Phân tích chỉ số bán lẻ điện tử GREcI của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

Nguyễn Bình Minh - Đại học Thương mại

Chỉ số bán lẻ điện tử GREcI là chỉ số thu hút thị trường trực tuyến được Công ty A.T. Kearney đưa ra lần đầu tiên vào năm 2012 và tính đến thời điểm mới tạm thời công bố chỉ số hai năm (2013 và 2015). Chỉ số phát triển bán lẻ điện tử tăng thể hiện quốc gia đó là nền kinh tế có thị trường bán lẻ mức hấp dẫn khá cao. Để nghiên cứu về chỉ số bán lẻ điện tử GREcI, bài viết lựa chọn 2 quốc gia có chỉ số bán lẻ điện tử cao nhất thế giới trong thời gian 2 năm gần nhất, đồng thời, trao đổi về thực trạng bán lẻ điện tử tại Việt Nam và các khuyến nghị nhằm gia tăng chỉ số bán lẻ điện tử của Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về Chỉ số bán lẻ điện tử GREcI

Chỉ số bán lẻ điện tử GREcI gọi là chỉ số thu hút thị trường trực tuyến được Công ty A.T. Kearney (Hoa Kỳ), tập trung vào các vấn đề chiến lược và hoạt động của CEO với các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức trên toàn cầu) đưa ra lần đầu vào năm 2012 xếp hạng dựa trên chín yếu tố, bao gồm các yếu tố vĩ mô cũng như đánh giá người tiêu dùng chấp nhận công nghệ, hành vi mua điện tử, cơ sở hạ tầng và các hành động bán lẻ cụ thể.

GREcI xếp hạng các quốc gia hấp dẫn cho bán lẻ điện tử trên thang đo 0-100 điểm và tiến hành đánh giá điểm hai năm một lần. Kết quả đánh giá điểm càng cao, quốc gia càng có tiềm năng và mức hấp dẫn cho bán lẻ điện tử, trong đó giá trị bán lẻ điện tử được tính tại quốc gia nơi giao dịch được thực hiện và không bao gồm hoặc không phải là quốc gia nơi nhà bán lẻ đóng trụ sở.

Các đối tượng của bán lẻ điện tử gồm: Hàng may mặc, trang sức cá nhân, thiết bị tiêu dùng, đồ điện tử, đồ làm vườn, thực phẩm và đồ uống, ấn phẩm chăm sóc tại nhà, đồ đạc, trang thiết bị, sản phẩm truyền thông, đồ chơi và games, các sản phẩm khác… Hiện tại, chỉ có chỉ số hai năm 2013 và 2015 được tính như sau: GREcI = 40%* OMS + 20%*CB + 20%* Inf + 20%*GP, trong đó:

Thứ nhất, thành phần quy mô thị trường trực tuyến OMS (Online market size) phản ánh doanh số bán lẻ trực tuyến năm hiện tại, có trọng số 40% (một số năm trước là 30%). Chỉ số OMS càng cao phản ánh quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến lớn.

Phân tích chỉ số bán lẻ điện tử GREcI  của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam - Ảnh 1Thứ hai, chỉ số hành vi người tiêu dùng CB (Consumer behavior): Các chỉ số của hành vi người tiêu dùng trực tuyến như thâm nhập Internet, các xu hướng mua sắm và chấp nhận công nghệ (TA). Chỉ số CB cao phản ánh hạ tầng và cơ sở thuận lợi cho giao dịch mua, bán trực tuyến cao hơn. Hiện tại, chỉ số này có trọng số 20% (một số năm trước là 30%).

Thứ ba, chỉ số hạ tầng (Inf): Các chỉ số của hạ tầng tài chính và logistics, bao gồm tỷ lệ số người sử dụng thẻ thanh toán CC và sự sẵn sàng của nhà cung cấp dịch vụ logistics và thực hiện đơn hàng. Chỉ số Inf cao phản ánh hạ tầng tài chính và logistics thuận tiện cho giao dịch mua, bán trực tuyến. Chỉ số này có trọng số là 20%.

Thứ tư, chỉ số tiềm năng tăng trưởng GP (Growth potential) có trọng số 20%. Chỉ số này dự kiến tiềm năng tăng trưởng doanh số bán lẻ trực tuyến quốc gia. GP càng cao phản ánh triển vọng tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến càng lớn.

Xử lý dữ liệu và phân tích dữ liệu

Bài viết sử dụng dữ liệu thứ cấp được tổng hợp tại Bảng 1 và Bảng 2.

Phân tích dữ liệu bằng biểu đồ cột, so sánh các chỉ số điểm thành phần của GREcI của hai quốc gia trong các năm 2013, 2015 (Hình 1).

Theo Bảng 1 và Bảng 2, chỉ số GREcI của Trung Quốc năm 2013 đứng thứ Nhất, Hoa Kỳ đứng thứ 3; còn năm 2015 Hoa Kỳ đứng thứ Nhất, Trung Quốc đứng thứ 2. Như vậy, đã có sự thay đổi vị trí xếp hạng của hai quốc gia này. Điểm số tương đối thay đổi giữa hai năm là rất nhỏ (1,2% = 84,0% - 82,8%) và 1,47% = 79,3% - 77,83%).

Cả hai quốc gia đều có điểm quy mô thị trường cao nhất 100% bằng nhau, điểm hành vi người tiêu dùng Trung Quốc thấp hơn Hoa Kỳ, sau hai năm, điểm số này của Trung Quốc tụt giảm trong khi Hoa Kỳ tiếp tục tăng. Điểm tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc rất cao, nhưng điểm hạ tầng của Hoa Kỳ lại cao hơn Trung Quốc rất nhiều.

Điểm chỉ số tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc năm 2013 rất cao so với Hoa Kỳ, mặc dù có giảm đi vào năm 2015 nhưng vẫn rất có tiềm năng tăng trưởng so với Hoa Kỳ trong khi điểm chỉ số hạ tầng cơ sở thì Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ và chưa có cải thiện trong năm 2013 và 2015.

Phân tích chỉ số bán lẻ điện tử GREcI  của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam - Ảnh 2Mặc dù, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đứng hàng đầu thế giới về thị trường bán lẻ điện tử, nhưng mức hấp dẫn của mỗi thị trường thực sự khác nhau. Cụ thể, tiềm năng tăng trưởng của Hoa Kỳ là thấp, trong khi của Trung Quốc thì rất cao.

Nếu chỉ số hạ tầng của Trung Quốc tăng trong những năm tới (hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics và giao nhận hàng hóa được giải quyết), khả năng Trung Quốc sẽ là thị trường dẫn đầu và điểm số sẽ cách biệt ngày càng lớn với Hoa Kỳ.

Tình hình bán lẻ điện tử tại Việt Nam

Việt Nam - quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới, với chỉ số phát triển bán lẻ (GRDI) luôn đứng vị trí cao, cụ thể: Nếu như năm 2013, Việt Nam đứng ngoài vị trí 30 quốc gia có chỉ số GRDI cao nhất thế giới, thì năm 2014, đã vươn lên vị trí thứ 28, năm 2016 đứng vị trí thứ 11 và năm 2017 đứng vị trí thứ 6.

Chỉ số phát triển bán lẻ điện tử tăng thể hiện Việt Nam là nền kinh tế có mức hấp dẫn thị trường bán lẻ khá cao, tuy nhiên, GRDI của Việt Nam biến đổi quá lớn trong các năm là do các chỉ số thành phần biến đổi mạnh, trong đó chỉ số độ hấp dẫn thị trường của Việt Nam biến động mạnh nhất (Bảng 3).

Phân tích chỉ số bán lẻ điện tử GREcI  của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam - Ảnh 3Việt Nam có quy mô dân số đông nhưng giá trị GDP vẫn còn thấp, đứng thứ 50 (+-5) trên thế giới, do vậy các chỉ số thành phần cấu thành GRDI dễ bị tác động và biến đổi, kéo theo điểm số GRDI cũng biến động mạnh. Hệ quả là chỉ số xếp hạng của Việt Nam biến đổi rất lớn, từ vị trí thứ 28 trong năm 2014 đã vươn lên vị trí thứ 6 trong năm 2017. 

Mặc dù, có vị trí khá cao về chỉ số phát triển bán lẻ GRDI, nhưng chỉ số bán lẻ điện tử GREcI của Việt Nam không thuộc vào thứ hạng 30 quốc gia, nền kinh tế đứng đầu trong bảng xếp hạng.

Bán lẻ điện tử có thể xem là bộ phận cấu thành của ngành Bán lẻ của mỗi quốc gia, nền kinh tế, nhưng tỷ trọng giá trị bán lẻ điện tử của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2016, giá trị bán lẻ điện tử Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, năm 2017, đạt khoảng 4,07 tỷ USD, chiếm khoảng 2-2,5% giá trị bán lẻ.

Phân tích chỉ số bán lẻ điện tử GREcI  của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam - Ảnh 4 Hơn nữa, chỉ số bán lẻ điện tử và chỉ số phát triển bán lẻ không giống nhau, dù thành phần cấu thành các chỉ số này có một số điểm chung như quy mô thị trường bán lẻ được thể hiện qua giá trị bán lẻ điện tử trong GREcI và trong xem xét độ hấp dẫn thị trường với doanh số bán lẻ bình quân đầu người, tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn trong GRDI; Hoặc xem xét thành phần các chỉ số về hạ tầng tài chính và logistics, tỷ lệ số người sử dụng thẻ thanh toán và sự sẵn sàng của nhà cung cấp dịch vụ logistics trong GREcI và là các yếu tố hữu hình như số lượng siêu thị, các nhà phân phối, tỷ lệ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa trên 100 dân, số lượng cửa hàng, kho bãi và siêu thị trong GRDI.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Để Việt Nam có thể đứng vào vị trí cao trong xếp hạng chỉ số bán lẻ điện tử GREcI, với vị trí cao về chỉ số GRDI hiện tại, Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cần chú trọng các cải thiện các chỉ số cấu thành GREcI, trong đó đặc biệt chú trọng đến tăng và cải thiện các chỉ số hành vi người tiêu dùng (Chỉ số CB) qua việc tăng lượng số người tiêu dùng trực tuyến, tăng giá trị mua sắm trực tuyến, hoàn thiện các chỉ số về hạ tầng tài chính và logistics, tăng tỷ lệ thanh toán điện tử.

Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa và hỗ trợ cho giao dịch mua bán qua phương thức thương mại điện tử ngày càng dễ dàng và tiện lợi hơn.

Bên cạnh đó, phát triển bán lẻ điện tử cần gắn kết với phát triển bán lẻ truyền thống, trong đó cần chú trọng những mô hình phân phối hàng hóa kết hợp đa kênh, sự hỗ trợ của kênh trực tuyến với kênh truyền thống trong các giai đoạn của quá trình bán hàng.

Như vậy, những hạn chế của mỗi hình thức bán lẻ sẽ được giải quyết. Nếu làm tốt điều này, chắc chắn không chỉ là vị trí của chỉ số bán lẻ điện tử GREcI của Việt Nam được xếp hạng cao, mà có khả năng Việt Nam sẽ duy trì được vị trí chỉ số phát triển bán lẻ GRDI của mình trong những năm tới.            

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2018), Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam EBI 2018;

2. VECITA, Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam các năm 2015, 2016, 2017;

3. A.T. Kearney, The 2013, 2015, Global Retail E-commerce Index;

4. A.T. Kearney, The 2013-2016, Global Retail Development Index;

5. Một số website: vecom.vn,via.org.vn, baocongthuong.com.vn…