Nợ xấu tăng trở lại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo tài liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 2 tháng liên tiếp giảm, nợ xấu trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng trở lại trong tháng 7/2013. Cụ thể, sau khi giảm từ 4,67% xuống 4,46% qua tháng 5 và 6, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 7/2013 đã tăng nhẹ trở lại và ở mức 4,58%, tương ứng với quy mô 138.980 tỷ đồng.

 Nợ xấu tăng trở lại
So với đầu năm 2013, nợ xấu đã tăng đáng kể, từ 4,3% lên 4,58%. Nguồn: internet

Theo lãnh đạo một ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu gia tăng không hẳn là xấu mà chứng tỏ các ngân hàng đang mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế, phân loại nợ rõ ràng hơn với quyết tâm giải quyết nhanh số nợ xấu này để trở lại quỹ đạo phát triển như trước đây.

 Tuy nhiên, đây mới là con số nợ xấu mà NHNN tổng hợp từ báo cáo của các TCTD. Còn dữ liệu của kênh giám sát từ xa, thường cao hơn rất nhiều, từ cuối năm 2012 đến nay, NHNN không công bố cụ thể. Điều đó cho thấy rằng nợ xấu vẫn chưa thể giảm bền vững sau khi cho tín hiệu trong tháng 5 và 6. So với đầu năm, nợ xấu đã tăng đáng kể, từ 4,3% lên 4,58%.

Ám ảnh nợ xấu

Theo NHNN, kinh tế vĩ mô năm 2013 đã có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nên nợ xấu trong những tháng đầu năm 2013 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh, mặc dù các TCTD vẫn nỗ lực xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Theo đó, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 là 86.300 tỷ đồng (năm 2012 là 69.200 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2013 là 17.100 tỷ đồng). Tổng số dư dự phòng còn lại đến cuối tháng 7/2013 là 75.050 tỷ đồng, tăng 10.850 tỷ đồng so cuối năm 2012.

Bên cạnh đó, các TCTD vẫn tiếp tục thực hiện biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do không phải trả lãi phạt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng, đồng thời góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng.

 Nợ xấu tăng trở lại - Ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ tăng chậm trở lại, nợ xấu đang là nỗi ám ảnh và là rào cản lớn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của các TCTD. Vậy nên, NHNN cần phải quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu.

Việc công khai nợ xấu cũng có cơ sở khi mà hệ thống ngân hàng đã có thêm công cụ giải quyết nợ xấu đó là Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đi vào hoạt động kể từ ngày 15/9 vừa qua.

Cắt lương để xử lý nợ xấu

Để xử lý nợ xấu một cách căn bản và đầy đủ, NHNN cho biết đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trong đó, nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý.

"5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015 được xác định, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập VAMC", NHNN cho biết.

Nguồn thông tin không chính thức cho biết, VAMC sắp mua khoản nợ xấu đầu tiên. Khả năng, khoản nợ xấu này sẽ có quy mô nhỏ. Hiện đã vào nửa cuối tháng 9 và sau khi ban hành 2 Thông tư mới gần đây hỗ trợ quá trình chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang cho VAMC, có thể kỳ vọng sẽ có thêm những diễn biến mới về vấn đề này.

Theo nguồn tin từ NHNN, một số thương vụ mua nợ xấu với quy mô nhỏ sẽ được công bố trong 1 hay 2 tuần tới; sau đó sẽ là những thương vụ lớn hơn về cuối năm. Tuy nhiên, chủ yếu các thương vụ sẽ được thực hiện vào 6 tháng đầu năm 2014. "Với những hạn chế về chất lượng tài sản bảo đảm đã được loại bỏ trong Thông tư cuối cùng được ban hành, phạm vi mua nợ xấu của VAMC sẽ rộng hơn nhiều", nguồn tin này nhận định.

Hiện thị trường đang chờ một thông tư về thanh lý các khoản nợ xấu, theo đó sẽ quy định rõ cách thức VAMC sẽ bán nợ xấu. Phản ứng ban đầu của thị trường đối với những thương vụ đầu tiên có lẽ sẽ không mạnh.

Để xử lý nợ xấu, các TCTD cho biết đã thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động (trong đó nhiều tổ chức đã giảm từ 20 - 50% chi phí tiền lương), hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro tín dụng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng…