Hiện trạng sử dụng đất đai: Nhìn từ 3 cuộc tổng điều tra lớn

ThS. Hà Văn Đổng

(Tài chính) Tính từ năm 2000 đến nay, cả nước đã tiến hành 3 cuộc Tổng điều tra đất đai (năm 2000, 2005 và 2010). Từ bộ số liệu của các cuộc tổng điều tra này, bài viết phân những biến động trong cơ cấu sử dụng đất hiện nay, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai trên cả nước.

Hiện trạng sử dụng đất đai: Nhìn từ 3 cuộc tổng điều tra lớn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hiện trạng sử dụng đất

Theo báo cáo Tổng điều tra đất đai năm 2010, tổng diện tích các loại đất kiểm kê của cả nước là 33.093.857 ha. Theo mục đích sử dụng, đất được phân thành 3 nhóm chính: đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp; đất chưa sử dụng.

Tình hình sử dụng đất của nước ta cụ thể như sau:

Một là, hiện trạng và biến động đất nông nghiệp trên cả nước: Tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của cả nước năm 2010 là 26.100.160 ha, tăng 5.179.385 ha (gấp 1,25 lần) so với năm 2000. Trong đó, lượng tăng chủ yếu ở loại đất lâm nghiệp (tăng 3.673.998 ha) và loại đất sản xuất nông nghiệp (tăng 1.140.393 ha).

Bảng 1. Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên cả nước

Chỉ tiêu

Diện tích (ha)

Biến động (ha)

 

Năm 2000

Năm 2005

Năm 2010

2000-2005

2005-2010

2000-2010

Tổng diện tích đất nông nghiệp

20.939.679

24.822.560

26.100.160

3.882.881

1.277.600

5.160.481

Đất sản xuất nông nghiệp

8.977.500

9.415.568

10.117.893

438.068

702.325

1.140.393

Đất lâm nghiệp

11.575.027

14.677.409

15.249.025

3.102.382

571.616

3.673.998

Đất nuôi trồng thuỷ sản

367.846

700.061

690.218

332.215

-9.843

322.372

Đất làm muối

18.904

14.075

17.562

-4.829

3.487

-1.342

Đất nông nghiệp khác

402

15.447

25.462

15.045

10.015

25.060

Nguồn: Tổng điều tra đất đai năm 2000, năm 2005 và năm 2010

Biến động sử dụng đất nông nghiệp được thể hiện trên các điểm sau:

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả nước có sự gia tăng tương đối, giai đoạn 2000-2010, tăng bình quân 114.000 ha/năm. Sự gia tăng này có thể đến từ việc mở rộng một phần quỹ đất chưa sử dụng, khai phá rừng, đất lâm nghiệp...

Trong cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa có sự suy giảm đáng kể (trên 340.000 ha), trung bình mỗi năm giảm trên 34.000 ha. Có 41/63 tỉnh giảm diện tích đất trồng lúa. Nguyên nhân giảm chủ yếu do chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại đất nông nghiệp khác, như: đất trồng rau, màu hoặc trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê), trồng cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và các loại đất phi nông nghiệp (công trình công cộng, phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn, hoặc đất sản xuất, kinh doanh).

- Giai đoạn 2000-2005, diện tích đất lâm nghiệp tăng nhanh, từ 11.575.027 ha lên 14.677.409 ha, bình quân hằng năm tăng trên 620.000 ha và mức tăng trưởng này giảm nhẹ trong giai đoạn kế tiếp. Đất lâm nghiệp của cả nước năm 2010 tăng 571.616 ha so với năm 2005, tính chung cho cả giai đoạn diện tích đất lâm nghiệp tăng 3.673.998 ha. Nguyên nhân tăng chủ yếu do các địa phương đã đẩy mạnh việc giao đất để trồng hoặc khoanh nuôi phục hồi rừng, cùng với đó là do quá trình đo đạc, vẽ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp được xác định lại chính xác hơn.

So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của các tỉnh, thành phố, thì tổng diện tích đất lâm nghiệp cả nước đạt 96,3%, thấp hơn quy hoạch được duyệt là 595.059 ha, trong đó có 35 tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch.

- Trong 5 năm đầu (2000-2005), diện tích đất nuôi trồng thủy sản có sự tăng trưởng mạnh tăng từ 367.846 ha lên 700.061 ha, bình quân hàng năm tăng khoảng 66.500 ha. Giai đoạn 5 năm tiếp theo (2006-2010) giảm 9.843 ha  (Hình 1). Năm 2010, diện tích đất nuôi trồng thủy sản chiếm 2,64% trong tổng cơ cấu đất nông nghiệp.

So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của các tỉnh, thành phố, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của cả nước (không tính diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp) thực tế thấp hơn 124.392 ha (đạt 84,72% so với quy hoạch được duyệt).

- Diện tích đất làm muối có sự suy giảm trong giai đoạn đầu 2000-2005 và tăng trưởng trở lại trong giai đoạn sau 2006-2010. Diện tích đất làm muối giảm 4.829 ha giai đoạn 2000-2005 và 5 năm sau đó tăng 3.487 ha. Tính cả giai đoạn 2001-2010, diện tích đất làm muối giảm 1.342 ha. Mặc dù trong những năm qua, sản xuất muối có những tiến bộ nhất định về năng suất và chất lượng, tuy nhiên, ngành này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hàng năm, đất nước còn phải nhập khẩu muối cho các nhu cầu khác nhau với giá thành cao. Đây là vấn đề mang tính nghịch lý cần phải xem xét, vì Việt Nam là một nước nhiệt đới, với 3.444 km chiều dài bờ biển.

- Diện tích đất nông nghiệp khác đã có sự thay đổi đáng kể, tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua, từ 402 ha năm 2000 lên tới 25.462 ha vào năm 2010, gấp hơn 63 lần. Mức tăng trưởng gần như tuyến tính, lượng tăng trưởng hàng năm ở mức 2.506 ha.

Hai là, hiện trạng và biến động đất phi nông nghiệp:

Diện tích đất phi nông nghiệp trên cả nước có mức tăng trưởng tương đối nhanh và tuyến tính trong vòng một thập niên qua. Trung bình mỗi năm, diện tích đất phi nông nghiệp gia tăng thêm khoảng 82.000 ha và tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức xấp xỉ 29%.

Tổng diện tích nhóm đất chuyên dùng gia tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2005-2010 (722.277 ha); tiếp theo là diện tích đất ở, tăng 237.300 ha; đất nghĩa trang, nghĩa địa tăng 7.200 ha; đặc biệt, nhóm đất sông suối và mặt nước chuyên dùng giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng trên 1 triệu ha vào năm 2010. Đất tôn giáo, tín ngưỡng cũng có sự gia tăng đáng kể, tăng trên 1.800 ha sau 5 năm, từ năm 2005 đến năm 2010 (Bảng 3).  

Bảng 3. Hiện trạng sử dụng đất phi nông nghiệp trên cả nước

Chỉ tiêu

Diện tích (ha)

Biến động (ha)

tăng (+), giảm (-).

 

Năm 2000

Năm 2005

Năm 2010

2000-2005

2005-2010

2000-2010

Tổng diện tích

2.850.298

3.232.715

3.670.186

+382.417

+ 437.471

+819.888

Đất ở

443.178

598.428

680.477

+155.250

+ 82.049

+237.299

Đất chuyên dùng

1.072.202

1.383.766

1.794.479

+311.564

+ 410.713

+722.277

Đất tôn giáo, tín ngưỡng

 

12.804

14.620

 

+1.816

 

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

93.741

97.052

100.939

+3.311

+3.887

+7.198

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng

1.143.087

1.137.445

1.075.736

-5.642

-61.709

-67.351

Đất phi nông nghiệp khác

 

3.221

3.936

+3.221

+715

+3.936

Nguồn: Tổng điều tra đất đai năm 2000, năm 2005 và năm 2010

- Đất ở: Giai đoạn 2000-2005, diện tích đất ở tăng trưởng nhanh, từ 443.178 ha lên 598.428 ha, bình quân mỗi năm tăng trên 31.000 ha và ở mức trên 7%/năm. Tốc độ này đã tăng trưởng chậm lại trong vòng 5 năm 2005-2010, tuy nhiên vẫn còn ở mức tương đối cao (3%/năm), trung bình mỗi năm tăng trên 16.000 ha. Đây là một con số không nhỏ!

Tính bình quân cả giai đoạn 2000-2010, đất ở khu vực nông thôn tăng khoảng 17.900 ha/năm, tăng trưởng ở mức 5,4%/năm; đất ở đô thị tăng khoảng 7.900 ha/năm, tăng trưởng hằng năm ở mức 8,1%/năm. Như vậy, có thể thấy lượng tăng tuyệt đối diện tích đất ở khu vực thành thị nhỏ hơn rất nhiều khu vực nông thôn, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, thì khu vực này lại lớn hơn rất nhiều. Điều này phản ánh áp lực nhu cầu về đất ở khu vực thành thị và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

- Đất chuyên dùng: Giai đoạn 2000-2005, đất chuyên dùng trên cả nước tăng từ 1.072.202 ha lên 1.383.766 ha, bao gồm: đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất quốc phòng, an ninh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng, tăng 213.473 ha so với năm 2000.

Giai đoạn 2005-2010, diện tích đất chuyên dùng cả nước tăng 410.713 ha; trong đó, đất phục vụ cho mục đích công cộng tăng mạnh nhất (258.421 ha), chủ yếu là đất giao thông và thủy lợi; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (101.677 ha); đất quốc phòng và đất an ninh (55.140 ha).

So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của các tỉnh, thành phố, thì tổng diện tích đất chuyên dùng cả nước mới thực hiện được 94,28% mức quy hoạch được duyệt là 108.405 ha. Trong đó, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp chỉ đạt 53,8%, thấp hơn 83.691 ha so quy hoạch được duyệt.

- Các loại đất khác: Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng đã có sự suy giảm đáng kể trong cơ cấu đất phi nông nghiệp. Năm 2000, diện tích đất sông suối và mặt nước chuyên dùng chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng cơ cấu đất phi nông nghiệp, thì tỷ lệ này năm 2010 chỉ còn trên 29%, giảm khoảng 67.400 ha.

Giai đoạn 2000-2010, diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa tăng trưởng tương đối nhanh ở mức 8%/năm, tăng từ 93.700 ha năm 2000 lên tới 101.000 ha vào năm 2010 và chiếm 3,29% trong tổng cơ cấu diện tích đất phi nông nghiệp. Tình trạng lập mồ mả tự do, phân tán trong đất canh tác, ngoài quy hoạch sử dụng đất diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và vệ sinh môi trường. Do vậy, vấn đề quy hoạch và định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa đang nổi lên cấp bách ở tất cả các địa phương, cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đất tôn giáo, tín ngưỡng cũng có sự gia tăng mạnh, trong vòng 5 năm (2005-2010) tăng 1.820 ha, tăng trưởng 14%.

Đất phi nông nghiệp khác năm 2010 tăng 715 ha so với năm 2005. Năm 2005, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp khác được đưa vào kiểm kê, cả nước có 3.221 ha, chiếm 0,10% tổng diện tích đất phi nông nghiệp cả nước; đến năm 2010, con số này là 3.936 ha.

Ba là, hiện trạng và biến động đất chưa sử dụng:

Thực tế, diện tích đất chưa sử dụng đã giảm nhanh, mạnh và đáng kể sau một thập niên. Chỉ sau 5 năm từ năm 2000-2005, diện tích đất chưa sử dụng đã giảm một nửa từ 10.027.265 ha xuống còn 5.065.884 ha. Năm 2000, diện tích đất chưa sử dụng chiếm tới 30,5% trong tổng cơ cấu đất đai (gần 2/3 diện tích cả nước), thì năm 2005 con số này chỉ còn 15,3%, đến năm 2010 con số này là 10%. Những con số này cho thấy, quỹ đất đai chưa sử dụng không còn nhiều. Ngay cả những cánh rừng nguyên sinh cũng đã bị tàn phá nhiều để phục vụ cho các mục đích mưu sinh của con người.

Một vài khuyến nghị

Số liệu thống kê cho thấy, một số tỉnh, thành phố có sự suy giảm đáng kể về diện tích đất nông nghiệp, ví dụ như vùng Đồng bằng sông Hồng giảm tới 32.000 ha chỉ sau 5 năm (2005-2010). Cùng với đó là sự gia tăng về quy mô diện tích đất sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp. Sự suy giảm này là do một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được chuyển sang sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp và mục đích khác, như: xây dựng các công trình công nghiệp, công trình thủy lợi, giao thông, nhà ở, các công trình hạ tầng xã hội... Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp không còn khả năng mở rộng nhiều. Đây sẽ là thách thức đối với các nhà quản lý, quy hoạch đất đai và các nhà hoạch định chính sách.

Một xu thế phát triển trong tương lai đó là xu hướng gia tăng mạnh nhu cầu về quỹ đất phục vụ cho mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là áp lực tăng cầu về diện tích đất chuyên dùng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Khi diện tích đất chưa sử dụng đã được tận dùng, thì để có được quỹ đất phục vụ cho các mục đích phi nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh chỉ có thể chuyển một phần từ quỹ đất nông nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng sản xuất trong khu vực nông nghiệp cũng như những người nông dân có quyền sử dụng quỹ đất này trước đó, làm thay đổi về cơ cấu lao động tại các vùng, địa phương này.

Vì vậy, việc quy hoạch sử dụng đất đai cần có những đánh giá tác động toàn diện về lợi ích và chi phí của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào các mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt tại các vùng, địa phương có sự suy giảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp mạnh, để có thể đưa ra đề xuất quy hoạch sử dụng đất trong vùng, địa phương một cách hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2001). Tư liệu kinh tế - xã hội chọn lọc từ kết quả 10 cuộc điều tra quy mô lớn 1998-2000, Nxb Thống kê, Hà Nội

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2005). Báo cáo Tổng Điều tra đất đai năm 2005, Hà Nội

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010). Báo cáo Tổng Điều tra đất đai năm 2010, Hà Nội