Những cái lạ khi doanh nghiệp khai báo thua lỗ

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Cuối năm 2012, dư luận khá ồn ào khi một trong những công ty chuyên sản xuất đồ uống chiếm thị phần lớn nhất cả nước khai báo lỗ triền miên. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay, việc doanh nghiệp lỗ là chuyện bình thường, nhưng việc một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ triền miên nhưng vẫn tồn tại mới là chuyện lạ.

Những cái lạ khi doanh nghiệp khai báo thua lỗ
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Cái lạ thứ nhất, dù không phải là chuyên gia kinh tế hay nhà quản trị doanh nghiệp, người dân bình thường nhất cũng có thể đặt câu hỏi: lỗ triền miên như thế thì có nên tiếp tục kinh doanh nữa hay không?

Cái lạ thứ hai là dù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh, đồng nghĩa với việc phải trả lương cho công nhân cũng như hàng loạt các chi phí quản lý khác - điều này có thể hiểu doanh nghiệp đang dần chuyển sang làm “từ thiện” - giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, còn doanh nghiệp không có hoặc không cần lợi nhuận.

Cái lạ thứ ba là con số lỗ lũy kế tạm tính đến thời điểm cuối năm 2012 đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại. Vậy chắc chắn doanh nghiệp này phải có “nội lực” cực mạnh, hoặc hoạt động khác thu được lợi nhuận cực lớn mới có thể “sàng xê” cho lĩnh vực kinh doanh đang thua lỗ triền miên này.

Đằng sau một vài cái lạ trên, dư luận đang đặt câu hỏi: vậy cơ quan quản lý nhà nước có biết không? Xin thưa rằng biết. Đã có thông tin rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ thanh tra… Nhưng thực tế, dù chưa thanh tra, nhưng nhiều người đều cho rằng đó chỉ đơn thuần là hành vi chuyển giá. Hiểu một cách đơn giản là doanh nghiệp này muốn hoặc chấp nhận nhập hoặc mua các loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ở nước mà doanh nghiệp đang đầu tư với giá cực cao từ công ty mẹ, và từ đó hợp thức hóa việc chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp về cho công ty mẹ để tránh việc phải nộp thuế cho nước sở tại. Điều đáng nói là cơ quan quản lý biết, nhưng đó mới chỉ dừng lại ở mức độ “nghi vấn” và biện pháp thực hiện là thanh tra. Rõ ràng ở đây có một vấn đề rất lớn đặt ra là đang tồn tại lỗ hổng pháp lý trong vấn đề này nhưng để có thể bịt được lỗ hổng này không phải là điều đơn giản và có thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Chuyển giá thực chất là một trong những “chiêu” lách luật của không ít doanh nghiệp nhằm thu lợi nhuận bất chính. Việc này không phải hiếm trong nền kinh tế, thế nhưng để có thể giải quyết được tận gốc vấn đề thì điều đặc biệt quan trọng đó một khuôn khổ pháp lý đủ kín và đủ mạnh để có thể phát hiện, ngăn chặn và xử lý được hành vi đó. Pháp luật hiện hành chưa có quy định doanh nghiệp nếu làm ăn thua lỗ thì phải giải thể. Về lý thuyết, đúng là nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì sớm hay muộn, việc phá sản là hệ quả tất yếu. Thế nhưng, cũng có những cái “ngoại lệ”. Nhưng những trường hợp ngoại lệ như thế này thì không phải ai cũng mong muốn.