Lập lại trật tự tại các trạm BOT

Theo LÊ HÒA/baokiemtoannhanuoc.vn

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhưng trong năm 2017, tình hình căng thẳng tại một số trạm BOT giao thông (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vẫn tiếp tục gia tăng. Thời gian tới, việc rà soát tổng thể các dự án để sớm ổn định lại trật tự tại các trạm BOT trên cả nước sẽ được Bộ GTVT quan tâm đặt lên hàng đầu.

Từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2017, tại một số trạm BOT, tình hình mất an ninh trật tự trở nên phức tạp.
Từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2017, tại một số trạm BOT, tình hình mất an ninh trật tự trở nên phức tạp.
Khắc phục bất cập BOT giao thông
Theo đánh giá của Bộ GTVT, bên cạnh một số kết quả đạt được trong công tác quản lý vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, đầu tư hạ tầng… trong năm 2017, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý một số bất cập tại các trạm BOT trên cả nước, đặc biệt là công tác quyết toán các dự án BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2017, Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán cơ bản được 55 dự án BOT, BT, thông qua đó xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình. Đặc biệt, đối với các công trình BOT giao thông, giá trị quyết toán là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã xem xét, chấp thuận giảm giá theo thẩm quyền cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 46/51 dự án BOT giao thông, đang đàm phán để xử lý 5 dự án còn lại. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng về đối tượng và mức giảm, Bộ đã giảm giá các xe loại 4 và loại 5 (là những xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án; 27 dự án có mức giá thấp hơn mức trung bình không cần giảm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án theo hình thức BOT đã có một số bất cập. Từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2017, tại một số trạm BOT, tình hình mất an ninh trật tự trở nên phức tạp như: Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Trảng Bom - Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)… Đến nay, một số tài xế phản ứng ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu phí của dự án khác, kể cả các dự án không đầu tư xây dựng tuyến tránh như trạm: Cần Thơ - Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Sông Phan (tỉnh Bình Thuận)... 
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT chưa hoàn chỉnh, việc lựa chọn vị trí đặt trạm còn bất cập, chất lượng đường của các dự án BOT chưa tốt, tâm lý chưa sẵn sàng cho việc trả phí sử dụng đường bộ của người dân... Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là do sự xuất hiện của một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản ứng việc mua vé qua trạm và gây cản trở tài xế mua vé, đe dọa nhân viên bán vé.
Bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT
Để giải quyết thực trạng trên, năm 2018, Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát toàn bộ các trạm thu phí BOT, kịp thời xử lý các bất cập, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của DN, người dân.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ GTVT vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, việc đầu tư, quản lý, khai thác các dự án BOT thời gian qua có nhiều bất cập gây bức xúc trong xã hội. Nhiều nơi tạo thành điểm nóng gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như an ninh chính trị.
Khẳng định BOT là vấn đề lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát tổng thể, đồng bộ các dự án (tổng vốn đầu tư, giá vé, vị trí đặt trạm…) đảm bảo lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước; Đẩy nhanh lộ trình thu phí tự động không dừng giúp tăng năng lực thông qua các trạm, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và giám sát hiệu quả công tác thu giá. Đồng thời, các cơ quan thông tin, truyền thông vào cuộc, ủng hộ những cái đúng để lập lại trật tự tại các trạm BOT, đáp ứng yêu cầu phát triển của giao thông bằng nguồn lực xã hội hóa. 
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg về việc bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT. Công điện của Thủ tướng yêu cầu: cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết, có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật. 
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cung cấp cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu phí để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu phí; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.