Những bất cập trong phát triển giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc

Thời gian qua, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) khu vực miền núi phía Bắc đã được cải thiện rõ rệt: gần 86% (3.700/4.300 km) đường quốc lộ đã được nâng cấp, cải tạo; các tuyến đường tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn; hầu hết các xã đã thiết lập được tuyến đường đến trung tâm xã. Tuy nhiên, mạng lưới GTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đến nay vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, nhất là đối với các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa.

Thiếu nguồn lực tài chính được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn tới phát triển GTNT chậm, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù các tỉnh đã rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng GTNT nhưng mức đóng góp ở nhiều địa phương so với phần vốn đầu tư của Nhà nước mới đạt tỷ lệ thấp, chỗ thuận lợi cũng chỉ 40/60 (thường ở những vùng gần dân cư, gắn bó mật thiết với nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân) hoặc 30/70 (ở những vùng xa dân hoặc có điều kiện khó khăn hơn), thậm chí có địa phương chỉ đạt 10/90. Ngoài việc vốn đầu tư cho GTNT rất hạn chế, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách thống nhất trong cả nước về việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển GTNT miền núi, làm cho các địa phương rất khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, tuy các địa phương đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư mỗi năm từ nhiều nguồn cho phát triển mạng lưới GTNT miền núi, song trong quá trình thực hiện các dự án còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là: Nhiều địa phương do địa hình phức tạp nên vẫn chưa có quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới GTNT trong tương lai; Đầu tư xây dựng, phát triển GTNT thiếu tính kế hoạch, dàn trải nên thời gian thi công kéo dài và gây nợ đọng; Việc chạy theo thành tích, coi nhẹ quản lý kỹ thuật, dẫn tới một số công trình do dân tự làm không đảm bảo kỹ thuật...

Giải pháp huy động nguồn lực tài chính phát triển giao thông nông thôn khu vực miền núi phía Bắc

Hiện nay, phát triển GTNT khu vực này chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN). Vì vậy, tăng nguồn vốn NSNN đầu tư xây dựng GTNT trên cơ sở tăng cường quản lý thu – chi NSNN từ đó động viên mọi nguồn lực tài chính vào NSNN để phân bổ vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống GTNT là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Một là, tăng cường khai thác và quản lý các khoản thu ngân sách mang tính thường xuyên phát sinh trên địa bàn địa phương.

+ Tuyên truyền các luật thuế, thường xuyên kiểm kê rà soát để đưa hết các đối tượng nộp thuế trên địa bàn vào quản lý thu thuế; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế; Tập trung lực lượng triển khai đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế.

+ Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể... theo chính sách của Nhà nước đã ban hành, giúp tăng thu cho ngân sách địa phương từ đó phân bổ thêm vốn đầu tư phát triển hệ thống GTNT.

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế cũng như trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống tài chính địa phương và trung ương.

Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên từ đó thu hút các dự án đầu tư, phát triển hệ thống du lịch sinh thái, du lịch bản sắc văn hoá dân tộc miền núi nhằm tăng thu ngân sách địa phương và phát triển GTNT.

Trên cơ sở tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng và đặc sắc của từng vùng miền, tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống du lịch sinh thái, du lịch bản sắc văn hoá dân tộc miền núi (tạo thêm nguồn thu cho nhân dân trong vùng, cho ngân sách địa phương và qua những tour, tuyến du lịch, hệ thống GTNT cũng được tăng cường).

Ba là, tăng cường khai thác có hiệu quả quỹ đất các địa phương để cân đối thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng GTNT.

Có thể triển khai theo hai hình thức: Giao đất tạo vốn bằng việc mở rộng phạm vi thu hồi đất của dự án xây dựng công trình giao thông; giao đất tạo vốn nằm ngoài phạm vi xây dựng công trình kết cấu hạ tầng của dự án. Ngoài ra, có thể quy hoạch các khu đất có vị trí thuận lợi, khả năng sinh lời cao; tiến hành giải toả mặt bằng xây dựng kết cấu hạ tầng để giao đất theo hình thức bán đấu giá.

Bốn là, đẩy mạnh huy động nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vay Ngân hàng phát triển Việt Nam hỗ trợ nhân dân xây dựng đường GTNT.

Các địa phương cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Quy hoạch phát triển GTNT trên địa bàn, xây dựng danh mục và nâng cấp chất lượng các dự án đầu tư xây dựng các công trình cầu, đường bộ đề nghị các bộ, ngành trung ương phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ xây dựng hệ thống GTNT địa phương, đề nghị vay vốn của ngân hàng phát triển Việt Nam.

Năm là, phát hành trái phiếu đầu tư địa phương xây dựng đường GTNT trên địa bàn.

Cho đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước (ngoại trừ một số thành phố lớn) chưa tiến hành vay vốn từ các tổ chức và dân cư đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nói chung và GTNT nói riêng, mặc dù Luật NSNN năm 2002 đã quy định khá chi tiết về quy trình cũng như phương thức huy động và trả nợ. Các địa phương “nghèo” với nguồn thu ngân sách rất hạn hẹp phải nhận phần bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hàng năm chiếm tỷ trọng cao. Thông thường, nếu các địa phương này tổ chức huy động vốn từ các tổ chức và dân cư thì việc xây dựng phương án trả nợ cả gốc và lãi thật sự khó khăn. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu một cách sâu sắc, kỹ lưỡng thì những địa phương chưa cân đối được ngân sách nhưng có nguồn thu hàng năm tăng trưởng ổn định và bền vững thì vẫn có thể sử dụng biện pháp vay nợ để huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình GTNT.

Sáu là, huy động từ nguồn vốn đóng góp của các tổ chức và cộng đồng dân cư xây dựng các công trình GTNT.

Nguồn vốn huy động đóng góp của các tổ chức và dân cư phải kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của NSNN để xây dựng các công trình cầu, đường bộ nhỏ ở nông thôn bao gồm các đường giao thông liên thôn, liên xóm. Cơ chế huy động và tổ chức đầu tư xây dựng phải linh hoạt và gắn với tình hình thực tế ở cấp cơ sở.

Bảy là, huy động nguồn lực tài chính từ nước ngoài

- Nguồn vốn ODA:

Nguồn vốn ODA đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ như: Cấp nước, đường giao thông, điện thoại nông thôn…ở các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số. Để tăng cường huy động được nguồn vốn này, các địa phương cần nâng cao chất lượng lựa chọn và lập danh mục các dự án xây dựng đường GTNT sử dụng vốn ODA trước khi trình bộ, ngành trung ương đăng ký với các nhà tài trợ và chính phủ các nước; Lựa chọn dự án mang tính cấp bách và phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ; Nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Chủ động chuẩn bị nguồn vốn đối ứng khi dự án được chấp thuận.

- Nguồn vốn FDI:

Trong những năm gần đây, dự án xây dựng đường bộ bằng nguồn vốn FDI trên địa bàn cả nước chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáng kể. Việc thu hút nguồn vốn FDI phát triển hệ thống GTNT lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, có thể kêu gọi nguồn vốn này thông qua các hình thức như: BOT, BT, PPP.

- Nguồn vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO), Việt kiều:

Các tổ chức phi chính phủ thường có dự án tài trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, xã vùng nghèo của các tỉnh trong khu vực với mục tiêu là: Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, trình độ quản lý sản xuất kinh doanh của nhân dân, hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông nghiệp, GTNT.

Để huy động được các nguồn vốn này, các địa phương cần chủ động: tăng cường quan hệ với các tổ chức phi chính phủ thông qua Đại sứ quán các nước hoặc thông qua các hội nghị diễn đàn trong nước và quốc tế, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cá nhân, thực hiện có hiệu quả các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần kêu gọi Việt kiều ở trong và ngoài nước tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để đầu tư xây dựng phát triển đường GTNT tại địa phương. 

Huy động nguồn lực tài chính phát triển giao thông nông thôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc

ThS. Dìu Đức Hà

TCTC Online - Thiếu nguồn lực tài chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc giao thông nông thôn Việt Nam nói chung và giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng phát triển chậm. Bài viết nêu lên một số giải pháp nhằm huy động nguồn lực tài chính để phát triển giao thông nông thôn ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta.

Xem thêm

Video nổi bật