Nghiên cứu tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á

ThS. Võ Thanh Hòa - Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân

Thông qua việc xem xét tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế thông qua mẫu số liệu của 8 nước ASEAN (trừ Myanmar thiếu số liệu và Bruney có cấu trúc kinh tế khác) và 4 nước trong khu vực châu Á có đối tác chiến lược với ASEAN (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ), bài viết đưa ra một số khuyến nghị về chính sách quản lý nợ công cho các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghiên cứu về tác động nợ công đến tăng trưởng kinh tế

Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về nợ công và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Pattillo và cộng sự (2002) sử dụng dữ liệu bao gồm 93 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1969-1998 cho thấy ảnh hưởng của nợ công (nợ nước ngoài) có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP đầu người nếu giá trị nợ nước ngoài vượt qua ngưỡng 35-40% GDP.

Nghiên cứu của Reinhart, Reinhart và Rogoff (2012) về mối quan hệ thống kê giữa nợ công và tăng trưởng GDP thực trong dài hạn trong mẫu nghiên cứu gồm 20 quốc gia phát triển trong giai đoạn (1970-2009) cho thấy mối quan hệ này là yếu nếu nợ công ở mức < 90% GDP, trong trường hợp nợ công vượt ngưỡng trên 90% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giảm 1%...

Nghiên cứu của Kumar và Woo (2010) lại tìm hiểu tác động của nợ công cao đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn dựa trên một bảng số liệu của các nền kinh tế tiên tiến và đang nổi lên trong gần bốn thập kỉ.

Kết quả thực nghiệm gợi ý mối quan hệ nghịch giữa nợ ban đầu và tăng trưởng tiếp theo, kiểm soát các yếu tố quyết định tăng trưởng khác: Trung bình, tỷ lệ nợ/GDP ban đầu tăng 10 điểm phần trăm liên quan đến sự suy giảm tốc độ tăng GDP thực tế bình quân hàng năm khoảng 0,2 điểm phần trăm mỗi năm, với tác động nhỏ hơn ở các nền kinh tế tiên tiến.

Có một số bằng chứng về sự phi tuyến tính với mức nợ ban đầu cao hơn có ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn đáng kể đối với tăng trưởng tiếp theo. Tuy nhiên, họ cũng tìm thấy một số bằng chứng về tính không tuyến tính, nghĩa là chỉ có mức nợ cao (> 90% GDP) có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đối với tăng trưởng cho toàn bộ mẫu của các quốc gia mới nổi và các nước phát triển...

Nghiên cứu của Checherita-Westphal (2012) lại tập trung vào tác động trung bình của nợ chính phủ đối với tăng trưởng GDP bình quân đầu người với mẫu gồm 12 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro như Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ailen, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong khoảng 40 năm bắt đầu từ năm 1970.

Kết quả cho thấy, có mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ công với tăng trưởng GDP bình quân đầu người, đó là tỷ lệ nợ của chính phủ so với GDP có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn (khoảng 90-100% GDP)...

Trong nước, Lê Phan Thị Diệu Thảo và Thái Hán Vinh (2015) nghiên cứu vấn đề “Kiểm định tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế”. Với phương pháp sử dụng mô hình hồi quy, quy mô mẫu gồm 7 nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philipins, Lào, Campuchia với chuỗi số liệu từ năm 1995-2013, kết quả cho thấy giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ phi tuyến tính, mô hình chữ U ngược.

Khi tỷ lệ nợ công/GDP nhỏ hơn 68% nợ công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, nghiên cứu đã xác định được ngưỡng nợ công để có thể tham khảo chính xác ngưỡng nợ công.

Trong khi đó, nghiên cứu của Nguyễn Văn Phúc (2013) với dữ liệu gồm các quốc gia đang phát triển với đề tài “Nợ công và tăng trưởng kinh tế. Kinh nghiệm các nước và bài học cho Việt Nam”, sử dụng hàm hồi quy trăng trưởng để ước lượng tác động của nợ công lên tăng trưởng kinh tế.

Kết quả cho thấy khi đã loại bỏ các yếu tố khác như thu nhập bình quân đầu người ban đầu, tỷ lệ đầu tư, lạm phát giáo dục, dân số, chỉ số hiểu quả của chính quyền. Khi nợ công gia tăng tác động ngược chiều lên tăng trưởng kinh tế, vì thế việc gia tăng nợ công cần hết sức thận trọng để tránh ảnh hưởng tiêu cực của nợ công.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Kế thừa mô hình nghiên cứu của Checherita-Westphal (2012),dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước, nghiên cứu này đưa ra phương trình sau:

git + 1 = α0 + βln(GDP/cap) it + β2debt_sqit + β3 debtit + β4 saving/gf cfit + β5 pop.growthit + β6 othercontrols (fiscal; openness; interestrate) + ε

Trong đó:

Biến phụ thuộc - git + 1: là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hằng năm của quốc gia i năm thứ t;

Biến độc lập - Debt it: là nợ chính phủ so với nợ quốc gia i năm thứ t;

Biến kiểm soát - Ln (GDP/cap) it: là logarith tự nhiên của GDP trên đầu người của quốc gia vào đầu năm thứ t; Saving/gf it : là biến được dùng với 2 biến khác nhau (Tiết kiệm/Giá trị GDP và Đầu tư tài sản cố định của quốc gia/Giá trị GDP); Pop.growth it: là tốc độ tăng dân số của quốc gia i năm thứ t;

Ngoài ra, còn các biến số kiểm soát khác (othercontrols), bao gồm:

- Các chỉ tiêu tài khóa (đo bằng thuế suất trung bình và cân đối ngân sách) –fiscal;

- Lãi suất thực dài hạn thu được các ảnh hưởng của việc kết hợp chính sách tài chính - tiền tệ (lãi suất tiền gửi) - interestrate;

- Các chỉ số mở của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh bên ngoài – openness.

Sau khi thực hiện các kiểm định cơ bản để lựa chọn mô hình phù hợp trong số các mô hình: Pooled OLS, Fixed Effect Model hay Random Effect Model; Sử dụng kiểm định Hausman test, kiểm định phương sai sai số thay đổi, kiểm định tự tương quan phần dư, kiểm định tương quan phần dư đơn vị chéo và kiểm định Lagrange Test lựa chọn kiểm tra biến bỏ sót và lựa chọn mô hình RE và Pooled data.

Tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế

Biến nợ công tương quan âm với tăng trưởng bình quân GDP đầu người với mức ý nghĩa 1%. Kết quả này cho thấy, khi chính phủ các nước càng tăng nợ vay sẽ càng làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP đầu người, tức là có mối quan hệ nghịch biến giữa nợ công và tăng trưởng GDP đầu người. Điều này cho thấy, việc sử dụng nợ của các nước trong mẫu nghiên cứu và trong giai đoạn nghiên cứu không còn phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Các nước trong mẫu nghiên cứu hiện là các nước đang phát triển, nếu đầu tư công chủ yếu từ vay nợ, khi việc sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả sẽ dẫn đến khả năng trả nợ càng khó khăn và do trong giai đoạn hiện nay các nước tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư công và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc sử dụng vốn không hiệu quả sẽ tác động xấu tới mức tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu này cũng tìm thấy được biến GDP bình quân đầu người có tương quan âm với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP với mức ý nghĩa 5%, nghĩa là nếu tăng trưởng bình quân GDP đầu người ban đầu tăng thì tốc độ tăng trưởng GDP giảm và ngược lại.

Đây được gọi là bẫy thu nhập trung bình mà các quốc gia cần phải thoát, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không tìm thấy tác động của tăng trưởng dân số, tỷ lệ thu thuế/GDP, cân đối ngân sách nhà nước, không có tương quan với tăng trưởng kinh tế...

Tỷ lệ tiết kiệm

Dựa vào kết quả trên cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm tương quan âm với tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người với mức ý nghĩa 1%. Theo đó, nếu tỷ lệ tiết kiệm càng cao thì sẽ làm tăng trưởng bình quân GDP đầu người giảm, điều này hoàn toàn phù hợp với các nước trong mẫu nghiên cứu.

Bởi vì, khi tỷ lệ tiết kiệm càng nhiều, nguồn vốn từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp sẽ giảm đưa vào đầu tư trong nền kinh tế; Cùng với đó, Chính phủ muốn kích thích tăng trưởng sẽ gia tăng vay nợ, làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia, vì thế tác động tiêu cực đến phát triển nền kinh tế, điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng sẽ giảm và phụ thuộc vào các khoản đầu tư từ các nguồn khác, tác động tiêu cực tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.

Điều kiện tăng trưởng thương mại

Nghiên cứu tìm thấy mối tương quan dương giữa điều kiện tăng trưởng thương mại với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người với mức ý nghĩa 5%. Như vậy, khi điều kiện thương mại được cải thiện sẽ làm tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng. Điều này thể hiện trong điều kiện các nước trong mẫu nghiên cứu ở giai đoạn đang phát triển, khi quan hệ thương mại song phương và đa phương được kích thích mạnh mẽ.

Điều kiện hợp tác kinh doanh thuận lợi, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoạt động vận hành thuận lợi, từ đó tạo ra nhiều của cải vật chất, cộng hưởng tác động tăng trưởng kinh tế, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.

Gợi ý chính sách

Dựa trên kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia châu Á, tác giả đề xuất một số gợi ý cho chính sách quản lý nợ công:

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ công trên GDP thông qua việc xem xét các yếu tố cấu thành nợ công. Theo kết quả nghiên cứu, nợ công tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, để quản lý tốt tỷ lệ nợ công này các quốc gia cần quy định trần nợ công và phương pháp tính nợ công theo chuẩn quốc tế.

Theo các tổ chức quốc tế, ngoài thành phần chủ chốt của khu vực công là nợ của chính phủ và nợ của chính quyền địa phương, khu vực này còn bao gồm doanh nghiệp công (theo IMF) hoặc các tổ chức tự chủ (theo WB) và cả cơ quan tiền tệ trung ương.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế có tính đến nợ lương hưu trong khoản nợ Chính phủ (UNCTAD). Thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ lương hưu/GDP trên 100% đối với các nước phát triển là bắt đầu vượt ngưỡng an toàn. Còn đối với các nước đang phát triển khi không tính nợ lương hưu thì có lẽ 50% là ngưỡng phù hợp.

Thứ hai, giảm thâm hụt NSNN trên GDP. Theo kết quả nghiên cứu, cân đối NSNN có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là khi các nước sử dụng biện pháp để giảm thâm hụt NSNN thì sẽ nâng cao mức tăng trưởng. Việc gia tăng thâm hụt NSNN sẽ có thể dẫn đến giảm tiết kiệm nội địa, giảm đầu tư tư nhân, hay gia tăng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai, giảm tăng trưởng trong dài hạn, gây thoái lui đầu tư với quy mô nhỏ nếu trong ngắn hạn và quy mô lớn nếu trong dài hạn, từ đó làm giảm sự tăng trưởng kinh tế.

Thâm hụt NSNN cao và kéo dài còn làm xói mòn niềm tin đối với năng lực điều hành vĩ mô của chính phủ, làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của người dân và của các nhà đầu tư... Để giảm thâm hụt NSNN, các quốc gia cần giảm các khoản đầu tư không hợp lý, nâng cao chất lượng đầu tư công, quản lý chi tiêu công một cách hiệu quả và thực chất, đặc biệt đối với các nguồn NSNN đầu tư cho các doanh nghiệp công.

Thứ ba, cải thiện điều kiện thương mại. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều kiện thương mại có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế. Do đó, để tăng trưởng kinh tế, các quốc gia cần sử dụng các biện pháp cải thiện điều kiện thương mại.

Để cải thiện điều này các quốc gia cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu các loại hàng hóa có giá trị chế biến cao, trong đó chú trọng phát triển về chất lượng, sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, hạn chế việc xuất khẩu thô. Tăng cường đạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế, tăng cường phát triển và hội nhập với tất cả các nền kinh tế trên thế giới...   

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS. Sử Đình Thành và cộng sự (2010), Tài chính công và phân tích chính sách thuế, NXB Lao động;

2. Bộ Tài chính (2017), Bản tin công nợ số 5/2017;

3. Lê Phan Thị Diệu Thảo và Thái Hán Vinh (2015), Nghiên cứu vấn đề “Kiểm định tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế”;

4. Reinhart, C. M., Reinhart, V. R., & Rogoff, K. S. (2012). Public debt overhangs: advanced-economy episodes since 1800. The Journal of Economic Perspectives, 26(3), 69-86;

5. Adam, C. S., & Bevan, D. L. (2005).Fiscal deficits and growth indeveloping countries. Journal of Public Economics, 89 (4), 571-597.