Kinh nghiệm quốc tế về mô hình PPP: Chia sẻ lợi ích và rủi ro

Theo daibieunhandan.vn

Được coi là “cây đũa thần” trong huy động đầu tư vào nhiều công trình, kết cấu hạ tầng giao thông của quốc gia, mô hình Đối tác công - tư (PPP) đang được nhiều nước áp dụng và thành công đáng kể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

PPP là gì?

PPP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Public - Private - Partnership, tiếng Việt có nghĩa là Đối tác công - tư. Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên ở Mỹ từ những năm 1950. Sau đó dần phổ biến ở nhiều nước và được hiểu là sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cho một dự án nào đó.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình hợp tác công - tư, nhưng phổ biến nhất là nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong xây dựng cơ sở hạ tầng hay cung cấp dịch vụ công nào đó.

Các hình thức PPP

Giữa hai thái cực nhà nước hay tư nhân đứng ra làm toàn bộ, các hình thức còn lại, dù ít hay nhiều đều có sự tham gia của cả hai khu vực. Có năm hình thức hợp tác công - tư phổ biến trên thế giới:

Thứ nhất, nhượng quyền khai thác (Franchise) là hình thức mà theo đó cơ sở hạ tầng được nhà nước xây dựng và sở hữu nhưng giao (thường là thông qua đấu giá) cho tư nhân vận hành và khai thác.

Thứ hai, trái ngược với mô hình nhượng quyền khai thác, ở mô hình thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành (Design - Build - Finance - Operate hay DBFO), khu vực tư nhân sẽ đứng ra xây dựng, tài trợ và vận hành công trình nhưng nó vẫn thuộc sở hữu nhà nước.

Thứ ba, xây dựng - vận hành - chuyển giao (Build - Operate - Transfer hay BOT) là mô hình mà ở đó công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng và vận hành công trình trong một thời gian nhất định sau đó chuyển giao toàn bộ cho nhà nước.

Thứ tư, khác biệt một chút với mô hình BOT, trong mô hình xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO), quyền sở hữu được chuyển giao ngay cho nhà nước sau khi xây dựng xong, nhưng công ty thực hiện dự án vẫn giữ quyền khai thác công trình.

Cuối cùng là phương thức xây dựng - sở hữu - vận hành (Build - Own - Operate hay BOO), công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành nó.

Những điểm ưu việt

Theo phân tích của Ngân hàng Phát triển châu Á, ba động cơ để áp dụng mô hình PPP là thu hút vốn đầu tư tư nhân, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực có sẵn, và tạo ra động cơ cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình.

Nhìn từ góc độ nhà nước, ưu điểm lớn nhất của hợp tác công - tư là giảm gánh nặng cũng như rủi ro đối với ngân sách. Ví dụ, đối với một dự án BOT, các nhà đầu tư tư nhân phải chịu hoàn toàn gánh nặng tài chính cũng như rủi ro về vận hành.

Hơn thế, mô hình PPP giúp giải quyết được vấn đề kém hiệu quả. Vì mục tiêu lợi nhuận nên các nhà đầu tư tư nhân phải tìm cách để dự án được vận hành hiệu quả hơn. Thêm vào đó, với việc tham gia của khu vực tư nhân, sự sáng tạo, trách nhiệm giải trình cũng như sự minh bạch có khả năng sẽ được cải thiện.

Với những ưu điểm không thể phủ nhận nói trên, PPP đang là một trong những mô hình ưu việt để huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng hay cung cấp dịch vụ công.

PPP và tư nhân hóa có những điểm khác biệt cơ bản. Về trách nhiệm, trong tư nhân hóa, trách nhiệm cung cấp và hỗ trợ tài chính cho một dịch vụ cụ thể nào đó do khu vực tư; trong khi đó, theo cơ chế PPP, trách nhiệm cung cấp dịch vụ hoàn toàn thuộc về khu vực công. Về sở hữu, trong tư nhân hóa, quyền sở hữu được nhà nước bán cho khu vực tư nhân cùng với những quyền lợi và chi phí, song cơ chế PPP vẫn có thể tiếp tục duy trì quyền sở hữu của nhà nước.

 

Về bản chất của dịch vụ, khi tư nhân hóa, các nhà cung cấp tư nhân sẽ quyết định phạm vi và phương thức cung cấp dịch vụ, trong khi dưới hình thức PPP, những vấn đề này được cả hai bên (nhà nước và tư nhân) quyết định thông qua hợp đồng. Về rủi ro và lợi ích, nếu là tư nhân hóa, khu vực tư nhân phải chịu hoàn toàn rủi ro, trong khi với cơ chế PPP, nhà nước và tư nhân sẽ cùng chia sẻ cả rủi ro và lợi ích.