Hướng tới việc khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản

Theo Hoàng Long/baokiemtoannhanuoc.vn

Kể từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, hoạt động khai khoáng đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, chính sách, pháp luật về khoáng sản cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp.

Tính hết năm 2016, cả nước có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 giấy phép.
Tính hết năm 2016, cả nước có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 giấy phép.
Dần chuyển biến từ chiều rộng sang chiều sâu

Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với 86 điều, trong đó có tới 48 điều lần đầu tiên được quy định trong quản lý khoáng sản.

Đánh giá về quá trình thực thi Luật Khoáng sản năm 2010, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Đến nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được những kết quả đáng kể. Diện tích được lập bản đồ địa chất - khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền; nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược đã được phát hiện, đánh giá như: bauxit, sắt laterit, titan….

Bên cạnh đó, công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, góp phần đưa các quy định mới của Luật Khoáng sản đi vào cuộc sống. Ngành Công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang chiều sâu, nhằm khai thác triệt để, thu hồi tối đa và bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản. 

Còn theo Bộ Tài chính, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với khoáng sản đã được hoàn thiện hơn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến hết tháng 4/2017, Kho bạc Nhà nước đã thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản tổng số tiền 12.795 tỷ đồng, trung bình mỗi năm thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 4.000 - 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu NSNN và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, nếu trước đây, một vấn nạn nhức nhối là việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện tràn lan thì đến nay, tình trạng đó đã cơ bản được khắc phục. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính hết năm 2016, cả nước có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 giấy phép. Trong đó, 678 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; số còn lại do UBND các tỉnh, thành phố cấp.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng thẳng thắn thừa nhận, việc thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản còn những hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, quan điểm trong quản lý khoáng sản chưa đem lại hiệu quả cao trong quá trình triển khai…

Mặt khác, kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội trong lĩnh vực khoáng sản cho thấy, tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 khá chậm. Tuy Luật có hiệu lực từ 01/7/2011, nhưng phải đến tháng 3/2012 mới có Nghị định hướng dẫn chi tiết, tức là chậm 8 tháng tính từ khi Luật có hiệu lực và 16 tháng từ khi Quốc hội thông qua Luật.

Các Nghị định hướng dẫn một số nội dung quan trọng như: đấu giá quyền khai thác khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cũng được ban hành rất chậm, gây khó khăn cho việc triển khai Luật.

Nhìn nhận về thực trạng trên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, một số quy định trong Luật Khoáng sản cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về phương pháp tính, mức thu, quản lý thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp với thực tế và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cần phải được thiết kế theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh hơn.