Không chỉ là “giải cứu” nông sản

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Giải cứu nông sản không là câu chuyện mới, mà đã lặp lại trong mấy năm gần đây, xuất hiện ở nhiều ngành hàng. Không là câu chuyện mới, nhưng việc nông dân ở một số tỉnh phía Bắc phải bán rẻ củ cải, su hào mới đây đã một lần nữa đặt lại bài toán này với các cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụm từ “giải cứu nông sản” từng được áp dụng quen thuộc với thanh long, hành, tỏi, dưa hấu... Cụm từ này cũng đặc biệt nóng hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, khi nông dân, doanh nghiệp nuôi lợn chịu thiệt hại nặng nề trong năm 2017. Song, có thể thấy, việc đưa ra yêu cầu này tại Phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh là một góc nhìn mới của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga với câu chuyện không mới.

Câu chuyện giải cứu nông sản thường sẽ được đặt ra với quản lý ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và quản lý thị trường (Bộ Công thương). Nhưng có thể hiểu vì sao Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đặt ra với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khi thực tế đã chứng minh chỉ có ứng dụng khoa học, công nghệ mới giúp giải cứu nông sản một cách căn cơ.

Ví dụ này được chính Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu ra, khi mà nhờ tận dụng sáng chế hết hạn bảo hộ, Công ty Cổ phần Dừa Lương Quới đã tiêu thụ hơn một nửa nguyên liệu dừa của khu vực phía Nam, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng.

Dừa từng là loại nông sản phải giải cứu khi thị trường xuất khẩu chính giảm lượng hàng nhập khẩu. Nhưng thay vì trở thành “bài ca cũ” như thanh long, dưa hấu, thì dừa đã không còn phải tiếp tục giải cứu trong thời gian gần đây. Tình trạng này được khắc phục chính vì ứng dụng sáng chế để chế biến dừa nguyên liệu. Đây cũng là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tất nhiên, khi nông sản vươn lên trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ngang ngửa với dầu khí, và nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, thì câu chuyện cần quan tâm cũng không chỉ là vậy. Các cơ quan chức năng cũng không chỉ cần quan tâm việc ký kết nghị định thư với các quốc gia có trình độ sản xuất tiên tiến, để chuyển giao công nghệ chế biến nông sản, hay ứng dụng công nghệ vào xử lý nông sản xuất khẩu thô.  

Dù sức sản xuất nông nghiệp của nước ta còn rất lớn trên tất cả các ngành hàng, nhưng lại có hai điểm yếu “cốt tử” là chế biến và tổ chức thị trường. Do đó, tham gia giải trình tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tổ chức cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở xây dựng các chuỗi cung ứng của khu vực, cũng như toàn cầu.

Trong đó, chú ý thực hiện xóa bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, để đáp ứng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Để thực hiện yêu cầu này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhất là khâu tham mưu xây dựng khung chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.  

Từ nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đang bàn bạc để xây dựng một chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, để xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp theo mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch. Để hình thành các chuỗi sản phẩm này, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, khoa học công nghệ giữ vai trò đầu mối, và cần nhanh chóng chuyển giao phát minh, sáng tạo công nghệ vào doanh nghiệp.

Thay vì đặt bài toán giải cứu nông sản với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay Bộ trưởng Bộ Công thương như thường lệ, ĐBQH đã đặt ra với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Góc nhìn mới của ĐBQH đã gợi mở cơ quan chức năng hướng đến thực hiện giải pháp căn bản, lâu dài để giải bài toán giải cứu nông sản, đó là phải đầu tư phát triển công nghệ chế biến.

Một thông tin vui được các bộ trưởng đưa ra tại Phiên chất vấn, đó là trong năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến rau quả được khởi công và khánh thành, để tiếp tục khai thác lợi thế, dư địa của nhóm hàng về nông sản, rau quả của Việt Nam. Trong đó, nhà máy sẽ khánh thành tới đây tại Long An với tổng công suất là 200.000 tấn, và chuỗi sản phẩm khoảng 20 - 25 sản phẩm. Tiếp đến là Tây Ninh, Đồng Tháp, Gia Lai, Sơn La, Bắc Giang…

Với những chuyển động cụ thể như vậy, mong rằng, nút thắt giải cứu nông sản sẽ sớm được tháo gỡ thông qua việc các bộ trưởng cam kết phối hợp, tập trung cho các giải pháp khoa học - công nghệ, tổ chức chỉ đạo sản xuất và thị trường. Đương nhiên, với một nền sản xuất 8,6 triệu hộ không thể trong một năm có thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Nhưng rõ ràng lộ trình mà các bộ trưởng đưa ra đang đi đúng tinh thần nêu trong Nghị quyết của QH, đó là tái cơ cấu từng ngành. Trong đó, ngành nông nghiệp phải đi đúng hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hướng đến toàn cầu, khắc phục được những tồn tại của giai đoạn trước đây.