Phát triển thương mại, dịch vụ trong nước: Không nhanh sẽ mất thị trường

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Thương mại trong nước thời gian qua tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hàng hóa và thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy vậy, việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối đã làm nảy sinh nhiều vấn đề và đòi hỏi những giải pháp mới để phát triển thương mại, dịch vụ trong nước. Nếu không làm nhanh thì Việt Nam sẽ mất hết thị trường.

Với sự quan tâm phát triển thị trường nội địa, các loại hình hạ tầng thương mại buôn bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nguồn: Internet
Với sự quan tâm phát triển thị trường nội địa, các loại hình hạ tầng thương mại buôn bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nguồn: Internet
Nhiều khó khăn

Tại hội thảo “Vai trò của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ” do Bộ Công thương tổ chức sáng 18/5, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Văn Hội cho biết, giai đoạn 2011-2017, với sự quan tâm phát triển thị trường nội địa, các loại hình hạ tầng thương mại buôn bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng.

Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại thời gian gần đây nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng, duy trì cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại.

Lưu lượng hàng hóa qua chợ trung bình từ 35 - 40%. Mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt hơn 3.568 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 4.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Bốn tháng đầu năm 2018, con số này ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn gặp khó khăn, như hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phân bố không đều, tập trung và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ thưa thớt, siêu thị và trung tâm thương mại ít. Bên cạnh đó, hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số có quy mô nhỏ; nguồn vốn đầu tư phát triển chợ chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý.

Bên cạnh việc nhận thức về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng thương mại trong nước chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất, ông Đinh Việt Thanh, đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, khó khăn lớn nhất đối với sản phẩm hàng hóa đã có uy tín trên thị trường là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp phải tự “chống chọi” bằng nghiệp vụ hạn chế và thiếu hiểu biết pháp luật, có khi còn gặp rủi ro về phản ứng tự phát do tự bảo vệ mình.

Ứng phó kịp thời

PGS. TS. Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, với việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, thực hiện các cam kết quốc tế mà tiêu biểu là sự xuất hiện của các nhà phân phối nước ngoài trong quản lý, đã làm nảy sinh một loạt xu hướng phát triển trên nhiều khía cạnh và phương diện khác nhau của thương mại trong nước.

Do đó, để phát triển thương mại, dịch vụ trong nước, trọng tâm là hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành các chuỗi cung ứng trên cả nước.

Phải thu hút và kết nối các cơ sở kinh doanh phụ trợ tham gia vào chuỗi, trở thành thành viên của chuỗi. Đồng thời, hình thành và phát triển các trung tâm logistics cấp vùng, bám sát và phục vụ quá trình tối ưu hóa dòng vận động vật chất của hàng hóa trong chuỗi cung ứng.

Trọng tâm thứ hai là hình thành mạng lưới cửa hàng tiện lợi. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước chuyển hóa các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh tiểu thương thành cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần.

Hàng hóa được đặt hàng nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, trong đó chủ yếu từ trung tâm bán buôn hiện đại. “Thực hiện được hai việc trên sẽ góp phần chuyển biến thương mại rõ rệt. Chúng ta phải nhanh chân chứ không nên chờ đến khi đủ điều kiện mới làm, mà cứ làm rồi sẽ đủ, không nhanh sẽ mất hết thị trường”, TS. Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Việt Thanh, để phát triển thị trường thương mại bền vững, doanh nghiệp cần một thị trường sòng phẳng để cạnh tranh và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn. Doanh nghiệp cũng muốn hướng tới làm đầu tàu trong lĩnh vực sở trường của mình và sẵn sàng làm “vệ tinh” gia công cho những doanh nghiệp lớn hơn, bởi đó là quy luật của thị trường.