Kinh nghiệm quốc tế về mô hình PPP: 6 thách thức

Theo daibieunhandan.vn

Bên cạnh những lợi ích ưu việt so với các hình thức khác, cơ chế PPP cũng ẩn chứa thách thức không nhỏ, đòi hỏi các bên phải lưu tâm trong quá trình áp dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chi phí cao hơn

Chi phí cao hơn ở đây có thể là các khoản vay đối với khu vực tư nhân sẽ có lãi suất cao hơn so với Nhà nước đi vay trong các mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí cho việc tổ chức quá trình đấu thầu và đàm phán hợp đồng, trả các công ty tư vấn pháp lý cũng có thể khiến chi phí áp dụng cơ chế PPP cao hơn.

Trong khi đó, chi phí cao hơn được nhìn nhận dưới một góc độ khác: Khi đặt ra mức phí cho việc sử dụng một dịch vụ do Nhà nước cung cấp (phí sử dụng một con đường, một cây cầu…), nhiều trường hợp Nhà nước “quên” không tính toán tới chi phí hành chính, khấu hao công trình hoặc đơn giản là có những khoản trợ cấp bù đắp cho những chi phí đó.

Trong khi, việc áp phí trong cơ chế PPP đòi hỏi phải bao hàm tất cả các loại chi phí có liên quan (cộng với tính toán về lợi nhuận các khoản đầu tư của đối tác tư nhân). Điều này dẫn tới việc người sử dụng dịch vụ sẽ phải trả mức phí cao hơn so với sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi riêng Nhà nước.

Minh chứng cho điều này là trong giai đoạn 1987 - 1995, Mexico đã triển khai 52 dự án đường bộ theo phương thức PPP và mỗi dự án có một con đường không thu phí chạy song song. Tổng số vốn tư nhân cam kết lên đến 9,9 tỷ USD.

Kết quả của quá trình thực hiện là vốn đầu tư đã tăng trung bình 25% so với dự toán, trong khi nguồn thu phí thấp hơn dự báo 30% (chỉ 5 dự án có nguồn thu bằng hoặc cao hơn dự báo). Hậu quả của nó là phí đã tăng từ 2 cent/km lên 17 cent/km. Chính phủ Mexico đã phải thu hồi 23 dự án và trả các ngân hàng Mexico gần 5 tỷ USD và các công ty xây dựng khoảng 2,6 tỷ USD.

Giảm tính cạnh tranh

Các tiêu chuẩn cao khi lựa chọn đơn vị/nhà đầu tư tư nhân, chi phí giao dịch và đấu thầu cao cùng với việc phải ký hợp đồng dài hạn là những yếu tố cần thiết để tham gia cơ chế PPP; và không phải đơn vị/nhà đầu tư tư nhân nào cũng có thể đáp ứng được.

Điều này có thể gây ra hai hậu quả: Trước hết, thu hẹp sự lựa chọn đối tác tư nhân của Nhà nước; thứ hai, tạo ra thị trường độc quyền, ít sức ép cạnh tranh để các đối tác tư nhân được lựa chọn phấn đấu để giảm chi phí hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Rủi ro chính trị

Cơ chế PPP đòi hỏi cả Nhà nước và tư nhân đều phải có năng lực đủ mạnh về PPP; song trong rất nhiều trường hợp, một hoặc cả hai bên đều không đủ năng lực. Giới chuyên gia cho rằng, sự kết hợp của một chính quyền thiếu năng lực, kinh nghiệm và một đối tác tư nhân không quen thuộc với PPP có thể dẫn tới những rủi ro về mặt chính trị (cho chính quyền).

Trong khi đó, việc mô hình PPP phụ thuộc quá nhiều vào chuyên gia tư vấn bên ngoài có thể dẫn tới rủi ro là cả Nhà nước và tư nhân không học hỏi được gì qua quá trình triển khai dự án. Đến khi chuyên gia rời đi thì “chữ thầy lại trả cho thầy”.

Thách thức từ “quyền kiểm soát”

Bản chất của cơ chế PPP chính là việc chia sẻ rủi ro, lợi ích và quyền quyết định giữa các bên. Đối tác tư nhân với việc đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực… cũng có tiếng nói quan trọng trong việc xác định ai sẽ là người nắm quyền cung cấp dịch vụ (sau khi dự án PPP hoàn thành). Có nhiều quan ngại cho rằng, quá trình hợp tác sẽ làm nảy sinh vấn đề tranh giành quyền kiểm soát, vì vậy vấn đề này nên được làm rõ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hợp tác.

Tính minh bạch thấp

Một trong những vấn đề gây quan ngại khi áp dụng hình thức PPP là tính minh bạch của dự án PPP có thể không cao như dự án do Nhà nước triển khai. Lý do được nêu ra là do tiếp cận với thông tin của đối tác tư nhân rất khó khăn, đặc biệt là những thông tin tài chính, thương mại - được coi là bí mật kinh doanh của các công ty/tập đoàn.

Ngoài ra, việc đánh giá toàn bộ dự án cũng sẽ khó khăn vì những lý do tương tự, cộng thêm nguồn thông tin, dữ liệu do nhiều nguồn nắm giữ, công chúng khó có thể kiểm tra được. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các dự án PPP thấp có thể dẫn tới việc công chúng chỉ trích sự hợp tác của Nhà nước với tư nhân và yêu cầu Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của cộng đồng.

Thời gian dài hơn dự kiến

Quá trình đàm phán và đấu thầu đối với các dự án PPP thường kéo dài và phức tạp hơn so với các phương thức truyền thống. Mặt khác, do bản chất phức tạp và thời gian dài hạn của bản hợp đồng giữa Nhà nước và tư nhân, bất kỳ mâu thuẫn, tranh chấp hoặc thay đổi nào xảy ra cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết hoặc đàm phán lại.