Kinh tế hộ gia đình nông thôn chưa bền vững

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại khu vực nông thôn, nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập thiết yếu, mặc dù xu thế di cư tìm việc làm bên ngoài hộ gia đình ngày càng tăng; tỷ trọng các hộ trồng trọt tiếp tục giảm dần trong khi hoạt động chăn nuôi của các hộ dân chưa gắn chặt với thị trường; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và ngay trong một địa phương ngày càng sâu sắc… Đây là những kết luận chính được đưa ra trong Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam năm 2012 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với một số đơn vị điều tra tại 3.700 hộ dân của 12 tỉnh trải đều cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp

Là nước có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc top thấp nhất thế giới, trung bình 0,3ha/người trong bối cảnh 70% dân số sống ở nông thôn, đa số làm nông nghiệp đã làm cho nền sản xuất nông nghiệp của nước ta nhỏ lẻ, manh mún. Điều tra của CIEM cho thấy, các hộ dân ở các tỉnh phía Bắc thì ít ruộng đất hơn các tỉnh phía Nam, hoạt động trao đổi, buôn bán đất đai cũng trầm lắng hơn. Việc diện tích các thửa đất nhỏ làm cho khả năng đưa máy móc vào đồng ruộng và sản xuất hàng hóa khó khăn. Mặt khác, các mảnh đất đã được cấp Sổ đỏ thì được người dân đầu tư tốt hơn, đặc biệt là đầu tư hệ thống tưới tiêu.

Các hộ dân trồng trọt tiếp tục giảm 3% trong năm 2012 so với năm 2010. Báo cáo chỉ ra rằng, hộ dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc có mức độ thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp thấp hơn các tỉnh phía Nam. Các hộ dân ở miền núi phía Bắc chủ yếu bán các sản phẩm nông nghiệp cho các hộ dân và để sử dụng trong gia đình trong khi các hộ phía Nam thì bán các sản phẩm nông nghiệp cho thương lái và các doanh nghiệp tư nhân. Thống kê cho thấy, 38% sản phẩm trồng trọt và khoảng ½ sản phẩm chăn nuôi được giao dịch. Trong đó, tỷ lệ giao dịch sản phẩm của các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, và Điện Biên rất thấp, chỉ khoảng ¼ số sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra. Sản xuất manh mún, số lượng ít, giao thông khó khăn, hệ thống thu mua, chế biến nông sản chưa phát triển là nguyên nhân chính khiến cho quá trình thương mại hóa trồng trọt và chăn nuôi khu vực nông thôn gặp khó.

Theo Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) Lưu Đức Khải, việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho trồng trọt và chăn nuôi như giống cây trồng vật nuôi, bảo hiểm nông nghiệp, vốn và kỹ thuật sản xuất của các hộ dân được khảo sát còn hạn chế. Đa số hộ dân sử dụng vốn tự có cho quá trình sản xuất. Đối với đầu ra của sản phẩm, việc thiếu thông tin về giá cả thị trường, thiếu khả năng sơ chế và kho bãi bảo quản sản phẩm, chi phí vận chuyển cao là những tồn tại chung trong sản xuất nông nghiệp của các hộ dân. Vì vậy, chất lượng sản phẩm, giá bán cũng như lợi nhuận của các hộ sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn thấp.

Các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam đa số làm nông nghiệp với một nền sản xuất manh mún nên gặp nhiều rủi ro. Theo Báo cáo của CIEM, giá trị thiệt hại trung bình trong 1 năm của các hộ là khoảng 8 triệu đồng. Trong đó, các hộ nghèo, hộ thuần sản xuất nông nghiệp thì gặp rủi ro nhiều hơn và gặp thiệt hại nặng nề hơn so với các hộ khác. Những rủi ro đến từ thiên tai, dịch bệnh là rủi ro phổ biến nhất. Điều này góp phần tạo ra sự bấp bênh trong thu nhập của các hộ gia đình nông thôn. Trong khi, các hoạt động kinh doanh cá thể ở khu vực nông thôn không đóng góp được nhiều cho cầu lao động địa phương và thu nhập ở khu vực nông thôn. 

Xu hướng di cư trong nước gia tăng

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm ở các ngành công nghiệp và dịch vụ đã kéo theo sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp dịch vụ, các đô thị. Báo cáo của CIEM cho thấy, gần 20% số hộ gia đình được khảo sát cho biết, có ít nhất 1 thành viên trong gia đình di cư. Chênh lệch về số người di cư ở các tỉnh rất lớn, tại Nghệ An 46% số hộ được khảo sát có người di cư khỏi gia đình. Trong số các hộ gia đình có người di cư, 47% trong số đó là di cư đi lao động, 42% di cư đi học tập và 16% di cư vì kết hôn. Như vậy, đa số hoạt động di cư là để tìm kiếm công việc, cải thiện thu nhập. Số người di cư thường là thanh niên, độc thân và có trình độ học vấn cao hơn trình độ học vấn trung bình của địa phương. Xu thế dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn đến các khu đô thị, khu công nghiệp là một trong các nguyên nhân làm cho tình trạng bỏ hoang ruộng đất tại một số vùng nông thôn đang gia tăng.

Đối với đa số các hộ gia đình ở nông thôn, thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu quan trọng, mặc dù thu nhập từ tiền lương/tiền công lao động ngày càng gia tăng. Những người di cư thuộc các gia đình được khảo sát có thu nhập trung bình 43 triệu/năm. Khoảng ¼ số hộ dân có người di cư nhận được tiền từ các thành viên di cư. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mức thu nhập trung bình của người di cư là 43 triệu đồng/tháng là thấp. Vì vậy, nguồn thu nhập này chủ yếu để sử dụng cho tiêu dùng, nuôi người thân học hành chứ không đủ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, với tỷ lệ 63% số người di cư trong mẫu điều tra chưa từng được học bất cứ nghề nghiệp chuyên môn nào, xu hướng di cư này có thể làm nghèo thêm và tạo ra gánh nặng cho các đô thị. Việc di cư chưa phải là cứu cánh cho phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình nông thôn!

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng kinh tế hộ gia đình khu vực nông thôn còn thấp và chưa bền vững, cần sửa đổi chỉnh sách đất đai làm sao hạn chế sự manh mún, có cơ chế tích tụ ruộng đất cho một số người dân sử dụng hiệu quả ruộng đất. Mặt khác, Nhà nước cần xem lại nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp theo hướng tăng cường các nguồn lực phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp thông qua đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đường xá. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhà nước trong phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn, Viện trưởng Viện CIEM Trần Xuân Bá cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng bảo hiểm nông nghiệp; phát triển thị trường đất đai ở nông thôn, khi người dân có thể mua bán ruộng đất dễ dàng hơn thì đất sẽ được dùng hiệu quả hơn.