Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

ThS. Nguyễn Văn Tâm - Học viện Ngân hàng

Công nghệ tài chính (Fintech) dùng để miêu tả một xu hướng mới nổi trong ngành tài chính – ngân hàng. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để Fintech phát triển. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển, Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vài nét về công nghệ tài chính

Công nghệ tài chính (Fintech) dùng để miêu tả một xu hướng mới nổi trong ngành tài chính – ngân hàng. Nói đơn giản hơn, Fintech là ứng dụng khoa học - công nghệ vào ngành Tài chính - ngân hàng. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ cung ứng của các công ty Fintech là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính truyền thống, người tiêu dùng và các doanh nghiêp (DN) thông thường.

Các công ty Fintech hiện đang cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số… với các sản phẩm đa dạng như: Ví điện tử, công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, thương mại trực tuyến B2C, mPOS…

Về cơ bản, có thể phân các dịch vụ mà các công ty Fintech cung ứng theo các loại hình dịch vụ: Dịch vụ tài chính: Huy động vốn từ cộng đồng, tín dụng…; Quản lý tài sản (mạng xã hội đầu tư); Khuyến nghị tự động hóa; Quản trị tài chính cá nhân; Dịch vụ đầu tư và ngân hàng; Dịch vụ thanh toán (biện pháp thanh toán thay thế, bảo mật); Dịch vụ khác (bảo hiểm, bảo lãnh, giải pháp công nghệ khác)…

Fintech đem theo một làn sóng khởi nghiệp trong ngành Tài chính - ngân hàng, ngành mà trước đây được biết đến là khi muốn ra nhập cần có nguồn vốn dồi dào. Điều này cũng dẫn đến sự đa dạng về thành phần, đa dạng sản phẩm, theo đó cũng sẽ gây khó khăn cho việc quản lý.

Tuy nhiên, khi tận dụng tốt, Fintech có thể đem đến những lợi ích cụ thể như: Thay đổi kênh phân phối sản phẩm, làm sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng; Giúp dễ dàng phân tích hành vi khách hàng; Cắt giảm lao động làm giảm chi phí đầu vào cho tổ chức; Cắt giảm rủi ro do sai sót; Tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giảm giá sản phẩm.

Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Theo đó, tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ Fintech đối với thanh toán, chuyển tiền, tài chính cá nhân, vay cá nhân và tiết kiệm lần lượt là: 84%, 68%, 60%, 56%, và 49% (PWC, 2017).

Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1Điều này cho thấy, lượng khách hàng thường xuyên tiến hành hoạt động thanh toán, chuyển tiền và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ tài chính Fintech (Hình 1).

Các tổ chức tài chính truyền thống hiện tại đang thực hiện phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính thông qua việc hợp tác với các công ty Fintech.

Theo khảo sát, ở 82% các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống có ý định hợp tác với các công ty Fintech trong 3 - 5 năm tới; 77% mong muốn sử dụng blockchain như là một phần của hệ thống hoạt động trong năm 2020 và các tổ chức tài chính truyền thống kỳ vọng nhận được lợi tức đầu tư trung bình là 20% cho các dự án liên quan đến Fintech (Pwc, 2017).

Từ đó, các tổ chức tài chính truyền thống sẽ giải quyết các vấn đề về hệ thống công nghệ, nâng cao chất lượng và tiện ích các của dịch vụ tài chính, mở rộng hoạt động truyền thông khách hàng từ hoạt động hợp tác với các công ty Fintech.

Fintech tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Theo thống kê, tại Việt Nam có 53% dân số sử dụng internet - tương ứng với khoảng hơn 50 triệu người. Đặc biệt, với hơn 124 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 41 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên, Việt Nam có rất nhiều tiềm năm để Fintech phát triển.

Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC còn rất thấp với tỷ lệ sử dụng ATM; vay truyền thống hay các hình thức tiết kiệm truyền thống chính là cơ hội cho Fintech (Hình 2).

Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ, dù các DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008 với 9 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đến nay, Việt Nam có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…).

Một số ít công ty hoạt động trong lĩnh vực gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado, Firststep), chuyển tiền (Matchmove, Cash2vn, Nodestr, Remittance Hub), Blockchain (Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin, Copyrobo, Cardano Labo), quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS, quản lý dữ liệu, cho vay và so sánh thông tin (Mobivi, Money Lover, Timo, kiu, Loanvi, Tima, TrustCircle, Hottab, SoftPay, ibox, BankGo, gobear...). Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Indonesia có 120 công ty Fintech; Singapore có hơn 300 công ty).

Các DN Fintech ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào một số ít ngành nhất định, trong khi nhiều ngành khác bị “lãng quên” như kêu gọi vốn cộng đồng, tín dụng... dù thị trường không thiếu nhu cầu. Đây chính là cơ hội cho những DN Fintech trong tương lai phát triển.

Bên cạnh đó, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang phát triển rầm rộ và dần chiếm thị phần ngày càng lớn thay thế cho hình thức mua sắm truyền thống cũng là cơ hội để những DN Fintech có thể phát triển thêm ứng dụng công nghệ vào thanh toán, tín dụng, quản lý tài chính cá nhân như kinh nghiệm một số nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức:

Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Ảnh 2Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật.

Thứ ba, các DN Fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cũng như đường hướng phát triển lâu dài, điều này khiến cho DN khó có thể phát triển lớn mạnh.

Thứ tư, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra nhũng “lỗ hổng bảo mật”. Người dân còn chưa có ý thức trong việc bảo mật những thông tin cá nhân như họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản… Điều này làm gia tăng mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tài khoản của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển Fintech trong thời gian tới

Để vượt qua được những thách thức, tận dụng tốt những ưu việt của Fintech mang lại trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Một là, nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp lý về Fintech. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech; Tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm Fintech; Nhanh chóng xây dựng quy định pháp lý về tiền ảo, tiền điện tử, công nhận nó như một loại “tài sản ảo”; Quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động một cách minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu… Đồng thời, quy định rõ mô hình kinh doanh của các công ty cung cấp Fintech…

Hai là, xây dựng chính sách phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và nền kinh tế. Coi sự phát triển của Fintech gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, là một bộ phận của ngành tài chính - ngân hàng, chịu sự quản lý của ngành nghề đặc thù.

Bên cạnh đó, có các chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn; tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính- ngân hàng truyền thống.

Ba là, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng những lợi ích của công nghệ blockchain, công nghệ sổ cái phân tán... để áp dụng nhanh chóng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực khác do những lợi ích từ công nghệ này là rất lớn.

Bốn là, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ứng dụng và quản lý Fintech. Có cơ chế khuyến khích đào tạo nhân lực va thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển Fintech. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế như ADB, WBG... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các DN Fintech.

Năm là, tăng cường hợp tác giữa các bên trong việc cung ứng sản phẩm Fintech. Tăng cường hợp tác giữa các DN Fintech với các tổ chức tài chính- ngân hàng truyền thống, cũng như các DN cung cấp internet, thông tin… đảm bảo cho các bên phát huy được lợi thế của mình, tạo điều kiện cho phát triển Fintech ở Việt Nam trong thời gian tới. 

Sáu là, đa dạng hóa sản phẩm và phổ cập kiến thức về Fintech đến người tiêu dùng. Trên cơ sở phát triển những sản phẩm Fintech chủ yếu là thanh toán và chuyển tiền, cần mở rộng các sản phẩm tiềm năng khác như quản lý tài chính, cho vay, tiết kiệm… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Đồng thời, tích cực quảng bá, phổ cập kiến thức về Fintech, cũng như thông tin nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro trong giao dịch Fintech, từ đó giúp nhận biết những lợi ích từ ứng dụng công nghệ mà Fintech đem lại.    

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Thống kê về hoạt động thanh toán năm 2017, truy cập https://www.sbv.gov.vn;

2. Hà Văn Dương, Hà Phạm Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Mỹ Lệ (2018), FINTECH: Hệ sinh thái ở các nước và vận dụng tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 1;

3. Pwc (2017), Global Fintech Report;

4. FinTech News (2017), Vietnam FinTech Startups, http://fintechnews.sg/vietnam-fintech-startups/.