Những bất cập trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam

Theo kinhtevadubao.com.vn

Mặc dù quá trình đô thị hoá tại Việt Nam diễn ra khá sớm và tăng nhanh những năm gần đây, nhưng tốc độ đô thị hoá vẫn thuộc trong nhóm thấp của thế giới. Không những thế, quá trình đô thị hóa cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Những bất cập trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam
những năm gần đây, số lượng đô thị ở nước ta tăng nhanh chóng. Nguồn: Internet

Thực trạng đô thị hóa tại Việt Nam

Tại Việt Nam quá trình đô thị hóa được gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Do chú trọng quá nhiều vào việc “công nghiệp hóa” cộng với chất lượng quy hoạch không cao, nên quá trình này đang bộc lộ nhiều bất cập đáng lo ngại. Cụ thể là:

- Số lượng các đô thị tăng lên nhanh chóng: Trong những năm gần đây, số lượng đô thị ở nước ta tăng nhanh, nhất là ở các thành phố thuộc tỉnh. Năm 1986 cả nước có 480 đô thị, năm 1990 là 500 đô thị, đến năm 2007 là 729 đô thị và đến năm 2012 cả nước đã có 755 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), 13 đô thị loại I trong đó có 03 thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 10 thành phố trực thuộc tỉnh, 10 đô thị loại II còn lại là các đô thị loại III, IV và V. Tuy vậy, việc xếp loại đô thị vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đáp ứng như quy mô đô thị, kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật...

- Sự gia tăng dân số đô thị: Quy mô dân số đô thị ở nước ta liên tục tăng, đặc biệt là từ sau năm 2000. Tính đến năm 2010, dân số đô thị tại Việt Nam là 25.584,7 nghìn người, chiếm 29,6% dân số cả nước. Sự gia tăng dân số đô thị cả nước do 3 nguồn chính đó là: (i) Gia tăng tự nhiên ở khu vực đô thị; (ii) Di cư từ khu vực nông thôn ra thành thị; (iii) Quá trình mở rộng địa giới của các đô thị. Khi các đô thị của Việt Nam ngày càng phát triển mở rộng, thì dân số càng tăng, dòng dịch cư càng lớn (nhóm di dân có 80% thời gian sống ở đô thị cũng đang tăng nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) dẫn đến sự quá tải trong sử dụng hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có. Bên cạnh đó là việc hình thành các khu dân cư nghèo quanh đô thị gây ô nhiễm môi trường và nguy an mất an toàn lương thực không ngừng tăng cao.

 - Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua các mặt, như: nhiều tuyến đường, cây cầu được xây dựng; chất lượng đường đô thị dần được cải thiện; các đô thị loại III trở lên hầu hết đã có các tuyến đường chính được nhựa hoá và xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng và cây xanh. Các thành phố lớn trực thuộc Trung ương có nhiều dự án về giao thông đô thị được triển khai, cụ thể là: cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao đồng mức, khác mức, các đường vành đai, tuyến tránh, cầu vượt trong đô thị… Nhờ vậy, bước đầu đã nâng cao năng lực thông qua tại các đô thị này. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra rất phổ biến.

Hệ thống chiếu sáng đã có ở hầu hết các đô thị mặc dù mức độ có khác nhau. Tại các đô thị đặc biệt, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… có 95-100% các tuyến đường chính đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; các đô thị loại II, III tỷ lệ này đạt gần 90%.

Hệ thống thoát nước đã được quan tâm đầu tư xây dựng ở hầu hết các đô thị. Hiện đã có 35/63 đô thị tỉnh, thành trong cả nước có các dự án về thoát nước và vệ sinh môi trường sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ODA. Các dự án bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm mức độ ngập úng tại các đô thị này. Tuy nhiên, do hầu hết đô thị chỉ có một hệ thống cống dùng chung cho cả nước mưa và nước thải, thậm chí, nhiều tuyến cống được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau, nên không hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và đã xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước. Tình trạng ngập úng đang là mối quan tâm hàng ngày của các đô thị lớn, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp có tính khả thi để giải quyết. Nước thải, đặc biệt nước thải từ các khu công nghiệp lại chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nặng nề cho các dòng sông lớn, như: sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch…   

Đánh giá về thực trạng trên, có thể chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; (ii) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp trong đô thị kéo theo nhiều hệ quả về môi trường… dẫn đến các đô thị đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững.

Một số giải pháp

Thứ nhất, Nhà nước cần rà soát, bổ sung và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù để quản lý và phát triển các đô thị thuộc các thành phố lớn, thành phố du lịch trọng điểm nhằm phát huy tối đa lợi thế của chúng. Ban hành đầy đủ hệ thống khung pháp lý về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong việc thực hiện các dự án xây dựng đô thị đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Thứ hai, cần có chiến lược, lộ trình quy hoạch đô thị, rà soát lại quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm phát triển các đô thị bền vững. Điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, các điểm dân cư nông thôn, đảm bảo công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Đô thị hoá tự phát, thiếu khoa học, thiếu định hướng… sẽ làm nảy sinh và để lại nhiều hậu quả tiêu cực, lâu dài, cản trở sự phát triển của đất nước.

Công tác quản lý quy hoạch cần đặc biệt coi trọng, thực hiện tốt quy định về công bố, công khai rộng rãi các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; đồng thời, làm căn cứ để kêu gọi đầu tư xây dựng đô thị. Tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy hoạch được duyệt, hạn chế điều chỉnh quy hoạch. Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, trật tự đô thị.

Chú trọng các nội dung quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ ba, cần quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông tiên tiến, không gây ô nhiễn môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phát triển và xem việc phát triển phương tiện vận tải công cộng là giải pháp trọng tâm để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông đô thị.

Vấn đề đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường cũng cần phải được đặc biệt coi trọng. Bởi, hiện tượng ngập úng tại một số đô thị cũng là nguyên nhân gây ách tắc giao thông và gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, văn minh đô thị.

Thứ tư, xây dựng cơ chế, các giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn ODA, FDI...); tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương; Đa dạng hóa các hình thức đầu tư từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau theo các hình thức, như: BOT, BT, PPP... Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đã quyết định giảm tổng mức đầu tư từ hơn 40% GDP trước đây xuống còn 34% năm 2012 và 30% năm 2013. Trong tương lai, vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng cũng sẽ phải giảm xuống còn 8-9% GDP.

Thứ năm, các cấp chính quyền, đoàn thể cần tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trình độ dân trí trong việc thực hiện các quy định về đô thị, trật tự đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn và bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, cần có chính sách và tăng cường quản lý tốt hơn nữa đối với dân nhập cư nhằm góp phần đảm bảo sự ổn định, cân bằng và trật tự xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (1998). Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg, ngày 23/1/1998 phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2020

2. Đào Hoàng Tuấn (2008). Phát triển bền vững đô thị: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm của thế giới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

3. Phạm Thị Bích Yên (2011). Đô thị hoá Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2011