Làm đẹp nợ xấu

Theo tienphong.vn

(Tài chính) Một lần nữa nợ xấu đích thực của ngân hàng lại làm nóng dư luận khi tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ít nhất phải ở mức 15%.

Nợ xấu muốn xóa phải… mất tiền. Nguồn: internet
Nợ xấu muốn xóa phải… mất tiền. Nguồn: internet

Lời “tố” nợ xấu cao của Moody’s nhanh chóng được dập tắt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 9%”. Câu chuyện là vậy. Nợ xấu hiện vẫn chưa được tính đầy đủ. Bản chất thật của nợ xấu vẫn chưa bộc lộ.

Chuyện “đôi co” con số nợ xấu bao nhiêu, khó hay dễ xử lý nợ xấu đã nhiều lần diễn ra. Tranh cãi vẫn diễn ra nhưng câu hỏi quan trọng nhất, xử lý triệt để được không, bao giờ thì mới xong vẫn chưa có lời giải cuối.

Cảnh báo nợ xấu sẽ chỉ xấu thêm vẫn được lặp đi lặp lại khi các tổ chức vẫn loay hoay xử lý. Để đối phó, nhiều tổ chức tín dụng dùng chiêu giấu nợ xấu, biến báo số liệu.

Nợ xấu nguy hiểm là điều được đích thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần khẳng định. Hồi tháng 8/2012, khi trả lời chất vấn về nợ xấu, người đứng đầu NHNN cho biết, khi thanh tra 9 tổ chức trong đề án tái cơ cấu, NHNN phát hiện có tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, 60%, thậm chí một số tổ chức còn lỗ đến mức âm vốn điều lệ.

Hai trường phái, hai quan điểm về xử lý nợ xấu đã xuất hiện. Không ít chuyên gia khẳng định, sạch đẹp sổ sách không để làm gì khi bản chất vấn đề không thay đổi. Những cơ chế đặc thù giúp gánh nặng nợ xấu được tạm thời gác lại.

Lúc này, nợ xấu giống như một món đồ cổ tạm thời chưa có người mua. Ở trường phái khác, chuyên gia quốc tế cũng tán đồng, nợ xấu muốn xóa phải… mất tiền. Nhưng tiền đau con xót.

Xử lý nợ xấu càng trở nên hết sức khó khăn bởi ngay cả số liệu về nợ xấu cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Cựu lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn khẳng định, nợ xấu hiện chưa phản ánh đúng sự thật do bị biến đổi bản chất.

Sự trung thực của nợ xấu một khi đã được “làm đẹp” bằng nhiều hình thức khác nhau khiến việc xử lý càng khó khăn hơn. Nhẹ tay xử lý là điều dễ hiểu. Sẽ rất đau đớn khi ngân hàng phải “cấu thịt” của mình để quyết bán những khoản nợ, những tài sản thế chấp đã được thổi phồng giá trị gấp 2 - 3 lần trước đó.

Cục máu đông sẽ không thể tan chừng nào bóng ma lợi ích nhóm, đám mây sở hữu chéo chưa được dẹp bỏ, sự minh bạch trong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế khắt khe vẫn chưa được áp dụng. Cùng đó, việc số liệu nợ xấu nhảy múa, không chính xác, kéo theo các biện pháp xử lý đưa ra dễ rơi vào tình trạng “quăng lưới” mò cá.

Điểm nghẽn chính trong xử lý nợ xấu cũng đã được chỉ ra, cơ quan quản lý cũng đã nhìn thấy. Nhưng chính sách không thể vượt qua được thực tế. Có công ty mua bán nợ xấu là điều tốt, nhưng cần hơn là khi chúng ta phải có cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ.

Các khoản nợ chỉ chuyển từ tay người này sang tay người khác thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Thậm chí đây còn là nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng khác.