Lối thoát cho ngân hàng nhỏ

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Nếu thương vụ UOB - GPBank diễn ra, có nghĩa là cơ quan chức năng đang ngầm cho phép nguồn vốn ngoại vào để xử lý các ngân hàng yếu kém.

 Lối thoát cho ngân hàng nhỏ
Việc xử lý ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước không đơn thuần chỉ là công cụ xử lý nợ VAMC. Nguồn: internet

Trong bối cảnh Chính phủ đang xem xét dự thảo cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở một số ngân hàng yếu kém, việc United Overseas Bank Limited (UOB) có động thái tìm hiểu sâu hơn Ngân hàng Thương mại Dầu Khí Toàn cầu (GPBank) một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ lần đầu tiên một tổ chức nước ngoài có thể kiểm soát hoàn toàn một ngân hàng nội địa. Nếu điều này diễn ra, có nghĩa là việc xử lý ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước không đơn thuần chỉ là công cụ xử lý nợ VAMC.

Những cuộc đổi chủ ở ngân hàng nhỏ

Là 1 trong 9 ngân hàng được xác định là yếu kém trong đợt đầu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, GPBank hiện vẫn chưa có động thái nào ngoài thông tin ngân hàng này đang chờ Ngân hàng Nhà nước xét duyệt phương án tái cấu trúc bằng việc bán cổ phần cho UOB. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng còn lại đều đã hoặc đang thực hiện phương án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngoại trừ trường hợp của 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất được quy về một mối, những trường hợp còn lại đều có một đặc điểm chung là đổi chủ sở hữu thông qua mua bán và sáp nhập.

Chẳng hạn, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với sự xuất hiện của cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh. Hay HDBank mua lại Ngân hàng Đại Á. Còn Ngân hàng Phương Tây thì hợp nhất với Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) và trở thành PVCombank.

Riêng Navibank đi theo hướng tự mình tái cấu trúc. Hồi cuối tháng 11, Navibank đã đề nghị được đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân, hủy niêm yết và chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội. Gần đây, có thêm 2 thành viên trong Hội đồng Quản trị của ngân hàng này từ nhiệm.

Cũng có một số vụ đổi chủ diễn ra lặng lẽ hơn, dù không nằm trong nhóm 9 ngân hàng trên. Đặc điểm chung của những thương vụ này là phần lớn cổ phiếu ngân hàng do cá nhân nắm giữ. Chẳng hạn, ông Võ Quốc Thắng của Công ty Cổ phần Đồng Tâm được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của KienlongBank.

Hồi đầu tháng 12, Vietnam Airlines cũng đã bán hết hơn 24 triệu cổ phiếu của Techcombank cho 3 nhà đầu tư cá nhân. Hay như thương vụ Oversea Chinese Banking Corporation (OCBC) bán 14,88% vốn của VPBank cho 3 cá nhân. Trước đó, vào đầu năm 2013, cổ đông lớn của VPBank là Công ty Cổ phần Châu Thổ Sông Hồng cũng đã bán hết gần 15% cổ phần ở VPBank cho các cá nhân.

Hầu hết ngân hàng nhỏ thời kỳ hậu đổi chủ đều đang cố gắng thoát khỏi hình ảnh của chủ cũ. Ngày 10.12, Tienphong Bank đã rút gọn tên thành TPBank và logo mang màu sắc của FPT, cổ đông tổ chức sáng lập của Tienphong Bank, đã biến mất. Các thương vụ sáp nhập cũng lấy đi những thương hiệu lâu năm như TrustBank, Đại Á, Habubank, Phương Tây… Điều quan trọng là những ông chủ mới sẽ phải tiếp tục rót thêm vốn để ngân hàng xử lý nợ xấu và có kế hoạch phát triển mới dựa trên sự cộng hưởng giữa nền tảng sẵn có của mình và giá trị mà ngân hàng mang lại.

Có thể nói, sự thay đổi chủ sở hữu ở tất cả ngân hàng đều phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, vì đây là giai đoạn kiểm soát đặc biệt hệ thống ngân hàng. Điều này có nghĩa cơ quan này ngầm thừa nhận dòng vốn tư nhân là nguồn lực chủ yếu để xử lý các ngân hàng yếu kém, chứ không chỉ là VAMC.

Tuy vậy, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng các thương vụ đổi chủ của những cổ đông nội ở các ngân hàng hiện nay chỉ đơn giản là đổi chủ sở hữu chứ không hề làm thay đổi luật chơi trong hệ thống ngân hàng. Điều này chỉ giải quyết được vấn đề thanh khoản và trợ giúp ngân hàng phần nào trong ngắn hạn, còn về bản chất sở hữu chéo vẫn hiện hữu. Ví dụ, Tập đoàn Doji có thế mạnh về vàng kết hợp với TPBank (trong khi Ngân hàng Nhà nước đang cố tách bạch vàng ra khỏi ngân hàng), hay các doanh nghiệp bất động sản chi phối TrustBank, nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Điều mà TS. Kinh tế Lê Hồng Giang lo lắng là những cá nhân đang tăng cường sở hữu ở ngân hàng lấy đâu ra tiền để mua cổ phần. “Khó có thể tưởng tượng được họ có một lượng tiền mặt lớn. Như vậy hoặc họ phải huy động từ nguồn nào đó, hoặc phải bán tài sản của mình. Những thông tin như thế này, cơ quan chức năng chắc chắn phải biết”.

Cũng có thể cơ quan chức năng phải lờ đi xuất xứ của nguồn tiền để giúp những nhà đầu tư lớn có thể thoái vốn khỏi hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, những cổ đông này có thể vay tiền ở một ngân hàng khác bằng một thủ thuật nào đó và điều này càng làm gia tăng sở hữu chéo.

Nương nhờ nguồn lực ngoại

Sự hiện diện của sở hữu chéo thời hậu đổi chủ khiến người ta nghi ngại về các cổ đông nội ở các ngân hàng. Thay vào đó, cổ đông ngoại có thể là một sự lựa chọn để giải quyết vấn đề yếu kém nội tại của ngân hàng mà không làm trầm trọng thêm các mạng nhện sở hữu hiện có.

Chính vì lý do trên mà thương vụ UOB - GPBank nếu diễn ra sẽ trở nên rất đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Để vào được GPBank, UOB sẽ phải thoái hết vốn ở Ngân hàng Phương Nam, trừ khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách cho phép nhà đầu tư ngoại được quyền sở hữu 2 tổ chức tín dụng.

Xét về lợi ích, xem ra 20% ở GPBank sẽ không lớn bằng 20% ở Ngân hàng Phương Nam, trong khi nếu vào GPBank thì UOB sẽ phải chấp nhận bỏ vốn để xử lý nợ xấu và thâm hụt vốn chủ sở hữu ở ngân hàng này. Điều này có nghĩa khi quyết định vào GPBank, UOB phải được lợi nhiều hơn thế.

Chính vì vậy, thị trường đồn đoán rằng GPBank có thể sẽ là ngân hàng đầu tiên được phép bán cổ phần vượt mức trần quy định và UOB sẽ được nắm quyền kiểm soát. Một trong những lý do thúc đẩy khả năng thành công của thương vụ này là GPBank quá nhỏ, hầu như không ảnh hưởng gì đến thị trường.

Mặt khác, trong bản dự thảo về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, có một khoản mục quy định mức sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở các ngân hàng yếu kém có thể được nâng lên trong một số trường hợp đặc biệt và được Thủ tướng phê duyệt. Điều này có nghĩa, việc UOB mua lại lượng cổ phần chi phối GPBank là điều có thể xảy ra.

Cũng có một khả năng khác là GPBank sẽ không phải bán vượt trần sở hữu ngoại cho UOB mà sẽ được biến đổi lại thành ngân hàng 100% vốn nước người. Điều này có nghĩa UOB vẫn có thể giữ khoản đầu tư vào Phương Nam.

GPBank không phải là trường hợp duy nhất mà một tổ chức nước ngoài đặt vấn đề đầu tư lâu dài với ngân hàng nhỏ. Mối quan hệ giữa Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) với Fullerton Financial Holdings đang được đánh giá là rất tốt đẹp. Và trong khi một số ngân hàng khác đang phải chật vật tăng trưởng tín dụng thì dường như MDB là ngược lại.

Fullerton là công ty thuộc sở hữu 100% của tập đoàn tài chính Singapore Temasek. Năm 2010, Fullerton mua lại 15% cổ phần của MDB và nâng tỉ lệ sở hữu lên mức tối đa 20% vào năm 2011. Với sự tư vấn chiến lược của Fullerton, hàng loạt nhân sự chủ chốt của MDB đã được thay bằng người nước ngoài. Trong đó, Tổng Giám đốc MDB là ông Tay Han Chong, mang quốc tịch Singapore, chính thức lên nắm quyền từ tháng 11 năm ngoái. Điều thú vị là năm nay, tên của cổ đông chiến lược Fullerton đã được in trang trọng trên danh thiếp của MDB.

MDB hiện hoạt động dựa trên hai nền tảng truyền thống là cho vay nông nghiệp và cho vay cán bộ công nhân viên (chiếm 62% quy mô tín dụng). Hai mảng này có mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 lần lượt là 34% và 124%; còn tỉ lệ nợ xấu ở từng mảng là dưới 3% và 1%.

Ông Han Chong cho biết năm 2013, MDB đã chủ động làm sạch bảng cân đối kế toán bằng cách giảm tỉ trọng của những hoạt động có tỉ lệ nợ xấu cao và tăng cường những hoạt động có tỉ lệ nợ xấu thấp. Năm 2014, MDB sẽ mở rộng thêm đối tượng cho vay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương và hộ gia đình. “Có nhiều nền tảng hoạt động thì sẽ vững hơn là chỉ dựa vào hai nền tảng nói trên”, ông lý giải.

MDB có quy mô tín dụng và tài sản thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác trên thị trường. Nhưng xét về tính hiệu quả, các con số ở MDB rất đáng để các ngân hàng lớn hơn phải thèm muốn. Vì sao MDB lại tự tin mở rộng kinh doanh như vậy? Ông Han Chong cho biết MDB không cạnh tranh về lãi suất huy động với các ngân hàng khác. Đó là nhờ Ngân hàng có nguồn vốn mạnh và sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược Fullerton.

Được hỗ trợ về vốn đầu vào là một lợi thế lớn, đặc biệt đối với những ngân hàng nhỏ. Ngân hàng nhỏ, vì không có nhiều chi nhánh và mức độ nhận biết thương hiệu cao như ngân hàng lớn, nên thường sử dụng lãi suất làm công cụ cạnh tranh. Do đó, việc MDB vẫn có thể cạnh tranh tốt nhờ lực đỡ từ cổ đông ngoại đã cho thấy một điều: nguồn vốn ngoại là công cụ hỗ trợ quan trọng cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ.

Hiện tại, các cổ đông ngoại vẫn tìm cách gia tăng ảnh hưởng lên ngân hàng. Hồi tháng 10, Ngân hàng An Bình đã bổ sung 2 nhân sự cao cấp từ Maybank (Malaysia) vào vị trí Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển và Giám đốc Khối Quản lý rủi ro.

Dòng vốn ngoại vào ngân hàng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích hơn bao giờ hết. Sắp tới, sự thay đổi chủ sở hữu ở ngân hàng sẽ vẫn tiếp diễn vì hai lý do: nhu cầu tái cấu trúc ngân hàng yếu kém và áp lực từ việc thoái vốn khỏi ngành ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước.

Đây sẽ là cơ hội cho các cá nhân nội lẫn ngoại hoặc tổ chức muốn sở hữu ngân hàng. Đối với các nhà đầu tư trong nước, nếu “Ngân hàng Nhà nước đứng đằng sau cam kết sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ thì khoản đầu tư này là tương đối an toàn”, TS. Lê Hồng Giang nhận xét.

Nhưng đối với nhà đầu tư ngoại, họ sẽ không nhảy vào ngành ngân hàng nữa nếu các quy định kiểm soát chưa được nới lỏng. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Vietnam Capital Partners, đơn vị tư vấn cho nhiều ngân hàng, cho biết: “Nếu không được nắm quyền kiểm soát, rất khó để nhà đầu tư ngoại tham gia ngành ngân hàng, đặc biệt là ở những ngân hàng nhỏ”. Còn ông Han Chong, MDB, thì cho rằng cần nâng tỉ lệ giới hạn lên đến mức 51% vì nếu chỉ có 49% thì cổ đông ngoại chưa thể nắm quyền kiểm soát ở ngân hàng.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng tỉ lệ trên 30% hay trên dưới 50% là chưa xác định được. Điều này tùy thuộc vào dự thảo đang chờ Thủ tướng ký. Nhưng thương vụ UOB - GPBank rất có khả năng xảy ra. “Những ngân hàng thuộc diện yếu kém cần tái cấu trúc có thể được mua lại như là một trong những phương án xử lý cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước”, ông nói.

Theo thông tin mới nhất, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã xác định được thêm một vài ngân hàng yếu kém nữa. Và trong bối cảnh năng lực xử lý nợ xấu của VAMC có hạn, xem ra Ngân hàng Nhà nước sẽ phải nghĩ cách thu hút nguồn vốn ngoại nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng.