Nửa cuối năm, ngành nào hút vốn mạnh?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tiếp nối xu hướng 6 tháng đầu năm, trong giai đoạn nửa cuối năm nay, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn... sẽ vẫn là “địa chỉ đỏ” thu hút mạnh dòng vốn tín dụng.

Nửa cuối năm, ngành nào hút vốn mạnh?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2013, dư nợ tín dụng tăng gần 4%; trong đó, tín dụng bằng VND tăng xấp xỉ 7%, trong khi tín dụng ngoại tệ giảm gần 9%. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Ước tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 5%, tín dụng xuất khẩu tăng gần 7%...

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013 vừa diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, tính đến 31/5/2013, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng đạt 333.642 tỷ đồng, tăng 13.567 tỷ đồng (4,2%) so với cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay. Được biết, trong đó, dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân đạt 258.442 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,5% so với dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng 5,3% so với đầu năm và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), 6 tháng đầu năm, tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng tốt, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu. Đây cũng sẽ là lĩnh vực mà OCB sẽ tiếp tục chú trọng giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2013.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho biết, 6 tháng đầu năm, ANZ tăng trưởng tín dụng hơn 18% và đã xin Ngân hàng Nhà nước nới trần tăng trưởng tín dụng lên trên mức 18%. Để hoàn thành định mức mới, ANZ sẽ tiếp tục tập trung phục vụ những khách hàng hiện tại, đồng thời tìm kiếm các khách hàng mới tiềm năng như các công ty xuất khẩu, các công ty chế tạo và sản xuất cũng như trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

“Khu vực nông nghiệp thực ra rất rộng, vì trong toàn bộ chuỗi cung cấp của ngành nông nghiệp, có thể bắt đầu từ những nhà sản xuất nhỏ lẻ, nông dân, trang trại, sau đó đến những nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc… Chúng tôi sẽ tập trung vào những công ty như nhà sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, những công ty thu gom và chế biến nông sản. ANZ không chỉ cạnh tranh về một sản phẩm tín dụng là cho vay, mà còn có nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng khác như tư vấn, cung cấp các sản phẩm phòng vệ rủi ro. Đặc biệt, Ngân hàng có những chuyên gia về tài chính nông nghiệp... có thể tư vấn cho các DN trong ngành này”, ông Tareq chia sẻ.

Lãnh đạo Agribank cho biết, Ngân hàng vừa ban hành văn bản số 4359/NHNo-HSX về tăng cường cho vay hộ sản xuất và cá nhân. Để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng trưởng 15 -17%, chiếm tỷ trọng 53 - 55% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tỷ lệ dư nợ nông nghiệp, nông thôn đạt 70%, Ban lãnh đạo Agribank yêu cầu Sở giao dịch, các chi nhánh loại I, loại II triển khai mở rộng các mô hình chuỗi giá trị liên kết, hợp tác 4 nhà (nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học - ngân hàng).

Theo đó, đối tượng được đầu tư vốn sẽ theo hướng khép kín từ sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng vay vốn như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi... Đồng thời, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương để đưa ra những giải pháp đầu tư có hiệu quả; tăng trưởng tín dụng đối với các ngành nghề, lĩnh vực đang phát triển trên địa bàn, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các khách hàng truyền thống, khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của Agribank, đặc biệt là hộ sản xuất hàng hoá, kinh tế trang trại...

Bên cạnh đó, Agribank còn đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và mở rộng các đối tượng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Thông qua việc cho vay hộ sản xuất và cá nhân thực hiện cung ứng các sản phẩm, dịch vụ để mở rộng thị trường...

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng tập trung nguồn vốn lớn cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, Vietcombank vẫn sẽ tiếp tục chủ trương tập trung vào nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với cho vay nông nghiệp sẽ cẩn trọng hơn vì gần đây, trong các lĩnh vực này, nợ xấu bắt đầu phát triển tương đối mạnh do hàng tồn kho trong ngành tăng lên khi đầu ra hạn chế.