Gỡ bỏ “giới nghiêm”, cần quản lý chặt

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Quyết định bỏ giờ “giới nghiêm”, cho phép kinh doanh sau 24h được dự báo đem lại động lực phát triển cho du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, những vấn đề an ninh đòi hỏi cơ quan chức năng cần có quy định quản lý chặt để ngăn biến tướng và bảo đảm đời sống cho người dân quanh các khu phố chơi đêm.

Việc cho phép kinh doanh sau 24h đêm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch và giới kinh doanh nhưng cần phải quản lý chặt ché. Nguồn: Internet
Việc cho phép kinh doanh sau 24h đêm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch và giới kinh doanh nhưng cần phải quản lý chặt ché. Nguồn: Internet

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: “Quyết định bỏ giờ “giới nghiêm” được thực hiện theo Nghị quyết 06 ngày 26/6/2016 về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Đây là thay đổi quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tại Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của du khách và đem lại lợi ích cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ giải trí đêm tại Thủ đô”.

Lợi ích trái chiều

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2016, tổng lượng khách đến Hà Nội đạt trên 5,6 triệu lượt người, đạt doanh thu trên 16.000 tỷ đồng. Với hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế (thành phần có nhu cầu giải trí về đêm rất cao), khi giờ “giới nghiêm” được gỡ bỏ, con số doanh thu sẽ tăng lên đáng kể.

Thông tin về việc lệnh “giới nghiêm” được gỡ bỏ khiến giới kinh doanh dịch vụ giải trí tại Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng. Anh Phan Huy Khánh - chủ quán bar trên phố Lương Ngọc Quyến, chia sẻ: “Việc cho phép kinh doanh sau 24h đêm không chỉ đem lại lợi ích cho người kinh doanh, mà còn đáp ứng được nhu cầu cao của khách quốc tế. Việc gỡ quy định cấm vui chơi đêm sẽ kéo thêm số lượng không nhỏ khách quốc tế đến Hà Nội”.

Rõ ràng, việc cho phép kinh doanh sau 24h đêm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch và giới kinh doanh. Tuy nhiên, quyết định bỏ “giới nghiêm” cũng nảy sinh nhiều “mặt trái” nếu không được quản lý chặt chẽ. Lo ngại lớn nhất là ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng có thể làm đảo lộn sinh hoạt của người dân quanh các khu vui chơi, giải trí đêm.

Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội), bày tỏ lo ngại: “Ngay cả khi còn lệnh “giới nghiêm” khu dân cư chúng tôi vốn đã khốn khổ vì ồn ào. Nay quy định cấm được gỡ bỏ, các hoạt động kinh doanh được tự do hoạt động, tôi không thể tưởng tượng nổi sẽ còn đáng sợ thế nào. Quy định mới đang hướng tới lợi ích của du khách, lợi ích kinh doanh, nhưng cũng cần cân nhắc bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân”.

Những lo ngại của người dân không hoàn toàn vô căn cứ. Bởi thực tế, các hoạt động giải trí đêm thường gây ô nhiễm ánh sáng và tiếng ồn rất lớn. Đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm vui chơi tại Hà Nội hiện tại rất thấp, điều kiện về cách âm yếu khiến các điểm giải trí trở thành “ác mộng” của người dân về đêm.

Cần quản lý chặt

Những “mặt trái” của vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ nhằm giảm thiểu biến tướng và bảo đảm đời sống cho người dân.

Ông Đặng Ngọc Tiến - Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết: “Việc cho phép kinh doanh sau 24h sẽ được thực hiện có lộ trình và tính toán kỹ lưỡng. Cân bằng lợi ích chung và lợi ích của của người dân. Các điểm kinh doanh, vui chơi có nguy cơ phát sinh ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng sẽ được quản lý chặt để không làm ảnh hưởng người dân”.

Các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp nhằm ngăn phát sinh những “biến tướng” như hoạt động giải trí không lành mạnh, tệ nạn xã hội, các hành vi kinh doanh gian lận, chặt chém du khách… Bởi trong 7 “nỗi sợ” khiến du khách “một đi không trở lại” do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra, thì cướp giật, trộm cắp và thái độ phục vụ là những nguyên nhân hàng đầu.

“Hoạt động kinh doanh sau 24h sẽ được tính toán kỹ lưỡng tại từng khu vực, bảo đảm chặt chẽ về an ninh trật tự, ngăn chặn nạn trộm cắp, móc túi, phát triển kinh doanh lành mạnh, minh bạch... vừa bảo đảm đời sống cho người dân quanh khu vực, vừa bảo vệ lợi ích cho du khách”, ông Hồng cho biết.

TP. Hà Nội cũng cần nhanh chóng ban hành những quy định nghiêm ngặt về cơ sở hạ tầng, phương thức hoạt động… đưa các điểm vui chơi vào khuôn khổ, tránh phát sinh tiêu cực, gây mất trật tự, an ninh, trị an, ảnh hưởng đến người dân và du khách. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động quản lý, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, hoặc lực lượng chức năng gây khó dễ cho đơn vị kinh doanh…

Phát triển kinh tế cần bảo đảm lợi ích của người dân. Quyết định bỏ giờ “giới nghiêm” là tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích. Việc cần làm hiện tại là quản lý chặt chẽ, phát huy hết tiềm năng và giảm thiểu những phát sinh, bảo đảm quyền lợi của người dân.