Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Nhiều luật, lắm lỗ hổng

Theo enternews.vn

Việc nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trong đó chủ yếu là DN Trung Quốc sử dụng nhiều chiêu tinh vi để sở hữu đất tại những khu vực “nhạy cảm” tại Việt Nam đang làm dấy lên những lo ngại về an ninh, quốc phòng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một luật sư (đề nghị không nêu tên) nhìn nhận, dù biết “chiêu bài” nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) đã lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất nhưng các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép.

Quá nhiều kẽ hở

Cụ thể, theo quy định tại Điều 46, Nghị định 118/CP và Điều 26 Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế trong nước không phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cùng với đó, Nghị định 139/2007/NĐ-CP cũng quy định là trường hợp DN dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập DN thực hiện theo quy định của Luật DN và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ – tức giống như đối với dự án đầu tư trong nước.

“Người nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép hoạt động. Nhưng công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành chủ sở hữu các dự án sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”- vị luật sư này nhấn mạnh.

Thậm chí, khi trả lời kiến nghị của một cá nhân người nước ngoài về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã khẳng định: “Khoản 2, Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, “… Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó”. Như vậy, công ty có thể sở hữu căn nhà đó.

Theo Khoản 3, Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về phạm vi kinh doanh của DN có vốn đầu tư nước ngoài thì, chỉ cho phép thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại. Vì vậy, DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép sở hữu nhà, công trình xây dựng để sử dụng, nhưng không được phép kinh doanh”.

Lấy ví dụ với trường hợp người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng mà trong số báo 61 ngày 29/7/2016, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN) đã có bài viết “Người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng: Luật hở, cơ quan chức năng bó tay” phản ánh việc người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất làm đau đầu các nhà quản lý và dấy lên nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng thì có thể thấy được chiêu lách luật này.

Cụ thể, theo tài liệu mà DĐDN có được, trong giấy chứng nhận đăng ký DN của những DN đang sở hữu đất tại Đà Nẵng như Công ty V.N.Holiday (sở hữu 24 lô đất) có vốn điều lệ 40 tỷ đồng trong đó ông/bà Li Jinan có quốc tịch Trung Quốc góp 19,2 tỷ đồng – tương đương 48%, còn lại 3 cổ đông Việt Nam chiếm 52%;

Công ty Diệp Phúc Lợi (17 lô) có vốn điều lệ 199,93 tỷ đồng trong đó Công ty Harvest View Inc Limeted (Trung Quốc) góp hơn 84 tỷ đồng chiếm 42,35%, còn lại là 2 cổ đông Việt Nam hay công ty Nguyên Thịnh Vượng (10 lô) có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng trong đó Công ty Hong Kong Hankey Enterpris Es Limited góp 9,8 tỷ đồng chiếm 49%, còn lại là hai cổ đông Việt Nam.

Giải pháp nào phù hợp?

Nói về những chiêu “lách luật” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) để sở hữu đất tại Việt Nam, ông Bùi Văn Tiếng – nguyên Trưởng ban Tài chính Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng nhìn nhận:

Đây là một trong những điểm đáng lo ngại mang tầm quốc gia, bộc lộ sự sơ hở của luật pháp Việt Nam, sự lỏng lẻo của quản lý nhà nước địa phương trên lĩnh vực này và đáng buồn hơn là sự vụ lợi bất chấp lợi ích dân tộc của một bộ phận người Việt từ quan chức cho đến dân thường. “Đây là nỗi lo rất lớn của tất cả những người Việt Nam yêu nước và biết thượng tôn lợi ích dân tộc”- ông Tiếng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bản chất của vấn đề là pháp lý của Việt Nam chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, hay nói cách khác là chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư và sở hữu đất đai, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách luật, sở hữu đất trái phép.

Trước thực trạng này, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng Trần Văn Sơn cho rằng: Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý. Thêm vào đó, cần bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính… để xem xét và quyết định đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

“Đối với việc mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, kiến nghị trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”- ông Sơn đề xuất.

Còn theo ông Bùi Văn Tiếng – nguyên Trưởng ban Tài chính Thành ủy Đà Nẵng, để xảy ra tình trạng này, có ít nhất là bốn nguyên nhân: sự sơ hở của luật pháp, sự lỏng lẻo của quản lý nhà nước, sự vụ lợi của một bộ phận người Việt và sự tính toán có ý thức của người Trung Quốc. Sự lỏng lẻo của quản lý nhà nước địa phương chủ yếu bắt nguồn từ ràng buộc của các bộ luật có liên quan.

Do đó, các cấp có thẩm quyền nên khẩn trương rà soát các bộ luật có liên quan để kịp thời điều chỉnh các sơ hở có thể bị lợi dụng để lách luật nhằm sở hữu đất; đi đôi với việc mở chuyên án điều tra các trường hợp sở hữu đất bằng con đường lách luật và có giải pháp xử lý hiệu quả. “Đương nhiên khó nhưng nếu có quyết tâm chính trị cao, tôi nghĩ vẫn có thể làm được” – ông Tiếng nhấn mạnh.