Nan giải tìm nhà đầu tư FDI bỏ trốn

PV.

Bên cạnh những đóng góp to lớn cho kinh tế Việt Nam của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn đàng hoàng thì thực tế cho thấy vẫn có không ít doanh nghiệp bỏ trốn, để lại nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế…, gây bức xúc trong dư luận.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Khốn đốn vì nhà đầu tư bỏ trốn

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2013, cả nước có 518 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vắng chủ với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD. Từ năm 2013 đến nay dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng chắn chắn số lượng cũng không ít.

Thực tế cho thấy, việc thu hút vốn FDI đang tồn tại nhiều bất cập như vốn ảo lớn, dự án tiến độ rùa bò, DN bỏ trốn, khiến người lao động bơ vơ, để lại khoản nợ khổng lồ cho cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội… 

Điển hình như Công ty TNHH Gmie (Bắc Ninh) ngừng hoạt động vào tháng 6/2015 khiến gần 440 công nhân bị đẩy ra đường. Công ty TNHH Tsoca ViNa (Khu công nghiệp Biên Hoà 2); Công ty TNHH Kỹ nghệ J&V (Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch)… nợ bảo hiểm đến hàng trăm triệu đồng triệu đồng.

Gửi trát tìm chủ đầu tư

Tình trạng doanh nghiệp nước ngoài vắng chủ, bỏ trốn vẫn còn khá phức tạp khi mà tình trạng Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh liên tục gửi “trát” tìm nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình như mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đã phát đi thông báo về việc tìm kiếm nhà đầu tư GNS Technology Co., Ltd. (Hàn Quốc) vì đã bỏ đi không dấu vết. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008 và cũng đã dừng hoạt động từ tháng 6/2013, song cho tới nay, các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án mà Công ty này đăng ký vẫn chưa được thực hiện. 

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cũng đang công bố tìm chủ đầu tư của hàng loạt dự án FDI như Công ty TNHH Vinabel (Bỉ); Nhà máy Fiber Goods (Hàn Quốc)...

Mới nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên thông báo tìm nhà đầu tư Dos-Tex Việt Nam (Tây Ban Nha) làm thủ tục chấm dứt dự án. Công ty này được cấp chứng nhận đầu tư năm 2009, tháng 11/2011, ngừng hoạt động và không còn khả năng trả nợ.

Được biết, hiện Sơn La cũng đang tìm Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật sinh vật Phú An Lệ chấm dứt hoạt động từ tháng 3/2015, khi chủ đầu tư tự rút cơ sở vật chất không tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Hà Tĩnh kiếm tìm Công ty cổ phần Sao Á đã ngừng hoạt động từ tháng 11/2014 và đến nay vẫn chưa thể liên lạc được với nhà đầu tư… Đồng Nai đang làm thủ tục thu hồi 26 dự án, năm 2015 đã thu hồi giấy phép 37 dự án.

Vẫn là bài toán khó

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua do tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều bất ổn nên đã có tác động rất lớn đến các DN FDI ở Việt Nam cũng như các công ty mẹ ở nước ngoài, dẫn tới việc có nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, do lâu nay chúng ta chỉ chú trọng chạy theo số lượng, thu hút vốn đầu tư mà chưa thực sự nghiên cứu, tìm hiểu năng lực thực chất của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay các chế tài xử phạt, ràng buộc, khống chế của Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể trói buộc trách nhiệm của DN đầu tư.

Do vậy, dù phát hiện ra khá nhiều DN FDI “bỏ trốn” nhưng việc xử lý các DN này thế nào lại đang khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Hiện nay, theo quy định, sau 90 ngày kể từ khi đăng tải thông tin, nhà đầu tư không liên lạc, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh sẽ làm thủ tục chấm dứt dự án theo quy định. 

Hiện nay, để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, các Sở Kế hoạch và Đầu tư khá mạnh tay chấm dứt dự án FDI ngưng hoạt động hoặc giải ngân chậm, không hiệu quả, cho thấy sự quyết liệt, giải quyết xoá bỏ dự án không hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ là không thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Tại hội thảo về Thuế và Bất bình đẳng diễn ra hôm 7/10/2016, các chuyên gia của Oxfam cũng khuyến cáo 50% FDI đầu tư vào Việt Nam là đến từ thiên đường thuế nên dù thu hút nhiều đầu tư song thực chất số tiền thuế Việt Nam thu về khônq lớn. 

Do vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần phải được nghiên cứu kỹ, trong đó cần thẩm định năng lực tài chính, năng lực thực hiện của các nhà đầu tư. Thậm chí, với dòng vốn của các dự án đầu tư đến từ thiên đường thuế, chuyên gia của Oxfam cũng cho rằng Việt Nam có thể cấm vận.

Ngoài ra, trong thời gian tới cần tiếp tục ban hành các quy định ràng buộc khi tiến hành đầu tư hoặc tăng cường chế tài xử phạt đối với các DN bỏ trốn.