Khó xác định thị phần của Uber và Grab?

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Thông báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) phát đi ngày 9/4 cho biết, Cục đã yêu cầu Grab cung cấp các căn cứ chứng minh thị phần kết hợp của Grab và Uber tại Việt Nam thấp hơn 30% trước khi tiến hành giao dịch (mua lại Uber). Việc xác định thị phần này khiến giới chuyên gia băn khoăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó vì chưa phân định loại hình dịch vụ

“Sẽ rất khó để xác định thị phần của Grab và Uber” - luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định. Lý do là “cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phân định được Grab và Uber là loại hình dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi hay là dịch vụ kết nối giữa khách hàng và taxi (ứng dụng hợp đồng điện tử)”.

Theo đó, trong trường hợp coi Grab và Uber là dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, việc tính thị phần sẽ dựa trên tổng số hãng, số lượng đầu xe taxi hoạt động, trong khi số lượng này lên tới hàng chục hãng với hàng nghìn xe. Còn trong trường hợp coi đó là dịch vụ ứng dụng hợp đồng điện tử, cách tính thị phần sẽ dựa trên số lượng hãng áp dụng (hiện còn hạn chế) và số xe ít hơn nhiều so với taxi truyền thống.

Rõ ràng, hai cách tính sẽ cho những kết quả khác nhau. Do vậy, nếu chưa xác định rõ loại hình dịch vụ thì việc đưa ra quyết định Grab mua lại Uber có vi phạm Luật Cạnh tranh là khó thuyết phục.

Cơ quan quản lý thụ động?

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, phía Grab lý giải do thị phần kết hợp giữa Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%, nên trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh.

Hiện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị Grab cần cung cấp căn cứ có liên quan. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá: “Cách làm này thể hiện sự thụ động, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý”.

Theo ông Long, mặc dù chính sách mới chỉ cho thí điểm Uber và Grab, song “đáng ra, cơ quan quản lý cần nắm được thị phần của hai hãng này trong mối tương quan so sánh với cùng loại hình áp dụng công nghệ điện tử ở các hãng xe khác, so sánh với số lượng hành khách đi các hãng xe khác như thế nào, chứ không phải đợi đến khi có thông tin sáp nhập mới yêu cầu Grab cung cấp thông tin”.

Các chuyên gia khuyến nghị, để xác định thị phần của Grab và Uber tại thị trường Việt Nam xem việc sáp nhập có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, trước tiên cơ quan quản lý có liên quan cần phân định rõ đó là loại hình dịch vụ nào. Chỉ khi đó mới có được cách tính thị phần phù hợp và thuyết phục.

“Trong trường hợp Grab không đưa ra được căn cứ có liên quan đế chứng minh thị phần của Grab và Uber dưới 30%, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu ngưng việc sáp nhập này như cách mà nhiều nước đã làm. Trong trường hợp Grab đưa ra các bằng chứng có liên quan chứng minh chiếm dưới 30% thị phần, các cơ quan quản lý vẫn cần vào cuộc để xác định thị phần thực tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng chứ không thể chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp”, luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu ý kiến.