Nhiều doanh nghiệp “nhờn thuốc”

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) còn nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) khoảng 8.000 tỉ đồng. Số lao động được tham gia BHXH trên cả nước hiện chỉ mới đạt khoảng 20%. Tình trạng nợ đọng BHXH tràn lan của DN đang khiến quỹ BHXH bị thâm hụt nặng nề.

Nhiều doanh nghiệp “nhờn thuốc”
Nguyên nhân nợ đọng BHXH là do suy thoái kinh tế, DN khó khăn. Nguồn: internet
Nguy cơ vỡ quỹ 

Thực trạng nợ đọng BHXH đã diễn ra từ lâu, và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn khi mà quỹ BHXH hiện đã thâm hụt đến gần 8.000 tỷ đồng. Nếu tính con số nợ đọng BHXH đến cuối năm 2012, mới chỉ ở mức 4.600 tỷ, trong vòng nửa năm 2013, con số này đã tăng lên gần gấp đôi. Điều này cho thấy, thực trạng DN nợ đọng BHXH đã rất đáng báo động, và càng báo động hơn nữa trước thông tin mà ILO vừa công bố rằng, đến năm 2029, quỹ BHXH của Việt Nam sẽ cạn kiệt.

Thời gian qua, số nợ đọng BHXH tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đồng Nai… đều tăng đột biến. Chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, số DN nợ đọng BHXH đã tới con số trên 10.000. 

Nguyên nhân được các nhà quản lý chỉ ra rằng, do suy thoái kinh tế, DN khó khăn. Nhất là trong năm 2012, 2013, số DN phá sản tăng cao đã dẫn đến số nợ đọng BHXH cũng tăng theo. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi vấn nạn này đã diễn ra lâu nay, chứ không phải chỉ mới xuất hiện khi kinh tế suy thoái.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, trên thực tế, kể cả ở giai đoạn làm ăn có lãi, rất nhiều DN cố tình trốn đóng bảo hiểm cho người lao động hoặc chây lỳ, trong khi hàng tháng vẫn khấu trừ phần trăm tiền BHXH- bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động. Bằng cách làm thiếu minh bạch này, đối với những DN có số người lao động lên tới hàng ngàn, thì số tiền BHXH mà DN chiếm dụng được có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nói trên của DN lại đang quá nhẹ tay, khi mà mức xử phạt hành vi vi phạm chỉ ở mức 30 triệu đồng (số tiền này so với số tiền họ trục lợi được từ người lao động chỉ như… muối bỏ biển). Vậy nên, các DN không ngần ngại né tránh nghĩa vụ khi sẵn sàng nộp phạt để trục lợi.

Có thể thấy, một thời gian dài, kẽ hở trong pháp lý đã khiến các DN "nhờn thuốc”, để đến giờ, theo thời gian, số nợ đọng BHXH cứ ngày một tăng cao, quỹ BHXH thì ngày càng thâm hụt. Song, điều đáng buồn hơn, cái lợi của một số đối tượng này, lại là nỗi đau của hàng ngàn đối tượng khác. Bởi, khi bị chủ DN trục lợi BHXH, người lao động sẽ chịu đủ mọi thiệt thòi, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, số lao động thất nghiệp ngày một tăng lên.

Vẫn "giơ cao đánh khẽ”?

Sau rất nhiều tiếng kêu cứu từ dư luận cũng như phía cơ quan BHXH, giới chuyên gia, nhà nghiên cứu trong ngành, Chính phủ mới đây đã ký quyết định ban hành Nghị định 95 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định; đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Ngoài khoản tiền nộp phạt, các trường hợp vi phạm còn bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng hoặc chậm đóng; đồng thời phải đóng thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa đóng hoặc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH. Trường hợp chủ sử dụng lao động vi phạm về chế độ tiền lương theo quy định cũng sẽ bị phạt tối đa 75 triệu đồng, trong đó có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Cụ thể, vi phạm với từ 1-10 người lao động, phạt từ 20-30 triệu đồng; từ 11-50 người lao động phải chịu mức phạt từ 30-50 triệu đồng; từ 51 người lao động trở lên sẽ phạt từ 50-75 triệu đồng.

Ngoài các nội dung trên, Nghị định còn quy định xử phạt một số hành vi vi phạm khác liên quan đến việc sử dụng lao động của chủ lao động, trong đó có quy định xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với chủ lao động không tiến hành đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần; không thực hiện đối thoại khi đại diện tập thể lao động yêu cầu…

Có thể thấy, với Nghị định mới này, chế tài xử lý các đối tượng nợ đọng BHXH đã mạnh tay hơn. Tuy nhiên, đối với những DN nợ đọng lên tới hàng chục tỷ đồng, thì mức phạt này chẳng hề hấn gì so với mức độ vi phạm của họ. Chính bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù chế tài xử lý đã có phần "rắn” hơn song cũng vẫn còn mang tính chất "giơ cao đánh khẽ”, và như vậy, với các DN đã "nhờn thuốc” chắc chắn sẽ không có nhiều tác dụng.