Phải biết “lắc đầu”!

Theo daibieunhandan.vn

Điều hành nền kinh tế ra sao, thu hút đầu tư nước ngoài thế nào để đất nước không bị trả giá? Đó là những trăn trở tại diễn đàn hội nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức ở Khánh Hòa. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quyết liệt chỉ đạo: Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải chọn lọc các dự án!

Ảnh minh họa: nguồn Internet
Ảnh minh họa: nguồn Internet

Báo chí gần chục năm trước đã gióng tiếng chuông cảnh báo về ô nhiễm công nghiệp. Nhưng tiếng chuông ấy hình như không đủ sức nặng trước làn sóng mở khu công nghiệp, cụm công nghiệp như một phong trào ở khắp các tỉnh thành.

Thôi thì tỉnh này, tỉnh kia đua nhau mở các khu công nghiệp như khoe ra sự năng động và nhạy bén trước thời cuộc của lãnh đạo các tỉnh, các bộ, ngành. Ai cũng hiểu nếu chỉ làm nông nghiệp thì sao có thể giàu? Rõ ràng phải đi lên từ công nghiệp, phải làm công nghiệp hiện đại, đất nước mới có thể ngẩng cao đầu.

Chủ trương đúng, nhưng cách làm thì ào ạt, chưa tính trước ngó sau chăng, nên bức tranh kinh tế vẫn chưa sáng được ra. Bao lĩnh vực hướng đến công nghiệp mũi nhọn, hướng đến công nghiệp công nghệ cao, nhìn lại vẫn như còn xa vời chưa với tới. Mổ xẻ đến cùng, thì quy hoạch tổng thể của kinh tế một quốc gia vẫn chưa chuẩn chỉ, chưa phác thảo rõ “đường đi nước bước”!

Bức xúc của người dân: Vì sao quản lý các doanh nghiệp FDI còn bị buông lỏng, đến nỗi nhiều doanh nghiệp chuyển giá, né thuế không nộp một đồng cho ngân sách? Vì sao việc giám sát xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bộ, ngành nào cũng nói rất hay, nhưng vẫn cứ xì ra đây đó chuyện xả thải loạn xạ.

Ai hay doanh nghiệp họ xả thải ngầm dưới biển, họ xả cả chất thải ngay trên đất trang trại của ông giám đốc quản lý môi trường! Vậy mà vẫn chưa quy được trách nhiệm cá nhân cho ai. Ai hay họ thay đổi công nghệ xả thải, mà Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cả ban, sở của tỉnh Hà Tĩnh giờ mới biết, thì có thể gọi đó là thẩm định đầu tư “quan liêu”, là kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chăng?

Vì quá khát đầu tư nên các cơ quan chức năng bỏ qua những cam kết của nhà đầu tư, chỉ chú ý đến bạc tiền họ đem đầu tư vào ta chăng?

Thảm trải quá đỏ nhưng phải biết chọn lọc. Không thể doanh nghiệp FDI nào họ vào ta mở nhà máy, làm cái gì chúng ta cũng gật đầu được đâu. Nên nhớ, công nghiệp càng sản xuất những sản phẩm hiện đại, thì lại càng xả thải hóa chất ô nhiễm cực độc.

Công nghiệp sắt thép, xi măng, hóa lọc dầu, dệt nhuộm, nhựa… là những ngành ô nhiễm rất lớn. Phải hiểu nhiều nước họ không làm, mà chuyển máy móc thiết bị sang các nước. Vậy thì chúng ta phải tỉnh táo nhìn xa dài, chứ cứ “gật đầu” ôm về thì nay mai hệ lụy ô nhiễm sẽ lĩnh đủ, trách chi ai?

Mọi việc trong thu hút đầu tư, giờ phải rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành ra. Phải nhìn rõ bao sông suối đã chết vì mở công nghiệp. Xót xa cho những tỉnh có núi đá vôi đêm ngày nổ mìn mở nhà máy xi măng, giờ nhìn lại núi non nham nhở hết.

Giật mình nhìn về những thủy điện mở loạn xạ đang giết rừng, giết ruộng đến cháy khô cây trái vì hạn quá nặng. Điềm tĩnh nhìn lại, thì bạc tiền nào đổ ra có thể lấy lại được cái trong xanh của bao con sông như xưa được nữa.

Vào các bệnh viện chen chân người bệnh với đủ bệnh tác quái để tỏ hơn môi trường sống đang bị khuynh đảo thế nào? Mỗi ngày mà cả nước bỏ ra tới 20 tỷ đồng hóa chất thuốc sâu rải trên đất nước cùng với nước xả thải, chất thải rắn công nghiệp đủ loại, thì cuộc sống con người sẽ ra sao, đồng ruộng miệt vườn sẽ thế nào?

Bạc tiền liệu có thể đánh đổi được môi trường không? Dứt khoát phải “nói không” như lãnh đạo Khánh Hòa “lắc đầu” với nhà máy sắt thép đầu tư “khủng” ngày nào! Rõ ràng không thể gật đầu “bê” cả những nhà máy giấy vào để giết chết dòng sông Hậu - vựa lúa, vựa cá tôm, vựa cây trái đồng bằng sông Cửu Long?

Điềm tĩnh nhìn nhận trong thu hút chọn lọc đầu tư, chính là sử dụng quyền từ chối, kiên quyết “lắc đầu” với những dự án gây nhiều ô nhiễm, lắc đầu với những nhà đầu tư “khuân” vào ta những thiết bị cũ mèm, lỗi thời. Chỉ có thế, đất nước mới tránh cái nguy cơ là bãi chứa chất xả thải công nghiệp của thế giới nay mai!