là vận chuyển chất thải nguy hại) do các địa phương cấp phép.

Tính đến tháng 3/2016, có 90 đơn vị được Tổng cục Môi trường cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và phát triển mạnh về công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương...

Bất cập trong quy định về giá cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại

Trong các văn bản pháp luật môi trường điều chỉnh về hoạt động quản lý chất thải nguy hại như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 60/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thông tư số 36/2015/TT-TNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30/06/2015 về quản lý chất thải nguy hại… chỉ mới tập trung vào khía cạnh kỹ thuật, còn các khía cạnh kinh tế liên quan đến quản lý chất thải nguy hại, nhất là chi phí quản lý thì hầu như chưa được nghiên cứu, triển khai. Thực tế này dẫn đến những bất cập sau:

Thứ nhất, khi không có các quy định cụ thể hướng dẫn về mức giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại, các chủ thể cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại sẽ tùy tiện áp dụng mức giá cho dịch vụ của mình mà các chủ nguồn thải khác sẽ không có căn cứ, cơ sở nào để xác định mức giá được đưa ra là phù hợp hay không.

Nếu dựa vào mức giá dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt để xác định mức giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại là không phù hợp. Thực tế, dịch vụ quản lý chất thải nguy hại không thể sử dụng mức giá giống với mức giá được xác định đối với chất thải rắn sinh hoạt, vì đối với chất thải nguy hại chi phí đầu từ ban đầu rất lớn.

Chi phí này không chỉ là các khoản đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực mà nó còn bao gồm cả các chi phí khác như các khoản chi phí đầu tư vào việc xin giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đây là một khoản chi phí không nhỏ, bởi để thực hiện được các thủ tục này thì các chủ thể phải đầu tư một khoản tiền lớn liên quan đến quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường… Các khoản chi phí này cũng là những khoản chi phí không thể tách rời khỏi việc định giá dịch vụ, do đó việc xác định giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại không thể xác định theo như mức giá dịch vụ quản lý các loại chất thải thông thường khác.

Thứ hai, việc không đưa ra các quy định về mức giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại còn tạo ra lỗ hổng trong việc xác định thỏa thuận mức giá dịch vụ giữa chủ thể sử dụng và chủ thể cung ứng, làm cho giá dịch vụ dao động giữa các chủ thể có sự khác biệt khá lớn.

Do không có các quy định cụ thể về xác định mức giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại nên có những DN đã đưa ra mức giá dịch vụ quản lý thấp để thu hút các chủ thể phát sinh chất thải nguy hại sử dụng dịch vụ của mình, nhưng sau đó họ lại thực hiện các hoạt động quản lý chất thải nguy hại không đáp ứng đúng theo các yêu cầu đã cam kết trước đó.

Điều này không những gây nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường cung ứng dịch vụ môi trường mà còn tạo những hệ quả nguy hại cho môi trường do việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại không đúng các yêu cầu.

Mặt khác, có những địa phương do số lượng chủ thể cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại vẫn còn khá khiêm tốn dẫn đến tình trạng “cầu” nhiều hơn “cung” nên đã dẫn đến hệ quả các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này đã đưa giá rất cao.

Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, có những thời điểm DN buộc phải trả chi phí thu gom và xử lý lên đến 40 triệu đồng/tấn chất thải nguy hại, thay vì từ 2,5-12 triệu đồng/tấn chất thải (Minh Xuân, 2015). Để đối phó với các cơ quan chức năng và giá xử lý chất thải nguy hại leo cao, chủ thể có nhu cầu sử dụng dịch vụ không có nhiều sự lựa chọn đã buộc phải chấp nhận hoặc tìm cách lách luật bằng cách ký hợp đồng khống với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Theo đó, mỗi tháng công ty trả cho đơn vị xử lý một số tiền theo thỏa thuận mà không hề chuyển giao bất kỳ chất thải nguy hại nào hoặc chuyển giao lấy lệ, khi có đoàn thanh tra, kiểm tra môi trường đến kiểm tra chỉ cần đơn vị xuất trình được chứng từ và hợp đồng chứng minh có chuyển giao chất thải nguy hại là an toàn.

Hoặc có những DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ khi không thể đáp ứng được mức phí chuyển giao, xử lý chất thải nguy hại đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tuồn chất thải nguy hại ra ngoài mà không phải trả chi phí hoặc phải trả chi phí với giá rất thấp (nhiều DN lén thải bỏ ra ngoài môi trường hoặc trộn lẫn chất thải nguy hại vào chất thải công nghiệp không nguy hại hoặc chất thải sinh hoạt để phải trả chi phí chuyển giao như chất thải thông thường, khoảng 1/10 giá thành chuyển giao chất thải nguy hại).

Thứ ba, trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là ở Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt lại được điều chỉnh về giá dịch vụ, trong khi đó hoạt động quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường lại không.

Có thể theo các nhà làm luật, chủ thể phát sinh chất thải rắn sinh hoạt hầu hết là các cá nhân, hộ gia đình, mà cá nhân và hộ gia đình là bên yếu thế, ít hiểu biết về pháp luật nên cần được bảo vệ.

Đó là lý do tại sao giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của mọi cơ sở xử lý đều phải được Sở Tài chính hoặc Bộ Tài chính thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, dù chủ thể quan hệ hợp đồng quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường hầu hết đều là tổ chức kinh tế thì luôn có khả năng có một bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng.

Một số giải pháp hoàn thiện

Trong mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ, giá là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giao dịch có thành công hay không, vì vậy cần có quy định về giá một cách chặt chẽ, hợp lý.

Việc hoàn thiện các quy định về giá cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại dưới góc độ pháp luật môi trường là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Để hoàn thiện những thiếu sót, bất cập như đã phân tích, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bằng việc khắc phục, điều chỉnh các vướng mắc, bất cập trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật môi trường.

Do bản chất là một mối quan hệ dân sự giữa các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhau, vì vậy Luật Môi trường không nên can thiệp quá sâu vào thỏa thuận về giá của các bên trong hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại. Thay vào đó, Luật chỉ đưa ra những quy định về nguyên tắc xác định giá, về các cơ sở tính chi phí quản lý chất thải nguy hại để giúp các bên dễ dàng hơn khi xác định giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại.

Theo tác giả, cơ sở tính chi phí quản lý chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng để tính chi phí quản lý chất thải nguy hại. Cụ thể, khi xác định mức giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại, cần căn cứ vào: Chi phí vận hành, duy trì; Chi phí khấu hao, máy móc, nhà xưởng, công trình được đầu tư cho xử lý chất thải nguy hại đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Cùng với đó, cần xem xét cả chi phí lập lưu trữ hồ sơ, lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại, vì đây là hoạt động thường xuyên và bắt buộc của cơ sở xử lý chất thải nguy hại nên chi phí này cũng cần được tính trong quá trình định giá dịch vụ...

Hai là, trên cơ sở cách tính chi phí quản lý chất thải nguy hại, chủ thể kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại sẽ tiến hành xây dựng bảng khung giá dịch vụ, chi tiết đối với từng loại chất thải nguy hại được cấp phép xử lý.

Khung giá dịch vụ này phải được xác định dựa trên chi phí quản lý chất thải nguy hại, điều kiện về hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội và giá của dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức vận chuyển, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý… Sau khi hoàn thành, chủ thể kinh doanh dịch vụ cần gửi khung giá này đến Sở Tài chính để thẩm định và Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi quản lý; đồng thời niêm yết công khai khung giá dịch vụ quản lý chất thải nguy hại trên website hoặc trụ sở làm việc của cơ sở kinh doanh dịch vụ để tiện theo dõi.

Khi giao kết hợp đồng, nếu giá dịch vụ đưa ra trong một hợp đồng quản lý chất thải nguy hại vượt quá khung giá một cách bất hợp lý thì buộc chủ xử lý chất thải nguy hại phải giải trình. Nếu chủ xử lý chất thải nguy hại không giải trình được lý do vượt quá khung giá một cách chính đáng, thì sẽ áp dụng mức giá cao nhất trong khung giá để xác định giá dịch vụ. Ngoài ra, thỏa thuận trong hợp đồng cần nêu rõ đơn giá đã bao gồm giá thu gom, vận chuyển hay chưa để tránh bất đồng khi giải thích hợp đồng.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của các chủ thể cung ứng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại trong việc đưa ra mức giá dịch vụ phù hợp, đảm bảo được quyền lợi của các bên trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại; Thường xuyên tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong các vấn đề về giá trong hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại; Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này phải được thực thi công bằng, nghiêm minh và triệt để; Hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực như trục lợi cá nhân, lợi dụng kẽ hở trong quy định pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân tổ chức đầu tư, kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…           

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 55/2014/QH13);

2. Chính phủ (2015), Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

3. Chính phủ (2016), Nghị định số 60/2016/NĐ-CP của về một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Thông tư số 36/2015/TT-TNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại...;

5. Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, 29/9/2015;

6. Phạm Tuyên (2014), Tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam, Tạp chí Môi trường;

7. Minh Xuân (2015), Tăng công suất xử lý chất thải nguy hại, Báo Sài Gòn Giải phóng.