Năng lực hội nhập của các địa phương như thế nào?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Chiều 27/11, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã công bố “Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương”. Báo cáo cho biết, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Năng lực hội nhập của các địa phương như thế nào?
TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn: internet

Đây là năm thứ hai Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương được thực hiện, sau lần thứ nhất vào năm 2010. Bên cạnh dữ liệu chính thống từ cơ quan thống kê, nhóm nghiên cứu còn thực hiện điều tra 2.300 doanh nghiệp và 2.300 người dân đang sinh sống tại địa phương, tỷ lệ phản hồi đạt gần 90%. Công ty TNHH là loại hình tham gia khảo sát nhiều nhất, tiếp đến là công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.

Căn cứ vào chỉ số hội nhập kinh tế cấp địa phương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương vẫn duy trì vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng, trong khi Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng lần lượt ở vị trí cuối cùng.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chia 63 tỉnh thành phố thành 4 nhóm chính là Duy trì, Phát triển, Giảm hạng và nhóm chưa có dữ liệu đối sánh.  

Nhóm Phát triển gồm những địa phương đã có bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng, như Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị... Hiện những địa phương này đang dần chuyển hoá thành công những lợi thế thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như Bắc Ninh với tổ hợp nhà máy của Samsung, Quảng Trị với đường 9 nối liền giao thương trục Đông - Tây từ Đông Bắc Thái Lan  - Lào - Việt Nam.

Những "ông lớn" như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương được xếp vào nhóm Duy trì do tiếp tục thể hiện được năng lực hội nhập kinh tế. Nhóm Giảm hạng lại là những địa phương chưa tận dụng và khai thác hiệu quả nhất những lợi thế của địa phương mình, gồm Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng...

Báo cáo cũng chỉ ra 8 yếu tố cần thiết để đánh giá năng lực hội nhập kinh tế, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên, con người, thương mại, đầu tư và du lịch. Trong đó, thể chế có quan hệ mật thiết với đầu tư và thương mại, thể hiện qua việc nếu đẩy nhanh thủ tục giấy và có chính sách phù hợp sẽ tác động tích cực đến nguồn vốn đầu tư cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Về thương mại, ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được coi là cửa ngõ quốc gia để mang hàng hoá của Việt Nam ra thị trường bên ngoài. An Giang, Kiên Giang cũng là hai địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ về thương mại nhờ tập trung nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản thế mạnh như gạo, thủy sản.

Xét về đầu tư, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong 5 năm, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phê duyệt của 4 địa phương này xấp xỉ 4.000, chiếm gần 60% tổng dự án trên toàn quốc. Nhờ những chính sách ưu đãi và nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như Samsung, Panasonic, Toyota...

Ngược lại, An Giang và Long An là hai địa phương có sự tụt hạng lớn với những tồn tại liên quan đến Chiến lược phát triển địa phương và Quỹ tài nguyên. Sóc Trăng, Kon Tum, Cao Bằng và Điện Biên vẫn chưa có nhiều sự chuyển biến về môi trường đầu tư nên tiếp tục ở nhóm cuối của bảng xếp hạng.  

Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu cho biết sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp ở mỗi địa phương là khác nhau. Chẳng hạn, người dân tại Sóc Trăng, Tây Ninh, Gia Lai gặp khó khăn trong việc hiểu nội dung câu hỏi nhưng lại thể hiện sự hợp tác tích cực hơn so với người dân ở các khu vực trung tâm lớn.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc xếp thứ hạng cao thấp không phải là mục tiêu chính, không nhằm để các địa phương ganh đua nhau mà chỉ số này cùng các tiêu chí của nó là thông số tổng hợp đáng tin cậy để các địa phương tham khảo, đánh giá đúng tiềm năng lợi thế của địa phương mình trong xây dựng và điều chỉnh chính sách hội nhập.

Mục tiêu chính mà báo cáo hướng tới là cố gắng đưa ra một công cụ nhằm xác định được mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế hội nhập đang ngày một sâu rộng hiện nay của nước ta, cụ thể hơn đó là những tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân, xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực cho hội nhập và phát triển bền vững.

Tại buổi hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, bản báo cáo Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương là một công cụ cần thiết, giúp cho các địa phương thấy rõ được tiến trình hội nhập và lợi thế của địa phương trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ là một công cụ tham khảo và cần làm rõ thêm các tiêu chí về vùng miền, lợi thế cạnh tranh vì không nhất thiết địa phương nào cũng phải hội nhập hoặc cần phải đi theo hướng công nghiệp hóa.

"Sau khi công bố bản báo cáo cần phải lộn về địa phương để hỗ trợ xem các tỉnh thiếu cái gì, lĩnh vực nào cần bổ sung và hướng đi thế nào cho phù hợp... tránh gây tâm lý hoang mang khi bị tụt hạng," nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) có nhiều điểm khác biệt với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nếu như chỉ số PCI cho thấy năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với các chính sách của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thì chỉ số PEII cho thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân.

Theo các chuyên gia, kết quả của báo cáo có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách hội nhập và phát triển cho mình trên cơ sở năng lực hiện có/.