Nỗi lo hụt thu ngân sách

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang đứng trước nhiều âu lo khi tổng thu NSNN tính đến ngày 31/7 ước đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán. Trong đó, số thu nội địa chỉ mới đạt 281.720 tỷ đồng, là tỷ lệ đạt thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định năm nay NSNN có thể hụt thu tới 65.000 tỷ đồng so với dự toán.

  Nỗi lo hụt thu ngân sách
Khả năng hụt thu tới 65.000 tỷ đồng trong năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Nguồn: internet

Hụt thu do doanh nghiệp ngừng hoạt động

Hụt thu ngân sách đang là vấn đề lớn của nhiều địa phương. Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết Chính phủ giao thành phố thu ngân sách cả năm 162.000 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm mới thu được 63.000 tỷ đồng.

Để thu thêm 99.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm là việc hết sức khó khăn, nhất là trong nửa cuối năm nhiều loại thuế được miễn giảm, gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, là địa phương có số thu chiếm 1/3 cả nước, nhưng 6 tháng đầu năm TP. Hồ Chí Minh mới thu ngân sách đạt 73.906 tỷ đồng, tương đương hơn 47% chỉ tiêu được giao.

Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế trên địa bàn vẫn tiếp tục khó khăn, hàng loạt DN bị khai tử. Nhiều DN có khả năng cũng không dám sản xuất vì sợ tồn kho. Lý do sức mua yếu vì người dân có xu hướng tiết kiệm, chỉ chi tiêu với những nhu cầu thiết yếu. Từ đó dẫn đến số thu thuế bị ảnh hưởng.

Để bù đắp phần hụt thu ngân sách, phải coi tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên. Chúng ta phải hết sức tiết kiệm chi, mọi đơn vị chỉ ưu tiên những khoản chi bức xúc, khoản nào chưa cấp bách thì chi chậm lại chuyển sang năm sau. Nếu để vỡ cân đối thu chi ngân sách sẽ khó khăn vô cùng.

Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng

Theo tổng hợp mới nhất của Tổng cục Thuế, đến cuối tháng 7/2014 có tới 32/63 địa phương có số thu thấp và rất thấp, trong đó có những địa phương quan trọng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Bởi vậy, khả năng hụt thu tới 65.000 tỷ đồng trong năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đây là con số đáng lo ngại vì trong nhiều năm liên tục NSNN đều có “truyền thống” vượt thu hàng chục ngàn tỷ đồng, có năm vượt thu đến 50.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 30/6, toàn quốc có tới gần 25.000 DN ngừng hoạt động, trong đó có 202 DNNN, 269 DN FDI, 24.460 DN ngoài quốc doanh.

“DN ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc ngừng nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước. Mặc dù số DN thành lập mới gần tương ứng nhưng rõ ràng không thể đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh ổn định như những DN đã có thời gian hoạt động trong thị trường. Điều này đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính - NSNN năm 2013” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải. Chuyên gia tài chính, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng việc không lường trước được khó khăn của nền kinh tế, của DN đã tác động đến nguồn thu ngân sách của năm nay.

Không tăng chi nếu không bảo đảm nguồn

Mặc dù đứng trước tình hình như vậy, ngành Tài chính cũng như Chính phủ vẫn quyết tâm không điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách của năm nay. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết để đạt được mục tiêu thu đúng dự toán, ngành xác định nhiệm vụ đầu tiên, rất quan trọng là phải thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh kết hợp quản lý thu - chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả.

Chính phủ nên cho tạm ứng hạn mức trái phiếu Chính phủ 2014 để kịp đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2013. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc tăng đầu tư phải đến đúng địa chỉ và tạo ra hiệu quả. Với thực tế đầu tư công vốn kém hiệu quả và lãng phí như thời gian qua, việc tăng đầu tư trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn có thể sẽ trở thành “con dao 2 lưỡi”, tạo ra rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế.

TS. Vũ Viết Ngoạn,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu không ban hành các cơ chế, chính sách có tác động làm tăng chi NSNN khi không có nguồn bảo đảm; quản lý chặt chẽ và chỉ phân bổ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách đối với những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, bất khả kháng. Đối với chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát từng dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ NSNN.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác điều hành ngân sách thời gian tới cần chủ động, tích cực; sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp trong phạm vi dự toán đã được quyết định.

Đối với các địa phương, trong trường hợp giảm thu so với dự toán phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương.

Đẩy mạnh việc tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả; nâng cao năng lực và chất lượng công tác phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường, chủ động có giải pháp ứng phó có hiệu quả; thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giá, gây biến động giá bất thường, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh...

Trong khi đó, ý kiến một số chuyên gia đề nghị cần nới rộng tài khóa để kích cầu. Qua đó, tạo thêm thị trường, việc làm cho DN và ngân sách có thể tăng thu từ đó.