Vốn lưu động của các doanh nghiệp

Về hiệu quả sử dụng vốn lưu động

Vốn lưu động là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và tiềm lực của một doanh nghiệp (DN). Do vậy, nó được coi là một trọng điểm của công tác quản lý của mỗi DN. Kết quả phân tích hiệu quả sử dụng vốn lưu động của 19 DN khu công nghiệp (KCN) Sông Công cho thấy: Số lần luân chuyển vốn của các DN có xu hướng giảm dần, năm 2009 có mức luân chuyển vốn cao nhất đạt 5,89 lần, năm 2011 đạt 4,25 lần. Kỳ luân chuyển vốn (phản ánh số ngày để thực hiện một vòng quay vốn lưu động) cho thấy số ngày luân chuyển vốn tăng dần qua các năm. Năm 2009, kỳ luân chuyển vốn đạt 61,1 ngày nhưng đến năm 2011 kỳ luân chuyển vốn đạt 85,66 ngày (tăng 38,57%). Kỳ luân chuyển vốn tăng cho thấy hiệu quả trong sử dụng vốn lưu động có xu hướng giảm.

Về nhu cầu sử dụng vốn lưu động

Việc xác định nhu cầu vốn lưu động trong kỳ sản xuất theo phương pháp trực tiếp gặp nhiều khó khăn, phức tạp, do đó, chúng tôi sử dụng phương pháp gián tiếp để xác định nhu cầu vốn lưu động trong kỳ sản xuất của các DN căn cứ theo tổng mức luân chuyển vốn lưu động, số dư bình quân vốn lưu động và tỷ lệ tăng giảm số ngày luân chuyển vốn lưu động qua các năm.

Theo kết quả tính toán theo phương pháp gián tiếp, số vốn lưu động cần cho 1 chu kỳ sản xuất của các DN KCN Sông Công năm 2010 là 745,68 tỷ đồng và 1233,41 tỷ đồng vào năm 2011.

Vấn đề quản lý vốn lưu động của các doanh nghiệp

Quản lý hàng tồn kho

Số vòng quay hàng tồn kho trung bình của 19 DN KCN Sông Công năm 2010 là 18,73 vòng/năm, năm 2011 giảm còn 9,99 vòng/năm (tương ứng với mức giảm 53,3% so với năm 2010). Số vòng quay giảm cho thấy mức độ kém hiệu quả trong quá trình quản lý nguồn vốn hàng tồn kho của các DN. Chỉ tiêu số vòng quay hàng tồn kho giảm một phần là do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế.

Số ngày của một vòng quay hàng tồn kho tại các DN Sông Công có giá trị là 19,22 ngày/vòng vào năm 2010 và năm 2011 là 36,04 ngày/vòng. Một vòng quay vốn hàng tồn kho của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nhà nước (DNNN) là khá dài cho thấy công tác quản lý vốn hàng tồn kho của các DN thuộc hai loại hình này tại KCN Sông Công còn nhiều bất hợp lý, chưa thực sự đem lại hiệu quả trong hoạt động quản lý vốn lưu động.

Quản lý vốn bằng tiền

Tỷ lệ vốn bằng tiền trong tổng vốn lưu động thấp nhất là các DNNN và DN FDI. Tỷ lệ vốn bằng tiền trong tổng vốn lưu động cao nhất là các DN trách nhiệm hữu hạn: năm 2009 tỷ lệ vốn bằng tiền trong tổng vốn lưu động cao nhất chiếm 42,89%; năm 2011 tỷ lệ này giảm xuống còn 26,89% (tương ứng với mức giảm 16%).

Mức độ biến động của vốn bằng tiền trong tổng vốn lưu động có sự khác nhau cho thấy tùy theo từng loại hình DN, phương pháp quản lý và chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn mà các DN có sự chuẩn bị trong việc dự trữ một lượng tiền vừa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý vốn bằng tiền.

Quản lý các khoản phải thu

Thời hạn thu hồi nợ bình quân của 19 DN ở KCN Sông Công có mức chênh lệch khá lớn, đặc biệt là đối với DNNN (năm 2010 là 171,48 ngày, năm 2011 là 167,88 ngày). Thời hạn thu hồi nợ bình quân tăng lên đồng nghĩa với việc DN bỏ ra các chi phí không cần thiết hoặc rủi ro trong kinh doanh.

Kỳ thu hồi nợ bình quân của các DN trên năm 2010 là 8,48 kỳ/năm và năm 2011 là 7,57 kỳ/năm. Chỉ tiêu này cho thấy kỳ thu hồi nợ bình quân khá phù hợp và có thể thấy hoạt động quản lý nguồn vốn phải thu tương đối tốt.

Quản lý các khoản vốn lưu động khác

Các loại vốn lưu động khác của DN thường là các khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ và các tài sản ngắn hạn khác bao gồm các khoản tạm ứng, chi phí trả trước, tài sản thiếu chờ xử lý, các khoản cầm cố, ký cược, ký quỹ ngắn hạn. So với tổng số vốn của các DN thuộc KCN Sông Công thì tỷ lệ vốn lưu động khác so với tổng số vốn lưu động phần lớn có xu hướng giảm qua các năm từ năm 2009-2011.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vốn lưu động

Về quản lý hàng tồn kho

Các DN tại KCN Sông Công có thể sử dụng mô hình EOQ (Mô hình đặt hàng hiệu quả) cho việc quản lý hàng tồn kho của mình. Mô hình này là mô hình quản trị tồn kho mang tính định lượng, có thể sử dụng nó để tìm mức tồn kho tối ưu cho DN. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định trong quản trị hàng tồn kho là dự báo chính xác khối lượng hàng hoá cần dự trữ trong kỳ nghiên cứu. Những DN có nhu cầu dự trữ hàng hóa mang tính thời vụ có thể chọn kỳ dự báo phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của mình để xác định số lần đặt hàng trong năm và khối lượng hàng hoá mỗi lần đặt hàng. Mục đích của những tính toán này là tìm được cơ cấu tồn kho có tổng chi phí năm ở mức tối thiểu.

Về quản lý vốn bằng tiền

DN có thể sử dụng phương pháp Baumol hoặc mô hình Miller Orr để xác định mức dự trữ tiền mặt hợp lý. Sau khi xác định được lưu lượng tiền mặt dự trữ thường xuyên, DN nên áp dụng những các biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro cũng như những thất thoát trong hoạt động:

- Ưu tiên nhà cung cấp có tài khoản ngân hàng.

- Xây dựng quy trình thu chi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng.

- Tuân thủ nguyên tắc bất kiêm nhiệm, tách bạch vai trò của kế toán và thủ quỹ.

Bên cạnh đó, DN nên xây dựng và phát triển các mô hình dự báo tiền mặt.

Về quản lý các khoản phải thu

Để rút ngắn thời gian trung bình từ khi bán hàng đến khi thu được nợ từ khách hàng, nhà quản lý nên đưa ra một giải pháp toàn diện từ chính sách (Quy định về điều kiện khách hàng đủ tiêu chuẩn được nợ, hạn mức nợ; Quy định về người phê chuẩn cho các hạn mức nợ), con người, công cụ hỗ trợ đến kỹ năng, quy trình thu nợ (trước, trong và sau khi ký hợp đồng).

Về quản lý đối với vốn lưu động khác

Việc quản lý hiệu quả các loại vốn khác cũng sẽ góp phần đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đạt hiệu quả hơn. Các DN tại KCN Sông Công cần lưu ý một số vấn đề như: Giảm thiểu các khoản tạm ứng, quản lý và xử lý có hiệu quả các tài sản thiếu, quản lý chặt chẽ hơn đối với các khoản cầm cố, ký cược, ký quỹ ngắn hạn.

Các giải pháp chung

- Hàng năm Ban quản lý KCN nên xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách đủ để thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và thực hiện thẩm tra, cấp ưu đãi đầu tư cho các dự án nhanh chóng.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các DN nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án.

- Các huyện, thành phố, thị xã chủ động dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp.

 Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của 19 công ty tại KCN Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (2009 - 2011);

2. Phạm Thị Lý (2012), “Nghiên cứu các giải pháp phát triển DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Thái Nguyên”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên;

3. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, Niên giám thống kê năm 2011;

4. http://www.bqlkcnthainguyen.gov.vn.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 10-2012

Nâng cao hiệu quả quản lý vốn lưu động tại các doanh nghiệp

TS. Hoàng Thị Thu, Nguyễn Hải Hạnh - Trường Đại học kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên)

(Tài chính) Nghiên cứu thực trạng sử dụng nguồn vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Công tỉnh Thái Nguyên cho thấy việc quản lý các khoản vốn lưu động của các doanh nghiệp đang tồn tại những khó khăn nhất định. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn lưu động của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Công tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

Xem thêm

Video nổi bật