Lấp khoảng trống trong Luật Kiểm toán Nhà nước

Theo Hoàng Anh/daibieunhandan.vn

Những ý kiến tâm huyết của chuyên gia kinh tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh phía Nam tại hội thảo “Rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/4 đã làm rõ hơn vướng mắc của luật hiện hành và đưa ra nhiều giải pháp nhằm lấp những khoảng trống pháp lý khi tiến hành sửa đổi, bổ sung luật này.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Mở rộng đối tượng kiểm toán 

Khắc phục quy định hiện hành chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán là đề tài nhiều đại biểu quan tâm. PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trước mắt, cần có sự thống nhất trong cách hiểu về “việc quản lý, sử dụng”. Đây là công việc của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. “Việc quản lý” cần phải hiểu là tất cả các hoạt động, từ tạo dựng cơ chế chính sách, tổ chức huy động, phân bổ và bảo đảm an toàn mọi nguồn lực tài chính, tài sản công.

“Việc sử dụng” cần phải hiểu là dùng tài chính, tài sản cho những mục đích cụ thể và đem lại những kết quả nhất định về chính trị, kinh tế hoặc xã hội. “Hiểu như vậy để khẳng định tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của KTNN”, ông Thanh bày tỏ. 

Về vấn đề tài sản công, ông Thanh cho rằng, đối tượng của KTNN chính là tài sản nhà nước, trong đó có toàn bộ vốn bằng tiền (theo nghĩa rộng) hay còn gọi là ngân quỹ nhà nước; tài sản là tài nguyên, khoáng sản của đất nước; các di sản vật thể, phi vật thể; những tài sản được sản xuất ra bằng nguồn vốn nhà nước, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

“Kể càng chi tiết thì càng không bao trùm và dễ bỏ sót”, ông Thanh lưu ý. Theo đó, cần phân biệt tài sản quốc gia, tài sản nhà nước, tài sản của công đồng dân cư, tài sản của tập thể. Đối tượng của KTNN chỉ bao gồm tài sản nhà nước. Đó là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Cần có quy định bao quát các đối tượng kiểm toán là các tổ chức, cá nhân  quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có ngân quỹ nhà nước. Về tài chính công, một số nội dung quy định tại Điều 3 Luật KTNN cần được cân nhắc lại cho chuẩn xác, theo đúng nghĩa của tài chính nhà nước, một bộ phận cấu thành quan trọng của tài chính quốc gia.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Lê Minh Nam cho rằng cần, bổ sung căn cứ, cơ sở xác định đơn vị được kiểm toán là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Nếu đưa quy định cụ thể vào Luật dẫn đến phải bổ sung nhiều, điều khoản và không đủ bao quát thì KTNN có thể đề nghị chỉnh sửa theo hướng Luật quy định một số nội dung cơ bản, nguyên tắc và đề xuất giao quyền cho Tổng KTNN quyết định đối tượng kiểm toán, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp chuyên môn và hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán phù hợp với quy định của pháp luật thông qua một văn bản quy phạm dưới Luật.

Có chế tài nếu không thực hiện kết luận kiểm toán

Thời gian qua, khi KTNN tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, không ít các đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không cung cấp tài liệu, gây khó khăn.

Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhưng việc thực hiện kiến nghị của KTNN còn hạn chế, chưa kịp thời.

Trước thực tế này, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung vào Luật KTNN năm 2015 quy định chế tài xử lý những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đề xuất: “Cần quy định chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh các chủ thể không thực hiện trách nhiệm phối hợp và chấp hành báo cáo kết quả kiểm toán; quy định bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính của cán bộ, công chức và cơ quan KTNN đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh”.