TPP được coi là một hiệp định với phạm vi rộng, mức độ cam kết sâu và là một hiệp định của thế kỷ XXI bởi: TPP có thể được mở rộng ra đối với các thành viên APEC, thậm chí ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương; TPP mở cửa thị trường toàn diện, cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan, phạm vi đàm phán của TPP rộng bao gồm 22 lĩnh vực; Các lĩnh vực đàm phán ưu tiên hiện nay bao gồm dịch vụ tài chính, đầu tư, lao động và sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, những vấn đề về lao động, môi trường hay công đoàn cũng được đàm phán.

TPP là hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện, có thể đem đến những cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Việt Nam có thể kết nối nền kinh tế của mình với các thành viên TPP khác, có nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, mở rộng lĩnh vực dịch vụ tài chính, thuận lợi trong tiếp cận thị trường các nước…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi gia nhập vào sân chơi mới này, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Thách thức từ tự do hóa tài chính - ngân hàng

Thách thức hệ thống ngân hàng trong nước

Trước hết phải thừa nhận một thực tế rằng, TPP khi thành công sẽ mở rộng phạm vi tự do hóa ở mức độ rộng nhất. Điều này căn cứ trên xu hướng các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong thời gian gần đây (có thể thấy phạm vi tự do hóa ngày càng được mở rộng).

Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, cụ thể là trong lĩnh vực ngân hàng, các điều kiện tiếp cận thị trường sẽ dần được xóa bỏ. Đây có thể được coi như một thách thức của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.

Những thách thức trong nước đến từ các hạn chế của hệ thống ngân hàng. Việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp. Tính đến hết năm 2010, cả nước có 130 tổ chức tín dụng với 9.665 chi nhánh và phòng giao dịch, khoảng 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 ATM và gần 50.000 thiết bị chấp nhận thẻ.

Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới nói chung thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều.

Một hạn chế nữa là vấn đề quản trị rủi ro tại các ngân hàng trong nước còn nhiều bất cập và nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng. Một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro. Chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Nhiều ngân hàng có tỷ lệ vốn thấp, thậm chí có ngân hàng còn thấp hơn tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Theo ước tính, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đứng ở mức 8,5%, con số khá thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (11%), Thái Lan (15,7%), Philipinnes (15,2%).

Thách thức đến từ bên ngoài

Những thách thức đến từ bên ngoài xuất phát từ việc các nước phát triển muốn đẩy mạnh mở cửa hơn nữa trong khi các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) tỏ ra thận trọng hơn do lo ngại các vấn đề liên quan đến cạnh tranh trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực ngân hàng, các nước thuộc TPP được chia ra thành nhóm các nước có hệ thống ngân hàng phát triển (Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Singapore) và các nước đang phát triển.

Hiện nay, một khó khăn chung của tất cả các nước đó là giữa các nước hiện tại đã tồn tại các FTA được ký kết và có hiệu lực hoặc ký kết với một nước nằm ngoài TPP. Điều này tạo ra những cản trở và làm chậm quá trình đàm phán của các nước.

Đối với 12 nước tham gia đàm phán TPP, Việt Nam đã ký các hiệp định đa phương trong đó có các nội dung liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính như: Hiệp định Thương mại tự do và quan hệ kinh tế thân thiện toàn diện ASEAN - Australia - New Zealand (AANZCERTA, thực hiện từ năm 2010), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP, thực hiện từ năm 2008) và các FTA song phương: Hiệp định Đối tác Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA, thực hiện từ năm 2009) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (ký tháng 10/2011). Khi tham gia TPP, tình trạng thương mại dịch vụ tài chính với các quốc gia nói trên có thể sẽ không thay đổi đáng kể, do đó các cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính của Việt Nam trong TPP sẽ phụ thuộc nhiều vào các điều khoản đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong đàm phán FTA là việc tăng cường tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính. Mỹ hiện tại đã ký FTA với 20 quốc gia trong đó có các nhóm quốc gia thuộc TPP như Australia, Chile, Peru và Singapore.

Một trong những mục tiêu Mỹ nhắm tới khi đàm phán TPP đạt được các thỏa thuận tự do hóa hơn nữa trong dịch vụ tài chính tạo hành lang cam kết rộng nhất có thể nhằm hướng tới thị trường tài chính của các đối tác tham gia hiệp định này trong tương lai.

Đáng chú ý là Mỹ sử dụng mô hình FTA đã ký kết với Hàn Quốc (KORUS FTA) năm 2012 để làm mô hình chuẩn trong khi đàm phán với các nước trong TPP. Mỹ phân biệt rất rõ ràng giữa “thương mại qua biên giới” và “hiện diện thương mại” trong hiệp định này.

Riêng đối với phương thức hiện diện thương mại, Hiệp định sử dụng phương pháp chọn bỏ (negative list) trong đó quy định một danh sách ngoại lệ các ngành dịch vụ không điều chỉnh bởi các nghĩa vụ tự do hóa như Đối xử Quốc gia (NT) và Tối huệ quốc (MFN) áp dụng chung cho tất cả các ngành khác. Phương pháp chọn bỏ được phân biệt với phương pháp chọn cho (positive list), trong đó chỉ các lĩnh vực hoặc các ngành nằm trong danh sách này thuộc đối tượng điều chỉnh của các nguyên tắc đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường.

Tương tự trong FTA giữa Mỹ và Singapore (USSFTA), Singapore đã dỡ bỏ các lệnh cấm trước đó đối với việc thành lập các ngân hàng của Mỹ tại Singapore; Mở rộng thêm các giới hạn hiện tại đối với cam kết chung về dịch vụ tài chính theo như hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Cụ thể, Singapore cho phép các ngân hàng của Mỹ được hoạt động trên tất cả các nghiệp vụ và ngân hàng bán buôn.

Các quốc gia tham gia ký kết FTA với Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiếp cận thị trường, nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) và Đối xử quốc gia đối với các nước cùng tham gia vào GATS/WTO, còn phải tuân theo các cam kết ở mức độ sâu hơn về mở cửa dịch vụ tài chính cho các tổ chức tài chính của Mỹ.

Dịch vụ tài chính của các quốc gia thường kém phát triển hơn rất nhiều so với Mỹ và là thị trường tiềm năng cho các công ty tài chính của Mỹ tiếp cận các thị trường này. Lấy ví dụ, một trong những cam kết của Chile trong FTA đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính là cần đảm bảo tiếp cận thị trường không giới hạn về số lượng, giá trị các giao dịch, các loại hình cung cấp dịch vụ các tổ chức tài chính của Mỹ và các hình thức giao dịch thương mại dịch vụ tài chính qua biên giới.

Những thách thức đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi tham gia TPP  - Ảnh 1

Các thách thức liên quan đến tự do hóa dòng vốn

Vấn đề liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn trong đàm phán TPP cũng đưa ra nhiều thách thức liên quan đến nội dung giao dịch xuyên biên giới (mặc dù cũng mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp xúc với luồng vốn ngoại của khu vực).

Tháng 10/2012, Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Thái Lan đã thực hiện kết nối với Malaysia và Singapore. Khi đó, 3 thị trường chứng khoán (TTCK) lớn nhất trong các Sở GDCK ASEAN kể trên đã trở thành 1 với gần 3.000 công ty niêm yết, có tổng giá trị vốn hóa thị trường gần 1.400 tỷ USD, chiếm khoảng 70% ASEAN. 4 Sở GDCK Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Indonesia và Philippines cũng chuẩn bị kết nối vào những năm tới.

Vướng mắc là TTCK Việt Nam và các thị trường trong khu vực vẫn còn nhiều sự khác biệt, không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà quan trọng nhất là sự kết nối đó phải đảm bảo cho nhà đầu tư có thể giao dịch tại chỗ thông qua hệ thống thanh toán bù trừ tại các TTCK khác nhau.

Hiện nay, một số quy định của nước ta vẫn là những rào cản cho việc kết nối này như quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN chỉ ở mức 49% (ở các ngân hàng là 30%), chưa tự do hóa tài khoản vốn (liên quan đến việc chuyển đổi giữa tiền đồng và ngoại tệ)...

Hiệp định TPP khi được ký kết sẽ nằm trong xu thế chung toàn cầu về tự do hóa tài chính, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vào ra giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng mối lo ngại về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho quốc gia nhận vốn như trường hợp của Indonesia. Dòng vốn vào Indonesia đã gây ra hậu quả là làm chệch hướng mục tiêu của các chính sách vĩ mô (vì nó gây ra tăng trưởng quá nóng, mất tính cạnh tranh, tăng chi phí can thiệp).

Đặc biệt, dòng vốn vào khi hệ thống ngân hàng nội địa thanh khoản quá mức đã gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương Indonesia trong việc thực hiện chính sách tiền tệ khiến nguy cơ lạm phát cao. Trong khi đó, tăng lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát lại làm chênh lệch lãi suất lớn hơn, có thể khiến dòng vốn vào tăng nhiều hơn.

Trong khi đối với dòng vốn ra, các quốc gia trong đó có Việt Nam lại phải đối mặt với nguy cơ (hoặc thực tế) đảo chiều dòng vốn hoặc hạn chế tỷ giá hối đoái. Do vậy, cần có những biện pháp kiểm soát luồng vốn ra hợp lý giúp ổn định thị trường ngoại hối và tránh nợ nước ngoài. Quốc gia tham gia đàm phán TPP có điều kiện tương đồng Việt Nam là Malaysia đã có sự kết hợp kiểm soát vốn và kiểm soát ngoại hối.

Những biện pháp này tạo sự ổn định của thị trường ringgit nội địa. Việc sử dụng ringgit trong thanh toán thương mại và kinh doanh ra nước ngoài bị cấm; việc chuyển tiền giữa các tài khoản bên ngoài của người không cư trú và các loại hình tín dụng bằng đồng ringgit giữa người cư trú và không cư trú bị cấm.

Không chỉ giao dịch được thực hiện bởi người không cư trú, chuyển nhượng vốn của người cư trú cũng bị hạn chế; tiền hồi hương đầu tư gián tiếp của người không cư trú bị chặn trong một năm, sau đó, việc chặn một năm đã được thay thế bằng thuế lên tiền hồi hương vốn đầu tư gián tiếp.

Một số khuyến nghị

Các thách thức trên đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Việt Nam cần thực hiện mở cửa có giới hạn các giao dịch vốn, thẩm định kỹ lưỡng các dự án sử dụng vốn nước ngoài, giám sát chặt chẽ sự chu chuyển của các dòng vốn ngắn hạn và các giao dịch vốn trên TTCK, đồng thời duy trì một số hạn chế đối với việc chuyển vốn ra nước ngoài.

Ngoài ra, cần thực hiện mở cửa từng bước thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình hội nhập đã cam kết, đồng thời đảm bảo kiểm soát được luồng vốn vào, vốn ra. Lộ trình và mức độ mở cửa TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài phải dựa trên cam kết quốc tế và cần phù hợp với khả năng giám sát và quản lý nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:

1. Barbara (2013), The next big thing? The trans-pacific partnership & Latin America. Americas Quarterly. Spring 2013;

2. Peter A. Petri, Michael G. Plummer and Fan Zhai: The Trans-Pacific partnership and Asia-Pacific integration : a quantitative assessment;

3. Miller & Chevalier Chartered: The Trans-Pacific Partnership Negotiations Opportunities and Challenges for Vietnam.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013

Những thách thức đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi tham gia TPP

ThS. LÊ PHƯƠNG NINH, ThS. VŨ THỊ THU HÀ

(Tài chính) Khu vực hóa và toàn cầu hóa là kết quả tất yếu của quá trình tự do hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó phải nói đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Xem thêm

Video nổi bật