Kiểm soát rủi ro cho vay dự án BOT?

Theo baocongthuong.com.vn

Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lên tiếng cảnh báo tăng cường kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng, chuyển giao).

Cần kiểm soát chặt cho vay dự án BOT, BT.
Cần kiểm soát chặt cho vay dự án BOT, BT.

Rủi ro hiện hữu

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính chung các dự án đã vận hành và đang đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2015, các ngân hàng đã cho vay tổng số 171.520 tỷ đồng, chiếm trên 87% phần vốn BOT của các dự án này.

BIDV, Vietinbank, SHB, Vietcombank là những ngân hàng đi đầu trong rót vốn vào dự án BOT. Những khoản tín dụng khổng lồ có thể kể đến như 40.863 tỷ đồng chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Vietcombank cho Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; 10.894 tỷ đồng từ các ngân hàng BIDV, Vietinbank, TPBank cho Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; 6.467 tỷ đồng từ Vietinbank là đối tác tài trợ chính cho Dự án Nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; 2.158 tỷ đồng từ Vietcombank, Vietinbank, LienViet Post Bank cho Dự án quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Giang…

Vì phần lớn nguồn vốn thực hiện các dự án BOT được vay ngân hàng nên áp lực trả nợ của doanh nghiệp rất lớn. Áp lực này cũng sẽ được “chuyển giao” tới người dân thông qua việc tận thu phí với mức cao ngất ngưởng.

Trước kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về những mức phí qua các trạm BOT quá cao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án giảm mức phí từ 10-20% tại nhiều trạm.

Giảm phí thì người dân, doanh nghiệp vận tải mừng nhưng chủ đầu tư dự án và các ngân hàng đứng sau cho vay tiền lại thấp thỏm bởi số thu không được như tính toán sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay; ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro khi thu hồi nợ.

Giám sát bảo đảm an toàn tín dụng

Thực tế cho thấy, việc cho vay đối với các dự án BOT không chỉ có thể gặp rủi ro về hoạt động, tín dụng mà còn ở thanh khoản đối với nhiều ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, nếu không thẩm định kỹ thì sẽ dễ vướng vào những dự án kém hiệu quả, chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính nên khó có khả năng thu hồi vốn.

Đặc biệt, vì thời gian cho vay các dự án BOT thường kéo dài, khoản vay lớn trong khi dòng tiền trả nợ ổn định phải mất từ 5-7 năm sau khi đầu tư nên việc bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn nếu tập trung cho vay BOT mà không tính toán kỹ.

Trong vòng một năm trở lại đây, cấp tín dụng cho BOT đã được liệt vào nhóm cần được xem xét cẩn trọng và không khuyến khích. Nhà điều hành đã hai lần có chỉ đạo về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Cuối tháng 8/2016, một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát đi thông điệp này với các tổ chức tín dụng nhằm giám sát và cảnh báo từ xa để bảo đảm an toàn tín dụng khi cho vay lĩnh vực này.

Theo đó, tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5/8/2016 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, “các tổ chức tín dụng cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn”- Ngân hàng Nhà nước lưu ý.