Không thể kiểm soát được “kinh tế ngầm”

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp sẽ không thể kiểm soát được. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách của Quốc hội bởi tất cả đều dựa vào GDP để tính và điều này có thể gây những bất ổn.

Không thể kiểm soát được

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương điều chỉnh quy mô của nền kinh tế của Chính phủ, trong đó bao gồm cả khu vực kinh tế chưa được quan sát?

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.

Ông Bùi Trinh: Khu vực chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế chưa định hình, hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản chưa cập nhật.

Tôi lấy một ví dụ: Doanh nghiệp luôn có 2 loại báo cáo là báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa hai báo cáo này được coi là kinh tế ngầm. Loại hình này rõ ràng không thể thống kê được, nên không có nước nào tính vào quy mô GDP. Đối với hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm buôn lậu, mại dâm, ma túy, ở các nước đều có thống kê nhưng một số nước không tính vào GDP. Hơn nữa, ở nước ta đây là những hoạt động không thuộc phạm trù sản xuất, vì vậy càng không thể đưa vào để tính toán GDP.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, nếu tính đúng phương pháp của thống kê Liên Hợp Quốc thì quy mô của nền kinh tế hiện tại đã bao gồm một phần khu vực kinh tế chưa được quan sát. Vì GDP được tính theo phương pháp chi tiêu cuối cùng, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi mua các hàng hóa cuối cùng cộng chi tiêu dùng của Chính phủ cộng với tích lũy tài sản cộng chênh lệch xuất nhập khẩu.

Vậy thì dù họ ở khu vực kinh tế nào cũng phải chi tiêu cho nhu cầu của mình. Thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án điều tra kinh tế về tự sản, tự tiêu của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được tính vào GDP. Nếu giờ tính lại chẳng khác nào phủ nhận tất cả những kết quả điều tra, thống kê những năm vừa qua?

Theo ông, việc tính toán các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ gặp những khó khăn gì?

Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát rất phức tạp, đặc biệt là thành tố kinh tế ngầm sẽ không thể kiểm soát được. Ngay cả  Mỹ, nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng khó khăn trong việc kiểm soát khu vực này. Vì vậy, họ cũng không tính khu vực này vào quy mô GDP mà chỉ thực hiện điều tra tại một vài năm nào đó.

Con số thống kê không chính xác sẽ kéo theo hàng loạt các chính sách bị sai lệch. Hơn nữa, nếu điều chỉnh quy mô GDP theo hướng cộng thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát thì phải điều chỉnh tỷ lệ nợ công, bội chi, cùng với hàng loạt các quyết sách, chính sách của Quốc hội bởi vì tất cả đều dựa vào GDP để tính. Điều này cực kỳ khó khăn và gây bất ổn.

Nguy cơ mất cân đối rất lớn

Nếu điều chỉnh quy mô GDP như vậy sẽ đem đến những rủi ro gì cho nền kinh tế, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, để thống kê được khu vực kinh tế chưa được kiểm soát này rất khó khăn, thậm chí kinh tế ngầm không thể tính được, khi đưa vào GDP để quy mô GDP tăng lên, lúc đó tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP sẽ còn rất nhỏ. Dù có tính thêm vào GDP thì ngân sách cũng khó có thể thu được từ khu vực này, như vậy dẫn đến không kiểm soát được nợ công và bội chi.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công giai đoạn 2015 - 2017 và kế hoạch 2018 cho thấy, tăng trưởng GDP bình quân 2015 - 2018 theo giá so sánh là 6,6%, tăng trưởng bình quân về nợ công vùng theo giá so sánh là 8,1%. Bội chi ngân sách năm 2017 tính theo phương pháp mới (không bao gồm trả nợ gốc) so với GDP là 3,48% nhưng tính lại theo phương pháp cũ tỷ lệ này là 6,43%. Thực hiện chương trình triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Tài chính đặt ra kế hoạch bội chi theo phương pháp mới là 3,7% GDP, như vậy bội chi theo phương pháp cũ sẽ là 6,6% GDP.

Tốc độ tăng trưởng bội chi bao gồm trả nợ gốc bình quân giai đoạn 2015 đến 2018 là 8,4% cao hơn tăng trưởng GDP bình quân 1,8 điểm phần trăm. Nếu cộng thêm khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP thì tỷ lệ bội chi theo cách mới chỉ khoảng 2,8% GDP. Để đạt được bội chi theo kế hoạch là 3,7% GDP đồng nghĩa với việc được chi ra thêm khoảng 61.000 tỷ đồng và nợ cũng tăng lên đáng kể, trong khi nguồn trả nợ thực chất không phải từ con số GDP mà từ nguồn thu ngân sách. Từ đó dẫn đến nguy cơ mất cân đối rất lớn của nền kinh tế cũng như khả năng trả nợ.

Theo ông, nếu phải điều chỉnh quy mô GDP sát với hoạt động kinh tế thì cần lưu ý điều gì để có được kết quả chính xác?

Cần thay đổi phương pháp thống kê theo đúng phương pháp của Liên Hợp Quốc là tính GDP dựa trên tổng cầu cuối cùng tức là GDP cần được tính trực tiếp bằng phương pháp chi tiêu cuối cùng. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn tính GDP dựa trên tổng cung mà tăng trưởng tính từ cầu và tăng trưởng từ cung có khoảng cách chênh lệch rất lớn.

Song song với đó, phải hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ ngầm, ngăn chặn nạn tham nhũng, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ hiện nay. Bởi nguồn gốc của kinh tế ngầm phần nhiều là do tham nhũng, tiêu cực.

Xin cảm ơn ông!