Giải quyết tranh chấp thương mại: Doanh nghiệp FDI “chuộng” trọng tài hơn tòa án

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

40% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay cho tòa án. Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Phan Trọng Đạt cho biết thông tin này tại Hội thảo "Trọng tài thương mại - Tăng thêm tự tin cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài" diễn ra sáng qua, 11/5.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Nguyễn Quỳnh
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Nguyễn Quỳnh

Gia tăng tranh chấp nội địa

Theo luật sư Phạm Mạnh Dũng, Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers, tính đến tháng 12/2017, cả nước có 24.700 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Khu vực FDI đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước và làm cho hội nhập có chiều sâu. “Đây nhân tố quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường và dần phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Để bảo toàn dòng vốn khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải, sử dụng phương thức trọng tài thương mại đang là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Phó Tổng Thư ký VIAC Phan Trọng Đạt  dẫn Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, cho thấy, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp.

Lý do có thể vì năng lực cán bộ tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, hoặc phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… Có tới 40% doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án, ông Đạt cho biết.

Một trong những ưu điểm hàng đầu của trọng tài thương mại là xây dựng được quy trình giải quyết tranh chấp đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên.

Phó Chủ tịch Thường trực VIAC Vũ Ánh Dương chia sẻ, phần lớn tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC đều “dính dáng” đến  doanh nghiệp FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa có xu hướng gia tăng.

Khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực cho thuê tài chính (leasing).

Để nhà đầu tư yên tâm

Chia sẻ trải nghiệm của mình, ông Ngô Khắc Lễ, chuyên gia pháp lý của Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, hàng hóa vận tải đa phương thức vận chuyển qua nhiều chặng nên dễ bị hư hỏng.

Khi các bên không giải quyết được, chúng tôi đã đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chứ không phải tòa án bởi ở đây tập hợp nhiều chuyên gia hàng đầu ở trong nước và quốc tế nên giải quyết được nhanh chóng hơn và phán quyết của trọng tài có hiệu lực ngay và được thi hành, không xét xử nhiều cấp.

Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội Hồ Thúy Ngọc cho rằng, cơ chế giải quyết tranh chấp là điều nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm để bảo vệ khoản đầu tư của mình.

Vì vậy, Việt Nam cần phải bảo đảm tính sẵn có và hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp để nhà đầu tư yên tâm. Ông Fan Mingchao, Giám đốc khu vực Bắc Á về trọng tài và ADR, thuộc Phòng Thương mại Quốc tế - ICC cũng cho rằng, tính hiệu quả là một thử thách lớn hiện nay khi các vụ tranh chấp ngày một lớn hơn, phức tạp hơn dẫn tới thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài hơn.

Để giải quyết vấn đề này cần nhiều biện pháp, trong đó có việc bổ sung thủ tục rút gọn vào phiên bản quy tắc mới nhất. Tiếp đó là vấn đề bảo mật và minh bạch của thủ tục trọng tài. Bảo mật là đặc điểm cốt lõi của trọng tài quốc tế nhưng yêu cầu về sự minh bạch cũng ngày càng được đặt cao hơn để giải quyết vấn đề này. Do đó, việc tham gia vào bộ nguyên tắc minh bạch của Liên Hợp Quốc là rất cần thiết.

Để bảo đảm Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn, để các doanh nghiệp FDI hoạt động ổn định tại Việt Nam, Tổng thư ký VIAC Vũ Ánh Dương kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp cũng như bảo đảm quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.