Yêu cầu từ thực tế

Tại Việt Nam, các công ty chứng khoán (CTCK) ra đời từ năm 2000, phát triển mạnh vào những năm 2006-2007 và hoạt động cho tới nay với khung pháp lý đang ở trong quá trình hoàn thiện. Các CTCK được thành lập theo một số cách: (i) do các cổ đông góp vốn thành công ty cổ phần; (ii) do các chuyên gia có kinh nghiệm về tài chính - ngân hàng thành lập; (iii) do các tổ chức tín dụng thành lập; (iv) do các công ty đa ngành thành lập; (v) do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn 100%. Trong 105 CTCK hiện hoạt động ở Việt Nam, có 83 CTCK (80%) là công ty cổ phần, 17 CTCK do các tổ chức tín dụng thành lập, 5 CTCK trực thuộc các tổng công ty (bảo hiểm, dầu khí, cao su). Theo Luật Chứng khoán Việt Nam năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán năm 2010, các CTCK ở Việt Nam được thực hiện 4 nghiệp vụ là: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, CTCK được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính. Quy định này đã để ngỏ khả năng thực hiện các dịch vụ tài chính khác khi thị trường có nhu cầu.

Mặc dù hoạt động trong ngành kinh doanh có điều kiện là kinh doanh chứng khoán, với các quy định tương đối chặt chẽ về luật pháp về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, quản trị công ty… song, với sự suy giảm của nền kinh tế và thị trường, các CTCK phải đối mặt với khá nhiều khó khăn:

- Về nghiệp vụ kinh doanh: Với 4 nghiệp vụ kinh doanh chính, các CTCK lựa chọn thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các nghiệp vụ này. Việc cân đối giữa nghiệp vụ môi giới chứng khoán và các nghiệp vụ khác (ví dụ như tự doanh) không hợp lý đã khiến một số CTCK rơi vào vòng xoáy nợ nần và mất khả năng thanh toán (CTCK SME, Hà Thành, Trường Sơn, SBS, Thăng Long...). Một số CTCK có ý định rút bớt nghiệp vụ kinh doanh để tiết giảm chi phí, thậm chí CTCK Kim Long có ý định bỏ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán vào tháng 3/2011 song đại hội đồng cổ đông không tán thành, CTCK Cao su rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành vào tháng 7/2012… Trong điều kiện luật pháp không cho phép, các CTCK tự xoay sở, áp dụng đòn bẩy tài chính mạnh tay, sử dụng dòng tiền dễ dãi từ những năm 2006-2007 và không kiểm soát được khi thị trường suy giảm. Giai đoạn 2006-2007 là giai đoạn phát triển nhất của cho vay đầu tư chứng khoán khi hầu như tất cả CTCK đều vay tiền ngân hàng để cho nhà đầu tư vay dưới nhiều hình thức (mặc dù CTCK không được cho nhà đầu tư vay tiền) và để tự doanh. Đa số nhà đầu tư cá nhân cũng đi vay tiền để đầu tư chứng khoán, nâng dư nợ tín dụng chứng khoán có thời điểm lên tới 60.000 tỷ đồng. Cho vay chứng khoán giảm mạnh từ 9/2008 cho đến nay (khi suy thoái kinh tế kéo dài), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những hoạt động quản lý hạn chế dòng vốn tín dụng và kiểm soát cho vay chứng khoán. Đa số CTCK và nhà đầu tư lâm vào tình trạng cháy tài khoản. Hệ quả là khả năng phân tán rủi ro thấp trong khi đòi hỏi về lợi nhuận ngắn hạn cao khiến các CTCK “làm liều”.

Các sản phẩm tài chính mới trên thị trường rất ít, chậm được triển khai vì những lý do thận trọng và tình hình chưa cho phép. Trong cơ cấu nguồn thu của CTCK, nguồn thu từ môi giới, tư vấn, tự doanh, góp vốn đầu tư chứng khoán… chiếm tỷ lệ nhỏ, đa số là ở nguồn thu khác từ thu nhập tiền lãi, dịch vụ tài chính (repo chứng khoán…).

- Về nguồn vốn hoạt động: Vốn pháp định cho CTCK khi thực hiện toàn bộ 4 nghiệp vụ là 300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tùy thuộc vào đóng góp của cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược, các quỹ, đánh giá lại tài sản… 105 CTCK hiện có tổng vốn điều lệ là 35.941 tỷ đồng, tổng nguồn vốn khả dụng khoảng 1 tỷ USD. Một phần lớn vốn hoạt động của CTCK đến từ các tổ chức tín dụng khi cho vay kinh doanh chứng khoán, cầm cố chứng khoán (nhất là ở các CTCK do các tổ chức tín dụng thành lập). Khi đã sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn thì rủi ro thanh toán là điều chắc chắn. CTCK cũng không thoát khỏi tình hình chung là hoạt động dựa vào vốn tín dụng là chủ yếu. Khi chính sách tiền tệ thăt chặt, mặc nhiên nguồn vốn này bị giảm sút, gây rủi ro về thanh khoản và thanh toán cho CTCK. Ngoài ra, các yếu kém đối với CTCK trong khoảng 5 năm đầu hoạt động đã bộc lộ ngày càng nhiều, từ lãnh đạo cấp cao nhất (như trường hợp đã xảy ra CTCK Ngân hàng công thương, Hà Thành, SME, Liên Việt, Cao su, SBS…) đến các nhân viên hành nghề (hàng năm, UBCKNN đã thanh tra và phạt vi phạm hành chính rất nhiều các nhân viên tác nghiệp ở các CTCK với mức phạt ngày càng cao hơn).

- Về cơ sở vật chất kỹ thuật: Mỗi CTCK đều đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống giao dịch điện tử, đều duy trì 5 đường truyền công nghệ với 2 Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, ngân hàng thương mại và UBCKNN. Bên cạnh đó là các chi phí về thuê địa điểm, điện, nước, các thiết bị văn phòng, lương, trả bảo hiểm… Do các khó khăn trong kinh doanh, nhiều CTCK cắt giảm chi phí bằng cách chuyển trụ sở, giảm nhân viên, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, đóng cửa một số chi nhánh và phòng giao dịch… Nhân sự trong CTCK có chất lượng tương đối cao, được đào tạo bài bản, và thường xuyên luân chuyển giữa các CTCK hoặc giữa CTCK và các ngành nghề khác. UBCKNN đã cấp giấy phép hành nghề cho trên 8.000 người nhưng số người thực sự hành nghề với giấy phép được cấp hiện khoảng 4.000 người, chủ yếu là giấy phép hành nghề môi giới. Rất nhiều nhân viên của CTCK chưa có giấy phép hành nghề.

Những phương thức tái cơ cấu

Tùy thuộc vào thực trạng, khả năng và chiến lược, các CTCK có thể lựa chọn những phương thức tái cơ cấu khác nhau:

 Tự củng cố và phát triển công ty: Những CTCK đã trụ được hơn 5 năm hoạt động sẽ cần phải chấn chỉnh lại chiến lược (theo đuổi nghiệp vụ gì, kênh phân phối nào, mảng khách hàng nào, ở đâu…với tầm nhìn và sứ mệnh cụ thể), củng cố kiểm soát rủi ro, nâng cao quản trị công ty bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất.

Giải thể CTCK: Việc xóa sổ CTCK về mặt pháp lý được thực hiện khi công ty mất an toàn tài chính, hết 6 tháng kiểm soát đặc biệt mà công ty không khắc phục được tình trạng này. Tuy nhiên, giấy phép đăng ký và giấy phép kinh doanh của CTCK đang là một, nên nếu bị rút giấy phép kinh doanh thì cũng đồng nghĩa với việc CTCK chấm dứt tư cách pháp nhân. Khi đó, công ty không còn phải thanh toán nghĩa vụ nợ nần với các chủ nợ, nhà đầu tư. Đây là điều không thể xảy ra vì các CTCK là công ty đại chúng nên phải có nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, hiện nay, việc xóa sổ CTCK là rất khó mà phải có thể phải chờ sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp sau này.

Sáp nhập CTCK: Đây là bước đi rất đáng khuyến khích. Cái khó hiện nay là tùy theo tài sản tài chính của từng CTCK và thiện chí giữa các bên sáp nhập. Chỉ những CTCK còn tài sản, gần như không nợ nhiều, danh mục tự doanh có tính thanh khoản cao… thì khả năng sáp nhập còn khả thi. Ngược lại, những CTCK còn nợ nần cao, tự doanh lớn thì rất khó thực hiện. Ngoài ra, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý về khung luật pháp là rất quan trọng.

Bán lại công ty cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài: Khả năng bán CTCK cho nhà đầu tư trong nước là có thể xảy ra, tuy nhiên không cao và không nhiều do nguồn vốn và khả năng quản lý.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, đầu năm 2012 là thời điểm Việt Nam cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài.

Xét theo tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, đến tháng 8/2012 có 46/105 CTCK (gần 44%) có yếu tố ngoại, trong đó 13 CTCK có tỷ lệ góp vốn của NĐTNN là 49%, 3 CTCK có tỷ lệ trên 40%, 8 CTCK có tỷ lệ 5-30%, 22 CTCK có tỷ lệ dưới 5%. Trong giai đoạn thăm dò thị trường, NĐTNN chưa thực hiện hết các nghiệp vụ chứng khoán, hầu hết dừng lại các nghiệp vụ môi giới và tư vấn.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể vào lĩnh vực chứng khoán bằng 2 con đường là góp cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% CTCK Việt Nam hoặc mua, thành lập mới CTCK do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn. Về hình thức đầu tư, có thể phân ra làm 3 dạng đầu tư của NĐTNN vào CTCK: (i) các công ty môi giới chuyên nghiệp góp vốn (Worri CBV, Kim Eng Việt Nam); (ii) các quỹ đầu tư góp vốn (Horizon, Vina Securities, Golden Bridge, Mireas Asset); (iii) các tập đoàn đa ngành (SaigonBank Berjaya, Phú Hưng). Khả năng tham gia tiếp tục của nhà đầu tư nước ngoài vào các CTCK là rất lớn.. Hình thức thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài đang chờ đợi hướng dẫn của UBCKNN. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập mới hoặc mua toàn bộ CTCK nào đó của Việt Nam. Đây là hướng đi mới, luồng gió mới thổi vào thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm hướng tới tiềm năng phát triển lâu dài. Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài là các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…) có nguồn vốn, có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có hệ thống mạng lưới và những mối quan hệ được thiết lập và phát triển tại các thị trường tài chính quan trọng. Nhiều CTCK Việt Nam gần như ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa làm thủ tục giải thể, một trong những lý do là mong chờ vốn đầu tư từ bên ngoài từ vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược trong nước để bán lại giấy phép kinh doanh.

Tự giải thể cùng với quá trình sáp nhập của tổ chức “mẹ”: Những CTCK do các tổ chức “mẹ” thành lập, ví dụ như ngân hàng thương mại, các tập đoàn lớn có thể được giải thể và sáp nhập cùng với các tổ chức này. Vì chỉ có 1 CTCK được hoạt động theo luật định ở một tổ chức tín dụng nên hoạt động sáp nhập giữa Habubank và SHB đã dẫn đến 2 CTCK của 2 ngân hàng thương mại này phải hợp nhất.

Chuyển đổi mô hình: Đây là hướng đi lâu dài. Cho đến khi Luật Chứng khoán sử đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán năm 2010 còn hiệu lực thì khả năng này là khó xảy ra. Tuy nhiên, từ thực tế trên thế giới và Việt Nam hiện nay có thể trước mắt nên cho các CTCK thực hiện một số dịch vụ ngân hàng đầu tư, sau đó là chuyển đổi mô hình khi điều kiện cho phép.

Ngân hàng đầu tư là một tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp và trung gian, nghiệp vụ của nó rất rộng như tư vấn và huy động vốn cho các khách hàng, tư vấn các giao dịch chuyển nhượng tài sản cụ thể (toàn bộ công ty, một phần cổ phần, một bộ phận sản xuất kinh doanh, một dự án đầu tư…), tư vấn mua lại và sáp nhập, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp, tư vấn chứng khoán hóa cho doanh nghiệp, thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn sử dụng nghiệp vụ hoán đổi cổ phiếu và trái phiếu, giúp giải quyết nợ xấu của ngân hàng… Ở Việt Nam hiện nay, một số CTCK đã là đối tác giúp ngân hàng thương mại giải quyết các tài sản đảm bảo của nợ xấu (gọi là dịch vụ thu xếp vốn). Ở đây, ngân hàng đầu tư là tổ chức tài chính trung gian một cách khách quan để tư vấn, hỗ trợ việc xử lý tài sản đảm bảo, giúp ngân hàng và doanh nghiệp tự giải quyết nợ xấu, qua đó giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước và giảm chi phí của ngân sách.

Như vậy, một số nghiệp vụ của CTCK hiện nay đã là nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư (tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn M&A, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp…) nhưng mô hình của CTCK vẫn là công ty chuyên doanh về chứng khoán. Sau này, khi kinh tế phát triển hơn, khả năng quản lý tốt hơn với khung khổ luật pháp hữu hiệu hơn thì đây là vấn đề thuộc về quan điểm quản lý cần tiếp tục xem xét cho các CTCK Việt Nam có hướng đi rõ ràng và từ đó năng lực hoạt động và cạnh tranh tốt hơn.

Những hướng đi này sẽ sáng rõ hơn vào cuối năm 2012 trở đi, khi mà các quy định pháp lý về thanh tra giám sát theo CAMELS trong lĩnh vực chứng khoán được thực hiện, các yêu cầu về công bố thông tin cũng như đảm bảo an toàn tài chính ngày càng nghiêm ngặt hơn, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 100% vào CTCK. Việc phân loại các CTCK cần làm quyết liệt để có những biện pháp giải quyết thích ứng. Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là trách nhiệm công bố thông tin của cả cơ quan quản lý cũng như các CTCK để góp phần đem lại một thị trường chứng khoán quốc gia minh bạch và công bằng.

 Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư số 52/2012 /TT-BTC ngày 5/4/2012 về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán năm 2010;

3. Báo “Đầu tư Chứng khoán” tháng 7,8/2012;

4. Báo cáo của UBCKNN tháng 6/2012;

5. Sách “Thuật ngữ chứng khoán Anh- Việt”- UBCKNN, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán, NXB Lao động, 2010.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 10 - 2012

Phương thức tái cơ cấu các công ty chứng khoán hiện nay

PGS.,TS. Lê Hoàng Nga

(Tài chính) Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (được Chính phủ ký ban hành ngày 1/3/2012 theo Quyết định số 252/QĐ-TTg), việc tái cơ cấu các công ty chứng khoán là một nội dung rất quan trọng. Tái cơ cấu là hướng tới sự phát triển bền vững của các công ty chứng khoán, siết chặt quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư.

Xem thêm

Video nổi bật